| Hotline: 0983.970.780

Chủ đầu tư Việt Đức Complex bị tố 'chặt chém' tiền điện

Thứ Sáu 09/10/2020 , 18:47 (GMT+7)

Chủ đầu tư dự án chung cư Việt Đức Complex bị tố gian lận, bán điện trái phép cho khách hàng, trong khi khâu chống cháy nổ chưa được đảm bảo.

Vị trí dự án Việt Đức Complex. Ảnh: vietduccomplex.vn

Vị trí dự án Việt Đức Complex. Ảnh: vietduccomplex.vn

Chủ đầu tư lách luật?

Nhiều cư dân đã mua nhà và sinh sống tại chung cư Việt Đức Complex, quận Thanh Xuân, Hà Nội kiến nghị về việc nhiều tháng qua họ phải chịu tiền điện với giá cao bất thường. “Chúng tôi đã nhiều lần hỏi, song Chủ đầu tư và Ban quản lý tòa nhà trả lời vòng vo. Truy mãi, họ mới nói “bán hộ” cho Điện lực Thanh Xuân, nhưng công tơ chưa được đơn vị điện lực kiểm định”, chị H., sống tại chung cư Việt Đức Complex, cho biết.

Cụ thể, Chủ đầu tư và Ban quản lý chung cư Việt Đức Complex đặt ra biểu giá bán điện với các bậc tương ứng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Điều khiến cư dân bức xúc là, có những tháng họ sử dụng rất ít, nhưng vẫn phải trả 3-4 triệu tiền điện.

“Tháng 9, cả nhà tôi đi vắng tới 1 tuần vì có lịch đi về quê. Thời gian khác ở nhà cũng ít, chủ yếu là đi làm và đi công tác. Thế mà 1 tháng phải trả tới 4 triệu tiền điện thì quá phi lý”, ông Minh, cư dân sống tại Việt Đức Complex, nói.

Nhiều cư dân khác tại đây cũng rất bức xúc trước cách tính tiền điện nhập nhèm của Chủ đầu tư và Ban quản lý. Có ý kiến cho rằng Chủ đầu tư Việt Đức Complex “móc nối” với Công ty Điện lực Thanh Xuân (thành viên của EVN) để gian dối, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Tại bốn đơn nguyên A, B, C, D, của chung cư Việt Đức Complex, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến phàn nàn giá điện.

Ngoài thắc mắc về giá điện, cư dân tại Việt Đức Complex còn lo lắng về việc Chủ đầu tư trả lời vòng vo, hoặc từ chối trả lời vì sao lắp công tơ điện chưa qua kiểm định của cơ quan có thẩm quyền.

“Nếu có cháy nổ do đường điện không đảm bảo, thì chúng tôi biết kêu ai?” Anh D. một cư dân tại tòa nhà nêu câu hỏi.

Trong vai khách tìm mua nhà, chúng tôi đã tới một vài căn được quảng bá là “giá ngoại giao” tại đây. Nhiều căn còn chưa xong phần nội thất, nhưng hai nhân viên môi giới vẫn nhiệt tình quảng bá. Được hỏi về chuyện điện, một trong hai nhân viên môi giới nói: “Anh cứ yên tâm, bên em đã xong thủ tục phòng cháy chữa cháy, đã được EVN cấp điện, đấu nối công tơ, bán cho khách hàng. Khách mua nhà ở đây đông lắm”.

Trong khi đó, nhiều chủ căn hộ tại đây treo băng rôn đỏ, nội dung phản đối Chủ đầu tư chậm bàn giao nhà theo tiến độ, khiến họ thiệt hại cả trăm triệu đồng vì phải trả lãi ngân hàng.

Bảng tính phí tiền điện tháng 9 của một số cư dân tại Việt Đức Complex, có hộ phải trả hơn 5 triệu tiền điện dù rất ít khi dùng. Ảnh: Văn Việt.

Bảng tính phí tiền điện tháng 9 của một số cư dân tại Việt Đức Complex, có hộ phải trả hơn 5 triệu tiền điện dù rất ít khi dùng. Ảnh: Văn Việt.

Công ty Điện lực Thanh Xuân nhờ “bán hộ”

Trả lời phỏng vấn PV báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân, cho biết: “Chủ đầu tư tòa nhà Việt Đức Complex chưa hoàn thiện các thủ tục cần thiết để bàn giao cho đơn vị chúng tôi. Nhiều khả năng Chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục về phòng cháy chữa cháy. Việc bán điện cho cư dân như thế là giấu ngành điện, tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

Ông Phương nói thực trạng hiện nay một số chủ đầu tư tự ý lắp công tơ, bán điện cho cư dân khi chưa được phép. “Có những nơi, trước áp lực của khách hàng nên cứ mở cho dân vào. Tòa nhà Việt Đức Complex cũng trong trường hợp này”.

Một chuyên viên của Công ty Điện lực Thanh Xuân giải thích thêm rằng Chủ đầu tư tòa nhà Việt Đức Complex “thu hộ” cho ngành điện. “Theo thông tư 25 của ngành điện, để tạo điều kiện cho Chủ đầu tư, EVN sẽ áp định mức qua công tơ tổng, sau đó chủ đầu tư thu tiền của từng hộ”.

Theo chuyên viên này, Chủ đầu tư sẽ mang hợp đồng mua bán nhà hợp pháp cho Công ty Điện lực Thanh Xuân, sau đó, ngành điện dựa vào số lượng hợp đồng để áp định mức.

Chúng tôi đặt câu hỏi về mặt công tơ, trách nhiệm đảm bảo an toàn lưới điện, vị chuyên viên của Công ty Điện lực Thanh Xuân nói: “Chúng tôi không chịu trách nhiệm về công tơ do chủ đầu tư lắp. Mặt khác, theo quy định hiện hành, chúng tôi chỉ đảm bảo an toàn lưới điện về tới công tơ tổng tạm lắp cho chủ đầu tư”.

Cách trả lời này cho thấy nghi ngờ của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Công ty Điện lực Thanh Xuân và Chủ đầu tư "đá bóng trách nhiệm" cho nhau, trong khi cư dân phải ấm ức chịu thiệt.

Nhiều nghi vấn ăn chặn

Nhiều cư dân đặt ra câu hỏi về trách nhiệm phòng chống cháy nổ, an toàn lưới điện, đảm bảo tính tiền điện hợp lý sẽ thuộc về ai. Trường hợp công tơ do Chủ đầu tư tòa nhà Việt Đức Complex “nhảy số” loạn xạ, thì chỉ có cư dân chịu thiệt. Quan trọng hơn, họ không biết phải kêu ai.

Chưa kể, nếu có cháy nổ từ sau đường dây đấu nối vào công tơ đến từng nhà, hoặc từ sau công tơ tổng, thì ai chịu trách nhiệm: Chủ đầu tư hay Ban quản lý?

Chúng tôi đã tìm tới Chủ đầu tư để tìm câu trả lời cho người dân. Tuy nhiên, Chủ đầu tư từ chối trả lời, tìm mọi cách gây khó dễ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.