Tại Tiền Giang, dịch tả heo Châu Phi xảy ra vào cuối tháng 4/2019 và lây lan nhanh chóng với tổng số heo bị tiêu hủy hoặc chết trên 167.000 con, khối lượng trên 10.000 tấn.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi đến năm 2025, trong đó có quy định tiêu hủy toàn bộ nếu heo mắc bệnh, heo chết, heo có kết quả xét nghiệm dương tính.
Như vậy, tại ổ dịch vẫn còn giữ lại số heo chưa mắc bệnh. Tuy nhiên, đa số heo được giữ lại sẽ lần lượt được đội xung kích địa phương tiến hành tiêu hủy bởi heo này đã bị nhiễm virus. Thực tế đã có nhiều trường hợp đội xung kích địa phương đã phải đến hộ trên 20 lần trong vòng 60 ngày.
Qua theo dõi nhiều công trình nghiên cứu khoa học, TS Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang nhận thấy: Chỉ xuất hiện virus trong máu khi heo có triệu chứng lâm sàng và phải mất 2-3 ngày heo bệnh mới bài thải virus đồng thời phải mất thêm 1-2 ngày nữa mới chính thức thải virus có khả năng gây bệnh. Như vậy, heo mắc bệnh ít nhất 3 ngày mới bài thải virus gây bệnh ra môi trường chăn nuôi. “Thời gian 3 ngày này được chúng tôi gọi là “Giờ vàng”, TS. Thái Quốc Hiếu nói.
Để có cơ sở hỗ trợ hộ nuôi có heo tiêu hủy bắt buộc do bệnh, yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi bằng phương pháp PCR của Chi cục Thú y vùng VI. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm này thường phải mất 2-3 ngày, làm mất toàn bộ “Giờ vàng”. Trong khi đó, kết quả test nhanh chỉ mất vài giờ. Do vậy, muốn áp dụng hiệu quả “Giờ vàng” phải sử dụng kết quả test nhanh. Đáng ghi nhận, 100% mẫu có test nhanh dương tính với virus đều cho kết quả chính xác khi thực hiện lại bằng phương pháp PCR.
Trên cơ sở này, TS Thái Quốc Hiếu cũng như Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang mạnh dạn đề xuất Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 7162/UBND-KT về việc chấp thuận chủ trương sử dụng test nhanh trong phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi nhằm mục đích loại thải sớm heo mắc bệnh ra khỏi đàn trước khi bài thải virus có khả năng gây bệnh.
Ngày 26/11/2021, UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận chủ trương sử dụng test nhanh trong phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi. Từ đó, Chi cục Chăn nuôi và thú y Tiền Giang triển khai sâu rộng đến chính quyền địa phương các cấp, đội ngũ thú y cơ sở, người chăn nuôi qua tập huấn trực tuyến, toạ đàm, thực tế tại cơ sở, tờ rơi, …. về áp dụng “Giờ vàng” trong phòng chống dịch.
Theo số liệu thống kế cho thấy, từ ngày 1/1 - 25/11/2021, khi chưa áp dụng sáng kiến, toàn tỉnh Tiền Giang có 164 hộ chăn nuôi có heo mắc bệnh tại 79 ấp thuộc 48 xã tất cả các huyện địa bàn tỉnh (trừ huyện Tân Phú Đông). Tổng số heo tiêu hủy gần 4.800 con, khối lượng trên 293.000kg so với tổng đàn 5.751 con, chiếm tỷ lệ 83%.
Từ ngày 26/11/2021 - 7/11/2022, toàn tỉnh có 146 hộ chăn nuôi có heo bệnh tại 86 ấp thuộc 56 xã trên địa bàn tỉnh (trừ thị xã Cai Lậy). Tổng số heo tiêu hủy là 4.504 con/195.000kg so với tổng đàn 5.654 con, chiếm tỷ lệ gần 80%. Giả sử, nếu tỷ lệ tiêu hủy heo ở giai đoạn này vẫn là 83% như chưa áp dụng sáng kiến, khối lượng heo tiêu hủy có thể là 205.000kg với số tiền thiệt hại sẽ là trên 7,7 tỷ đồng, chênh lệch hoen 348 triệu đồng. Chính vì thế khi áp dụng sáng kiến “Giờ vàng” đã tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân là 348 triệu đồng (chưa kể chi phí vật tư và công tiêu hủy).
Xét về hiệu quả kinh tế đã giảm số heo tiêu hủy tại hộ, giảm sự lây truyền bệnh trong ấp, xã, giảm số lần tiêu hủy, do vậy, giảm chi phí đi lại và giảm công tiêu hủy, tiết kiệm được thời gian cho công tác tiêu hủy.
Về mặt xã hội đã thay đổi hành vi người chăn nuôi theo hướng tích cực, nhất là áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khai báo dịch bệnh sớm, hợp tác chính quyền địa phương. Về môi trường, khi giảm số heo tiêu hủy sẽ giảm ảnh hưởng môi trường sinh thái.