| Hotline: 0983.970.780

Chum vỡ

Thứ Hai 08/05/2017 , 07:24 (GMT+7)

Cụ Từ có một cái chum to, có chiều cao đúng bằng một người, miệng chum có đường kính gần một mét. Chum ấy, cụ mua được vào năm mà Tố, ông con cả, mới 12 tuổi, đến nay, tính ra đã được 61 năm.

Chum mua từ Hải Phòng, có giá đúng một trăm hai mươi đồng. Mua xong cho lên thuyền chở về. Đến bến sông làng mình, cụ phải huy động 4 trai tráng, cùng với cụ là 5, vần chum từ thuyền lên bờ, rồi từ bờ về làng, mất từ sáng đến trưa. Phải phá cửa buồng ra mới đưa được chum vào buồng, rồi lại làm lại cửa.

Cụ dùng chum ấy đựng thóc. Cái chum có sức chứa đúng hai tạ. Không phải có ngay một lúc hai tạ thóc mà đựng vào chum. Thời đó là thời bao cấp, một ngày công lao động Hợp tác xã chỉ được nửa cân thóc. Nhà 8 miệng ăn, mỗi vụ chỉ được dăm tạ. Nồi cơm độn đủ các thứ, nào khoai, nào dong riềng, nào cám, có lúc còn độn cả rau muống. Dây rau muống già băm nhỏ, phơi khô, độn vào cơm biến thành màu đen, hơi rất nồng. Thế mà cũng chẳng được no.

Đàn con 6 đứa, đứa nào cũng ăn như rồng như hổ. Bữa cơm sắp ra, chỉ loáng một cái là nồi đã trơ đáy. Nhưng đói đến đâu thì đói, mỗi vụ, cụ cũng cắn răng, nhất quyết bớt ra hai chục cân thóc, phơi thật già, rê thật sạch rồi đổ vào cái chum đó. Phải mất đúng mười vụ, chum mới đầy. Ngày cái chum được đổ đầy đến miệng, cụ cười, nụ cười không gì có thể mãn nguyện hơn.

Thế là từ đó, cụ đã có một nguồn lương thực dự trữ vô cùng quý giá. Thỉnh thoảng được ngày rỗi rãi, cụ lại vào buồng, đứng hàng giờ, hết ngắm chum thóc lại tẩn mẩn mở nắp chum, bốc một vốc thóc ra chỗ sáng, săm soi ngắm nghía thật kỹ. Thóc phơi già, đổ vào chum đậy kỹ, không bao giờ bị mối mọt, cứ vàng ong óng, hạt nào ra hạt ấy. Cứ mỗi vụ, cụ lại xúc thóc trong chum ra phơi lại một lần. Ngày phơi thóc, cụ không cho vợ con đụng vào, tự cụ xúc ra phơi, tự cụ trông nom rồi phơi xong lại tự xúc vào.

Ông Tố, con trai cả, lấy vợ, ra ở riêng. Bốn cô con gái lần lượt lấy chồng, chỉ còn Tánh, cậu con út, lấy vợ xong ở luôn cùng bố mẹ.

Thời đổi mới, thóc lúa trở nên thừa mứa, gạo đem nấu cả cho lợn ăn. Rồi thóc lúa trở thành hàng hóa, gặt xong đến đâu bán dóc ngay tại ruộng đến đấy, hàng ngày ra hàng gạo đong vài ba cân một về ăn. Đã mấy lần Tánh định xúc thóc trong cái chum của bố ra bán, vì thóc đã để đến mấy chục năm, nhưng cụ Từ nhất định không cho, khiến ông con phát cáu:

- Thày hay nhỉ, cái thứ thóc đã để mấy chục năm ấy, đến lợn nó cũng chả thèm ăn, còn khư khư giữ làm gì?

- Mày thì biết cái gì. Các cụ đã dạy rằng phải biết “tích cốc phòng cơ”. Không biết tích cóp, nhỡ ông giời ông ấy làm đói kém, thì đến cám cũng chả có mà ăn, chứ đừng nói thóc cũ.

Tánh làm ăn được, quyết định xây lại nhà. Ngày phá cái buồng, anh định vần cái chum thóc ra, nhưng cụ Từ quyết tâm ngăn cản. Vốn là người chí hiếu, không muốn làm bố buồn, Tánh đành để nguyên cái chum ở chỗ cũ, chỉ phá tường, xây thành nhà mới.

Năm chín mươi tư tuổi, cụ Từ mất. Cụ bà đã mất trước đó gần chục năm. Làm đám tang cho bố xong hôm trước, hôm sau Tánh lập tức bảo vợ xúc hết số thóc dự trữ trong cái chum của bố ra, mang bán cho hàng bún. Sau 49 ngày, ông Tố, anh cả, tìm đến nhà Tánh:

- Ngày ông còn sống, tôi có nói với ông rằng khi ông hai năm mươi, ông cho con cái chum, để con giữ làm kỷ niệm. Ông đồng ý. Giờ ông mất rồi, chú cho tôi mang cái chum về.

- Vâng, bác mang về đi, chứ để trong buồng nhà em, nó cứ chềnh ềnh ra đấy, chiếm cả chỗ mà chẳng biết đựng cái gì.

- Nhưng khổ nỗi cửa hẹp, chum to, biết làm sao mà vần ra được?

- Thì bác cứ phá cửa buồng nhà em để vần chum ra, xong rồi bác xây lại cửa cho em.

Sáng hôm sau, ba bố con Tố mang búa đến, phá cửa buồng nhà Tánh, vần chum về. Nhưng ba hôm sau không thấy Tố nói gì đến chuyện xây lại cửa đền mình, Tánh lại nhà Tố, thấy cái chum vẫn để ở góc sân:

- Sao bác không mang cái chum vào buồng?

- Cửa buồng nhà tôi cũng hẹp, không cho nó vào được, mà phá cửa buồng ra thì tiếc, thôi đành để nó ở đó vậy.

- Bác phải xây lại cửa đền cho nhà em đi chứ.

- Cái chum đó là chum của ông. Ngày ông còn sống, cửa buồng để rộng, vẫn vần ra vần vào được. Giờ chú xây cửa buồng hẹp lại, muốn lấy cái chum ra phải phá rộng cửa, đó là tại chú, sao lại bắt tôi phải xây đền.

- Sao lúc tôi bảo bác phá cửa để lấy chum rồi xây lại đền tôi, bác không nói gì. Giờ lại còn giở giọng. Biết bác bẩn bụng thế, tôi thà đập vỡ cái chum để mang mảnh vứt ra ngoài con hơn là để bác lấy.

- Chú dám nói thế à. Vật kỷ niệm của ông mà chú dám nói là đập ra à?

- Sao tôi lại không dám đập?

- Chú có dám thì thử đập đi xem nào.

- Tôi hỏi lại lần nữa. Bác có xây đền cái cửa buồng cho nhà tôi không?

- Không đời nào tôi xây.

Nhìn thấy cái búa mà ông anh đã dùng đập cửa buồng nhà mình hôm trước còn để ở góc sân. Tánh nhặt lấy, vung lên:

- Không này.

“Choang”. Chỉ một nhát búa, cái chum vỡ tan tành.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?