* Có lần tôi nghe thấy một loài chim được gọi với cái tên là chim Bách thanh, đó là loài chim gì và chúng thường sống ở đâu?
Vũ Quang Xuân, Quỳnh Lưu, Nghệ An
Theo Bách khoa toàn thư mở thì Họ Bách thanh (danh pháp khoa học: Laniidae) là một họ chim trong bộ Sẻ (Passeriformes), được biết đến vì hành vi bắt côn trùng, các loài chim hay động vật có vú nhỏ và xiên chúng trên các cành cây có gai.
Điều này giúp chúng khoét phần thịt của con mồi thành các mẩu nhỏ với kích thước thuận tiện hơn, cũng như có tác dụng làm "tủ đựng thức ăn" để sau đó chúng có thể quay trở lại để ăn tiếp.
Họ này bao gồm các loài chim cỡ nhỏ và trung bình. Cơ thể chắc, đầu to. Mỏ Bách Thanh điển hình có dạng móc câu với mút mỏ trên cong và có một hay hai mấu răng sắc, tương tự như của các loài chim săn mồi khác, phản ánh đúng bản chất ăn thịt của chúng.
Chúng có chân khoẻ, có mép sau giò trơn, ngón chân khoẻ, có móng sắc để giữ con mồi. Chim trống và chim mái nói chung có màu lông giống nhau. Chim non có lông nhạt hơn, thường có vằn hay vạch.
Các loài Bách thanh sống ở cây bụi, đồng ruộng, bãi cỏ. Một số sống ven rừng và vườn. Tổ hình chén, mỗi lứa đẻ 3-7 trứng. Các tên gọi phổ biến trong tiếng Việt là Bách Thanh, chàng làng, quích.
Phần lớn các loài Bách thanh sinh sống tại đại lục Á- Âu và châu Phi, nhưng có 2 loài ở Bắc Mỹ là Bách Thanh đầu to và Bách Thanh xám lớn. Không có thành viên nào của họ này sinh sống tại Nam Mỹ hay Australia.
Một vài loài Bách thanh còn gọi là "chim đồ tể" do hành vi giữ lại xác chết của chúng. Các loài chim đồ tể (Cracticus spp.) ở Australia không phải là Bách thanh, mặc dù chúng chiếm hốc sinh thái tương tự. Một vài loài châu Phi còn gọi là chim fiscal, có nguồn gốc từ tiếng Afrikaan để chỉ người treo cổ phạm nhân là fiskaal.
*Chiếc khinh khí cầu đầu tiên trên thế giới do ai phát minh và ai là người đầu tiên du hành bằng khinh khí?
Vũ Học Hà, Đồ Sơn, Hải Phòng
Khinh khí cầu hay khí cầu là một túi đựng không khí nóng hay các chất khí trong trường hợp dùng khí hidro được gọi là khinh khí cầu, thường có khối lượng riêng nhỏ hơn không khí xung quanh và nhờ vào lực đẩy Ác-si-mét có thể bay lên cao trong khí quyển.
Có nhiều giả thuyết cho rằng, các nền văn minh cổ đã dùng khí cầu khí nóng để chở người bay lên không trung. Julian Nott đã chế tạo lại được một khí cầu như vậy với các nguyên vật liệu của thời kỳ này. Nott đã bay qua cánh đồng Nazca trên khí cầu do ông chế tạo, sử dụng củi để đun nóng khí.
Ngày 5 tháng 8 năm 1709, tại Lisbon, Bồ Đào Nha, Bartolomeu de Gusmão đã tạo ra một khí cầu khí nóng bay lên trong một phòng lớn. Ông đã chế tạo một khí cầu khác mang tên Passarola (tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là chim lớn) và bay thử từ lâu đài Saint George, ở Lisbon, nhưng chỉ bay xa được một kilômét rồi bị rơi, nhưng ông không bị thương.
Henry avendish năm 1766 đã tạo ra khí cầu bơm khinh khí (hiđrô). Sau đó Joseph Black chứng minh khí cầu này có thể dùng để bay trong không trung được. Anh em Montgolfier là những người đầu tiên bay được lâu trên khí cầu khí nóng, vào năm 1783.
Cùng năm đó Jacques Charles tạo ra khí cầu bơm các chất khí nhẹ, một loại khí cầu sau đó trở nên thông dụng từ thập niên 1790 đến thập niên 1960. Khinh khí (hiđrô), là một chất khí nhẹ hơn không khí, và phản ánh trong tên gọi của nó. Chất khí này cũng mang lại tên gọi khinh khí cầu.
Khinh khí rất dễ chế tạo, từ việc điện phân nước, tuy nhiên nó có thể cháy nổ khi tiếp xúc với không khí ở nhiệt độ cao. Khinh khí đã gây một tai nạn thảm khốc với một khí cầu du lịch vào đầu thế kỷ 20; nó gây hỏa hoạn và giết chết toàn bộ phi hành đoàn khi họ đang trong không trung. Sau tai nạn đó, người ta không dùng khinh khí cho khí cầu lớn nữa và khinh khí chỉ còn được bơm cho một số bóng bay nhỏ.
Những khí cầu bơm khí nay thường chỉ còn dùng hêli, một khí trơ và an toàn. Năm 1852, Henri Giffard đã chế tạo khí cầu có thể lái được, sử dụng động cơ hơi nước.
Ed Yost đã sáng tạo lại khí cầu khí nóng vào thập niên 1950, sử dụng nylông làm vỏ và buồng đốt prôpan. Chuyến bay bằng khí cầu loại này của ông vào năm 1960 đã khởi đầu môn thể thao khí cầu hiện đại.