| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền cưỡng chế nhà dân trái phép

Thứ Tư 25/09/2019 , 14:32 (GMT+7)

Sửa chữa lại căn nhà để tránh mưa bão, cụ bà Mai Thị Thái ở xóm Bình Hòa, xã Khánh Hồng (Yên Khánh, Ninh Bình) bị chính quyền xã cưỡng chế, tháo dỡ cửa mang về trụ sở UBND xã. 

Hiến đất xây chùa

Theo tìm hiểu của PV, năm 1984, cụ Trương Thị Nhớn, trú tại thôn Bình Hòa, xã Khánh Hồng, là mẹ đẻ của ông Đỗ Quang Vinh và mẹ chồng của bà Mai Thị Thái đã xây dựng một ngôi nhà thờ để thờ Phật trên diện tích hơn 1.800 m2.

Cụ Nhớn đã duy trì các lễ hằng năm, từ năm 1984 đến năm 2003 khi cụ qua đời và bàn giao lại cho con trai là ông Vinh và con dâu là bà Thái. Các con trai, con dâu, rể của cụ từ đó đến nay vẫn tổ chức thờ phụng, lễ lạt đầy đủ.

Căn nhà cấp 4 bà Thái đang ở đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo những người dân trong làng, xã, tại khu nhà thờ hằng năm đều có đông đảo các tín đồ phật tử, các cụ cao niên trong làng, xã đến tụng kinh, niệm phật cầu nguyện, mong phúc ấm no an lành cho mọi người trong làng.

Tháng 9/2006, các con của cụ Nhớn có đơn gửi các cấp có thẩm quyền xem xét cho phép gia đình cụ được hiến toàn bộ đất đai, cơ sở vật chất của khu nhà thờ cho nhân dân làng Bình Hòa để nhân dân trong làng đề nghị chính quyền, các ban ngành liên quan cho phép tôn tạo, xây chùa làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng.

Căn cứ vào nguyện vọng và đơn đề nghị của gia đình cụ Nhớn, ngay sau đó, các cụ cao niên trong Ban Khánh tiết của làng Bình Hòa đã họp lại để tiếp nhận khu đất và cơ sở hạ tầng, đồng thời đề nghị chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân trong xóm tiếp nhận, tạo thành địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng theo pháp lệnh tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Nhận được đề nghị từ nhân dân, tháng 10/2006, UBND xã Khánh Hồng có tờ trình gửi UBND huyện Yên Khánh đề nghị xem xét nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Đến năm 2011, các cụ trong Ban Khánh tiếp làng Bình Hòa cùng 36 cụ cao niên trong làng lại tiếp tục có đơn đề nghị chính quyền xem xét đồng ý với nguyện vọng của nhân dân.

Cũng cuối năm 2011, trong hội nghị quân dân chính khu vực Bình Hòa, khi được hỏi ý kiến thì tất cả các đại biểu đều thống nhất đồng ý tiếp nhận khu đất và cơ sở vật chất của gia đình cụ Nhớn để xây chùa.

 Cưỡng chế sai luật

Quay lại câu chuyện của bà Mai Thị Thái bị cưỡng chế, năm 2012, do căn nhà bà Thái đang ở (nằm trong khu đất được gia đình hiến để làm chùa), bị xuống cấp trầm trọng, bà Thái đã xây dựng căn nhà nhỏ để tránh mưa gió, bão lũ, đồng thời dự định là nơi trông coi chùa sau này. Đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng.

Tuy nhiên, khi “phát hiện” sự việc, chính quyền xã Khánh Hồng ngay lập tức tổ chức đình chỉ công trình xây dựng, vì cho đó là “việc xây dựng không phép”. Ngoài việc đình chỉ, UBND xã cũng quyết định phạt bà Thái với số tiền 2 triệu đồng.

Toàn bộ số cửa gỗ đã bị chính quyền tháo dỡ, mang về trụ sở.

Công trình từ đó đến giữa năm 2019 không được tiếp tục xây dựng. Nhưng mùa mưa bão đến, căn nhà cấp 4 mà bà Thái đang ở bị tốc mái, nứt tường, nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Cực chẳng đã, bà Thái mới thuê thợ mộc đến để lắp đặt cửa căn nhà đang bị đình chỉ xây dựng.

Đồng thời, ngày 16/6/2019, bà Thái có đơn đề nghị về việc xây dựng nhà ở và nơi thờ tự. Theo đó, bà xin phép chính quyền cho hoàn thiện tầng trệt căn nhà để ở và có nơi thờ Phật, thờ gia tiên.

“Khi bà con hàng xóm biết sự việc, kéo đến chất vấn về lệnh cưỡng chế, về biên bản thì họ không trả lời được”, bà Thái cho hay.

3 ngày sau, ngày 19/6, không có lệnh cưỡng chế, cũng không có biên bản vi phạm, cán bộ Công an huyện Yên Khánh phụ trách khu vực, Phó công an xã là ông Phạm Văn Tuyển cùng cán bộ địa chính, xã đội trưởng… đến tháo dỡ 5 bộ cửa chính, một số hộp gạch men, 1 xe cát và gạch đỏ để mang đi.

Khi bà Thái kiên quyết giữ lại số tài sản trên thì bị công an viên lôi ra ngoài. Bà Thái hỏi lệnh cưỡng chế thì cán bộ trả lời là thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND xã Khánh Hồng Đỗ Quang An.

Tại cuộc làm việc với PV, lãnh đạo huyện Yên Khánh (đề nghị không nêu tên), cho biết, huyện đã nhận được báo cáo sự việc của UBND xã Khánh Hồng. Tuy nhiên, về mặt thủ tục, xã đã làm sai khi thu tài sản của nhân dân mà không có giấy tờ, quyết định cụ thể. Ngoài ra, huyện hoàn toàn ủng hộ việc hiến đất xây chùa của gia đình cụ Nhớn, ông Vinh, bà Thái để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho nhân dân.

Báo cáo UBND huyện, lãnh đạo xã Khánh Hồng liên tục nhắc đến việc tạo điều kiện thuận lợi để gia đình bà Thái hiến đất xây chùa, nhân dân có nơi sinh hoạt tín ngưỡng. Song, việc làm của chính quyền xã vô hình trung đang gây cản trở việc này.

Báo NNVN tiếp tục thông tin sự việc.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.