| Hotline: 0983.970.780

Chương trình tăng trưởng lúa toàn cầu

Thứ Ba 16/11/2010 , 10:49 (GMT+7)

Mục tiêu của Chương trình là thông qua các biện pháp tăng năng suất để gia tăng sản lượng lúa gạo đáp ứng mức tăng dân số trong những năm sắp tới...

Từ Hội nghị quốc tế về Lúa lần thứ III tổ chức tại Hà Nội gần đây Liên hiệp khoa học lúa toàn cầu (GRiSP) vừa công bố khởi động chương trình hợp tác giữa các trung tâm nghiên cứu và các quốc gia nhằm làm tăng năng suất lúa trên quy mô toàn cầu và giảm thiểu tác hại của hệ thống thâm canh cây lúa cũ lên môi trường sinh thái.

Mục tiêu của Chương trình là thông qua các biện pháp tăng năng suất để gia tăng sản lượng lúa gạo đáp ứng mức tăng dân số trong những năm sắp tới, nhờ đó kềm hãm giá gạo mà theo các nhà phân tích sẽ tăng thêm ít nhất 6,5% vào năm 2020 và trên 13% năm 2035 nếu chúng ta không có biện pháp thích ứng.

Bằng cả quyết tâm của cộng đồng quốc tế, các nhà hoạch định kế hoạch tại Viện lúa Quốc tế IRRI cùng hai trung tâm nghiên cứu CIRAD và IRD của Pháp, JIRCAS của Nhật Bản cho rằng Chương trình sẽ giúp đưa ra khỏi danh sách nghèo đói khoảng 72 triệu người vào năm 2020 và 150 triệu người vào năm 2035.

Ngân quỹ 5 năm hiện nay của chương trình khoa học có tầm mức quốc tế này là 600 triệu USD, dự kiến kêu gọi các quốc gia liên quan đóng góp thêm hàng năm 100 triệu USD kể từ 2011 và đến 139 triệu USD từ 2015 nhằm triển khai kịp thời các biện pháp công nghệ để đến 2035 có thể giảm bớt 11% số người nghèo đói lúc đó.

 Chúng ta biết rằng khoảng một nửa dân số thế giới dùng gạo làm thực phẩm chính, và theo IRRI trên 1 tỷ người sống nhờ vào nghề trồng lúa. Trong số trên dưới 120.000 dòng lúa hiện nay thì có đến 90% trồng tại châu Á, và điều đáng nói là kể từ năm 2000 đến nay năng suất trung bình lúa toàn cầu giảm đi 1% mỗi năm.

Kế hoạch của Chương trình đặt trọng tâm vào việc xác định các dòng gen có khả năng vượt ngưỡng năng suất hiện tại và nhân giống chúng để trồng trong các điều kiện khí hậu biến đổi, bao gồm lụt lội, xâm nhập mặn và các thất thường thời tiết khi sớm khi muộn hay khi ngập úng khi khô hạn kéo dài.

 GRiSP nhắm đến mục tiêu tăng năng suất nhờ việc áp dụng kỹ thuật tưới mới và nhờ tuyển chọn hay biến đổi gen rồi nhân giống đại trà để từ đó áp dụng kỹ thuật thâm canh cao sản mới. Biện pháp này sẽ đóng góp rất lớn vào việc giữ nguyên diện tích đất canh tác hiện nay, đồng nghĩa với việc không chặt phá thêm 1,2 triệu hecta rừng cây và hệ sinh thái cho đến năm 2035.

Sẽ có nhiều việc phải làm, nhiều cộng đồng dân cư và nhiều trường, viện phải tham gia, cũng như nhiều khoản đóng góp của các quốc gia để tạo nên một cuộc cách mạng thiết yếu trong nghề trồng lúa. Nhóm tư vấn về Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) cho biết đây mới chỉ là chương trình mở màn cho một chiến dịch phối hợp toàn cầu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt, năng suất tăng gấp đôi

PHÚ YÊN Ngay vụ đầu thử nghiệm, mô hình trồng sắn phủ bạt kết hợp tưới nhỏ giọt đã cho năng suất 50 tấn/ha, trong khi cách trồng truyền thống chỉ đạt từ 15 - 18 tấn/ha.