| Hotline: 0983.970.780

Chủ động phòng bệnh cúm gia cầm giai đoạn giao mùa

Thứ Sáu 08/12/2023 , 20:25 (GMT+7)

Bạc Liêu Theo Cục Thú y, nguy cơ tái phát và lây lan dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới vẫn ở mức cao, đặc biệt là vào những tháng cuối năm.

Ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu chủ động tiêu độc khử trùng cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu chủ động tiêu độc khử trùng cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện, đang trong giai đoạn giao mùa, sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm giảm, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan nhất là bệnh cúm gia cầm.

Tại Bạc Liêu, ngành chuyên môn tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ đàn vật nuôi, duy trì sản xuất hiệu quả, trong đó chú trọng vận động người chăn nuôi gia cầm, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm ngừa vacxin cho đàn vật nuôi theo đúng lịch trình để tăng khả năng miễn dịch chống chọi với dịch bệnh.

Là hộ chăn nuôi vịt lấy trứng nhiều năm qua, ông Mai Thanh Triều, ấp Giồng Bướm B, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, (tỉnh Bạc Liêu), cho biết: Trong những ngày thời tiết chuyển lạnh như hiện nay ông và người chăn nuôi đều chú trọng việc bổ sung các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng và vitamin C để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi ngăn chặn mầm bệnh.

Đồng thời, chủ động che chắn chuồng trại, tránh gió lùa giữ ấm cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, để bảo vệ đàn vịt của gia đình thì sau khi bắt về nuôi gia đình ông đều tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ cho đàn vịt.

Nhu cầu thị trường vào những tháng cuối năm là rất cao. Ảnh: Trọng Linh.

Nhu cầu thị trường vào những tháng cuối năm là rất cao. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Triều, đàn vịt được gia đình chăm sóc kỹ, thường nhốt vào chuồng, khi có biểu hiện khác thường sẽ báo ngay cho đơn vị thú y xã xuống kiểm tra. Số đàn vịt hiện đã được tiêm ngừa vacxin đầy đủ, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Ngoài ra, chuồng trại được lót rơm rất sạch sẽ, nhờ đó đàn vịt nuôi ít bị nhiễm bệnh.

Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin, thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn là những giải pháp căn cơ đang được người chăn nuôi thực hiện nhằm bảo vệ an toàn đàn gia súc, gia cầm trong điều kiện thời tiết giao mùa.

Là địa phương có đàn vật nuôi khá đông của tỉnh với trên 20.000 con gia súc, và trên 600.000 con gia cầm, ngành chuyên môn huyện Vĩnh Lợi luôn chủ động thực hiện các giải pháp phòng bệnh trên đàn vật nuôi nhằm góp phần ổn định phát triển chăn nuôi tỉnh nhà.

Ông Nguyễn Đình Thi, Cán bộ phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vĩnh Lợi, chia sẻ: Đơn vị thường xuyên chủ động tuyên truyền cho người dân về công tác chăn nuôi an toàn sinh học, phòng bệnh. Trước khi mua con giống về thả nuôi thì khuyến cáo hộ nuôi tiêu độc sát trùng chuồng trại, đồng thời tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi và Thú y tại địa phương.

Phổ biến, tuyên truyền đến từng mạng lưới hệ thống thú y các xã, thị trấn, đến từng hộ nuôi làm sao đảm bảo được sức khỏe đàn vật nuôi, đạt hiệu quả cao.

Ngành chức năng tiêm ngừa vacxin cho đàn vịt của ông Triều. Ảnh: Trọng Linh.

Ngành chức năng tiêm ngừa vacxin cho đàn vịt của ông Triều. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, người chăn nuôi đang tái đàn phục vụ Tết nguyên Đán, do đó công tác phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi luôn được ngành chức năng đặt lên hàng đầu với nhiều giải pháp như: tiến hành phun hóa chất ở các khu vực chuồng trại chăn nuôi, phối hợp với các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vacxin phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi nhất là bệnh cúm gia cầm.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, khi tái đàn cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng để đạt hiệu quả trong chăn nuôi.

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương. Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Tính 10 tháng đầu năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, bệnh dịch tả lợn Châu phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%. Bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%. Bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.