| Hotline: 0983.970.780

Choáng ngợp Sơn La

Thứ Hai 22/03/2021 , 12:06 (GMT+7)

Làn sóng đầu tư của nhiều doanh nghiệp lớn vào chế biến đang giúp vựa trái cây Sơn La chuyển mình mạnh mẽ theo chuỗi giá trị.

Vựa xoài ngút ngàn đón bội thu

Lại một năm nữa, vựa cây ăn quả Sơn La dự báo được mùa lớn. Hiện đang mùa ra hoa, đậu quả của nhiều loại cây ăn trái. Khắp mọi nẻo đường, thôn bản ở Sơn La bạt ngàn bởi muôn màu sắc của hoa xoài, hoa nhãn...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm và kiểm tra tình hình ra hoa vụ xoài 2021 tại HTX Thiên Tân (xã Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La). Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh thăm và kiểm tra tình hình ra hoa vụ xoài 2021 tại HTX Thiên Tân (xã Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La). Ảnh: Lê Bền.

Ở huyện Mai Sơn bây giờ, thật khó để tìm ra những vạt đồi còn trống, tất cả đã phủ một màu xanh của cây ăn quả. Đến năm 2021, diện tích cây ăn quả của huyện Mai Sơn đã đạt gần 10.700ha, trong đó riêng cây xoài đạt trên 3.600ha, trải dài bạt ngàn ở nhiều xã trong huyện, nhất là xã Hát Lót.

Vùng xoài tập trung của HTX Thiên Tân ở bản Nông Xôm (xã Hát Lót) với hơn 15ha, gồm 7 hộ thành viên hiện đã đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Bá Tân, một trong những thành viên tiêu biểu của HTX không giấu được phấn khởi cho biết, năm nay xoài ra hoa, đậu quả sai chưa từng thấy. Nếu không gặp những rủi ro, nhất là mưa đá bất thường trong thời gian tới, đây sẽ lại là năm người trồng cây ăn quả ở Mai Sơn nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng bội thu.

Vườn xoài trải rộng gần 6ha của hộ ông Tân với những vạt đá mồ côi lởm chởm, vốn trước đây chỉ được tận dụng để trồng ngô, trồng sắn. Những cây xoài đầu tiên ở đây đã được bà con trồng từ hạt của giống xoài hôi bản địa, có quả bé, hạt to từ trước năm 2000, giá trị kinh tế thấp.

Đến năm 2010 trở đi, phong trào ghép cải tạo vườn cây ăn quả ở Sơn La bắt đầu bùng nổ. Những gốc xoài được gieo từ hạt thực sinh có tuổi đời từ 10 - 15 năm tuổi mang sẵn sức vóc, khi được ghép cải tạo với những giống xoài thế hệ mới đã trở thành lợi thế khi cho chất lượng, năng suất rất cao.

Ông Nguyễn Bá Tân (bìa phải, HTX Thiên Tân) đánh giá đây là năm xoài ra hoa, đậu quả rất sai, dự kiến được mùa lớn. Ảnh: Lê Bền.

Ông Nguyễn Bá Tân (bìa phải, HTX Thiên Tân) đánh giá đây là năm xoài ra hoa, đậu quả rất sai, dự kiến được mùa lớn. Ảnh: Lê Bền.

Riêng HTX Thiên Tân đã thực hiện ghép cải tạo gần như 100% từ giống xoài hôi bản địa bằng giống xoài GL4 (giống do Viện Nghiên cứu Rau quả chọn tạo).

Không chỉ ghép cải tạo, đến nay, những nhà vườn ở HTX Thiên Tân nói riêng cũng như hầu hết các vựa cây ăn quả lớn ở Sơn La nói chung, người dân nằm lòng những kỹ thuật, quy trình canh tác, thâm canh cao cho cây ăn quả như bón phân, quản lí sâu bệnh hại; cắt cành tạo tán; tỉa quả; xiết gốc để kích thích phân hóa mầm hoa, tăng tỉ lệ đậu quả; bao quả… Nhiều nhà vườn cũng đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt.

Năng suất của những vườn xoài có tuổi đời từ trên 20 năm tuổi đã được ghép cải tạo như ở HTX Thiên Tân hiện có thể đạt bình quân 12 - 15 tấn/ha. Với giá bán bình quân những năm gần đây thường xuyên xoay quanh 15.000 đồng/kg, trừ chi phí hàng năm (khoảng 40 - 50 triệu đồng/ha), việc thu nhập tiền tỉ không còn xa lạ với các nhà vườn.

Mở lối chế biến

Theo UBND tỉnh Sơn La, đến năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả các loại của địa phương này dự kiến sẽ đạt khoảng trên 87.000ha, sản lượng trái cây đạt gần 430.000 tấn.

Trong đó, cây nhãn đạt 19.500ha, sản lượng 100.000 tấn; xoài 19.000ha, sản lượng khoảng 80.000 tấn; cây mận, mơ hơn 11.600ha, sản lượng hơn 92.000 tấn; cây chuối hơn 7.000ha, sản lượng trên 70.000 tấn; cây có múi hơn 4.700ha, sản lượng hơn 14.000 tấn; chanh leo hơn 2.100ha, sản lượng hơn 23.000 tấn…

Vựa xoài Sơn La kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thụ khi nhà máy chế biến của DOVECO đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Bền.

Vựa xoài Sơn La kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề tiêu thụ khi nhà máy chế biến của DOVECO đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Bền.

