Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa năm 2020 ở ĐBSCL là 67.960 ha, bao gồm: 54.213 ha cây hàng năm; 12.736 ha cây lâu năm; 1.011 ha thủy sản.
Cây trồng chuyển đổi chủ yếu là cây ngắn ngày (bắp, lạc, đậu tương, vừng, rau đậu các loại ..) và cây ăn quả (cam, bưởi, xoài, thanh long …). Trong đó, diện tích chuyển đổi sang cây ăn quả như cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng …đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao.
Nhìn chung, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trong những năm qua đang mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa. Trong năm 2019, đối với cây hằng năm trên đất lúa, doanh thu ước tính 178 triệu đồng/ha, lợi nhuận là 113 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng hơn so với trồng lúa hơn 99 triệu đồng/ha.
Đối với cây trồng lâu năm trên đất lúa, doanh thu ước đạt 607 triệu đồng/ha, lợi nhuận là 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng hơn trồng lúa là 386 triệu đồng/ha. Đối với nuôi trồng thủy sản, doanh thu ước đạt 75 triệu đồng/ha, lợi nhuận 40 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng hơn so với trồng lúa là 13 triệu/ha.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn mang lại những hiệu quả tích cực khác, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Cụ thể, việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã làm giảm khoảng 50% nhu cầu lượng nước tưới cho sản xuất lúa và làm giảm đáng kể chi phí xăng dầu bơm tưới, công lao động.
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở nhiều địa phương, đã tạo ra nhiều mô hình sản xuất mới vừa cho hiệu quả cao hơn hẳn so với trồng lúa, vừa phù hợp với biến đổi khí hậu. Điều quan trọng hơn là những mô hình này có thể nhân rộng, ít nhất là trên địa bàn.
Chẳng hạn, ở Sóc Trăng, hành tím từ lâu đã là một sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện vẫn tập trung chủ yếu ở Vĩnh Châu. Theo nhận định của một số chuyên gia nông nghiệp, tùy theo tình hình thị trường, Sóc Trăng có thể mở rộng diện tích hành tím trên đất lúa tại các huyện Trần Đề và Cù Lao Dung. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh sản xuất hành tím theo hướng hữu cơ hoặc hữu cơ để nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm mạnh sử dụng thuốc BVTV. Sóc Trăng cũng có thể nhân rộng trên đất lúa mô hình sản xuất các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, sầu riêng, vú sữa, nhãn ...
Tuy nhiên, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong thời gian qua ở ĐBSCL còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trước hết là vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung.
Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa đảm bảo khâu tiêu thụ mang tính bền vững.
Chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Một số địa phương chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao.
Chính vì vậy, theo Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, để thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt. Các địa phương cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất...