Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 5/9, bà Võ Thị Chính, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết, rất lấy làm tiếc về sự việc xảy ra tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng trên địa bàn.
Mặc dù, công tác quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội, quận đã có nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo theo chỉ đạo chung của thành phố về tăng cường công tác giám sát, kiểm tra để phòng ngừa các vi phạm phát sinh trong công tác hỗ trợ, nhất là việc chăm lo cho trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, đối với cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, thời gian qua, quận 12 đã có nhiều lần kiểm tra. Ngay trong tháng 7 vừa qua, Mặt trận Tổ quốc quận đã trực tiếp xuống cơ sở này giám sát về công tác quản lý cơ sở bảo trợ.
"Qua các lần kiểm tra của phường, của quận, kể cả của Mặt trận Tổ quốc quận chưa phát hiện số trẻ vượt quy định, kể cả hành vi bạo hành.
Chứng tỏ, chủ cơ sở đã đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Nhờ báo chí đã giúp quận làm sáng tỏ và xử lý nghiêm minh các cá nhân để có chấn chỉnh trong hoạt động tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng", lãnh đạo UBND quận 12 nói và cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin, UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị vào cuộc kiểm tra xử lý.
Theo bà Võ Thị Chính, quan điểm của quận là phải xử lý kiên quyết và xử lý mạnh để có tính răn đe, phòng ngừa. Quận 12 đã làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận thành lập và giấy phép hoạt động của cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, đồng thời, chỉ đạo giao Công an quận điều tra, củng cố hồ sơ.
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, pháp luật nghiêm cấm hành vi bạo lực trẻ em. Trong đó, bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập.
Từ vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, Sở nhận định đây là vụ việc bạo hành trẻ em có tính nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm để răn đe trước pháp luật.
"Quan điểm của Sở từ khi tiếp nhận thông tin đến thời điểm này là xử lý nghiêm những người có hành vi bạo lực trẻ em và đề nghị các cơ quan, tổ chức cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu để cơ quan có thẩm quyền thu thập tài liệu phục vụ công tác điều tra, xác minh và xử lý theo quy định", đại diện Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nói.
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra, thanh tra các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập trên địa bàn thành phố để kịp thời chấn chỉnh, xử lý theo quy định.
Hiện TP.HCM có 16 cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở thực hiện tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 6.505 đối tượng bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, có 64 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập có quyết định thành lập đã tiếp nhận quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 3.177 trường hợp. Trong đó, có 23 cơ sở thành phố cấp phép hoạt động và 41 cơ sở do các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cấp phép hoạt động.
Riêng đối với trẻ em, hiện có 11 cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và 42 cơ sở ngoài công lập tiếp nhận, chăm sóc nuôi dưỡng.