Cùng với sự chủ động của tỉnh cũng như vào cuộc của nhiều bộ ngành trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất khẩu, trái cây của Sơn La đã được Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cấp hơn 180 mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu sang 14 thị trường lớn như Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ…

Mặc dù vậy, tổng sản lượng trái cây xuất khẩu toàn tỉnh Sơn La mới chỉ đạt khoảng hơn 108.000ha. Như vậy, nếu so với tổng sản lượng trái cây toàn tỉnh ước tính năm 2021 khoảng 430.000 tấn, lượng trái cây (tươi) xuất khẩu mới chỉ chiếm chưa tới 1/3, còn lại là tiêu thụ thị trường nội địa và một phần chế biến.

Thời gian qua, bên cạnh những doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhỏ của tỉnh Sơn La hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tỉnh này cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến, đã và sẽ đi vào hoạt động để giải quyết bài toán tiêu thụ trái cây cho tỉnh Sơn La như Nafoods Tây Bắc, TH True Milk…

Sơn La đang là địa phương đứng hàng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cây ăn quả. Đặc biệt trong bối cảnh diện tích cây ăn quả của Sơn La ngày càng mở rộng nhanh chóng, những năm tới, sản lượng cây ăn quả của tỉnh này sẽ còn nâng lên, nhất là còn diện tích rất lớn cây ăn quả sẽ đến tuổi cho thu hoạch trong những năm tới.

Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, việc tổ chức thu hút doanh nghiệp vào chế biến sâu nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ cho trái cây của Sơn La đang là vấn đề vô cùng cấp thiết.

Ông Đinh Cao Khuê (bìa phải), Chủ tịch HĐQT của DOVECO khẳng định nhà máy của DOVECO sẽ giải quyết được toàn bộ khâu chế biến xoài của tỉnh Sơn La khi đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Bền.

Ông Đinh Cao Khuê (bìa phải), Chủ tịch HĐQT của DOVECO khẳng định nhà máy của DOVECO sẽ giải quyết được toàn bộ khâu chế biến xoài của tỉnh Sơn La khi đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Bền.

Gần đây nhất, Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cũng đã và đang gấp rút phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai đầu tư xây dựng nhà máy, xây dựng dây chuyền chế biến rau quả tại huyện Mai Sơn.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT DOVECO cho biết, qua rà soát, năm 2021 Sơn La sẽ có khoảng 9.000ha (trong tổng số 18.000ha xoài toàn tỉnh) cho thu hoạch. Trong đó giống GL4 chiếm khoảng 60%, xoài tròn của Yên Châu là 1.400ha, xoài hôi của Yên Châu là 1.700ha, xoài Thái Lan 240ha và xoài Úc là 280ha. Tổng sản lượng xoài thu hoạch toàn tỉnh khoảng 65.000 tấn (thời gian thu hoạch từ 20/5 và kết thúc vào 30/8, chính vụ dự kiến từ 15/6 đến 30/7).

Như vậy, với giống xoài có thể chế biến là giống GL4, sản lượng khoảng 36.000 tấn, trừ tiêu thụ quả tươi nội địa và xuất khẩu, sản lượng xoài có thể chế biến được sẽ khoảng 14.000 - 15.000 tấn.

DOVECO khẳng định, sẽ cố gắng chế biến hết khối lượng này (kết hợp với xuất khẩu quả tươi) khi dây chuyền chế biến trái cây của DOVECO đi vào hoạt động.

Kỳ vọng mới từ cây dứa

Không chỉ đặt kế hoạch sẽ thu mua một số loại trái cây đã và đang có sẵn vùng nguyên liệu tại Sơn La để chế biến (nhất là xoài), DOVECO cũng đang khẩn trương phối hợp với các địa phương tại Sơn La liên kết xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến của công ty tại Sơn La đối với số đối tượng rau quả mới là dứa, một số loại rau như ngô ngọt, rau chân vịt, đậu tương,…

Vùng dứa nguyên liệu vừa mới trồng của DOVECO tại xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn). Ảnh: Lê Bền.

Vùng dứa nguyên liệu vừa mới trồng của DOVECO tại xã Chiềng Sung (huyện Mai Sơn). Ảnh: Lê Bền.

Chiềng Sung (huyện Mai Sơn) với những dải đất phẳng lì, trải dài miên man từng một thời là thủ phủ của cây ngô. Khi cây ngô hết thời, người dân ở đây đã loay hoay với khá nhiều cây trồng mới như mía, chanh leo… Cây chanh leo sau 2 - 3 năm gần đây phát triển rất tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng đã phát sinh những vấn đề nhức nhối về dịch bệnh.

Để luân chuyển và thay thế dần cây chanh leo, từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, DOVECO đã triển khai xong việc hợp tác với người dân Chiềng Sung để đưa một loại cây trồng mới vào trồng tập trung, đó là cây dứa (hiện đã trồng được 130ha). Đây là lần đầu tiên, cây dứa được phát triển thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn tại tỉnh Sơn La.

Hiện DOVECO đã và đang khẩn trương phối hợp với nhiều địa phương tại tỉnh Sơn La như Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Sông Mã… để triển liên kết với nông dân, các HTX để phát triển các vùng dứa nguyên liệu.

Theo kế hoạch trong năm 2021, DOVECO sẽ phát triển vùng dứa nguyên liệu tại Sơn La với tổng diện tích khoảng 4.850ha, trong đó tập trung tại các huyện như Mai Sơn (1.100ha); Yên Châu (900ha); Mộc Châu (500ha); Mường La, Thuận Châu (mỗi huyện 500ha)… Trong chiến lược dài hơi, theo UBND tỉnh Sơn La cũng như nghiên cứu, định hướng của DOVECO, vùng dứa nguyên liệu sẽ vô cùng có lợi thế tại các huyện như Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp….

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm