| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở trung tâm môi giới

Thứ Tư 22/12/2010 , 14:01 (GMT+7)

Có hai con đường để những cô gái ở Hải Phòng lên xe hoa với người nước ngoài. Một là qua sự dẫn dắt của người thân, bạn bè, hai là thông qua các trung tâm môi giới.

Ông Trần Văn Khôi, cán bộ tư pháp xã Phả Lễ: Phả Lễ có chừng 500 phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc

Có hai con đường để những cô gái ở Hải Phòng lên xe hoa với người nước ngoài. Một là qua sự dẫn dắt của người thân, bạn bè, hai là thông qua các trung tâm môi giới. Thực tế chứng minh, hầu hết những cô gái cuộc sống vợ chồng trắc trở phải về nước đều ra đi từ những trung tâm “bắc nhịp tình duyên” xuyên quốc gia.

“Se duyên” thời hiện đại

Trong vai một người anh trai đưa em gái đến tìm cơ hội lấy chồng Hàn Quốc, chúng tôi gõ cửa nhà bà mối tên madam Ngọc (những người mai mối ở đây bất kể nam hay nữ đều được gọi là madam) ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên. Nghe bà con nơi đây kể, bà này rất mát tay, trước khi đến với nghề “se duyên” đã có nhiều năm buôn bán quần áo ở chợ Đồng Xuân.

Sau khi nhìn săm soi hồi lâu, đến lúc thấy xe máy của chúng tôi mang BKS 20R1… bà Ngọc mới đồng ý cho vào. Tuy nhiên, sự có mặt của tôi khiến bà không được hài lòng cho lắm vì những người đến đây toàn phụ nữ. Không để khách phải chờ lâu, vừa ngồi xuống ghế madam Ngọc hỏi dồn ngay: “Thế cháu đã đi những đâu rồi? Học hết cấp ba chưa? Đến đây với cô là tìm đúng chỗ rồi đấy. Xinh xắn thế này cô phải để dành cho một chú rể thật “ngon” mới được”. Madam Ngọc đưa mắt, tỏ vẻ rất thân mật với cô em gái (thực chất là đồng nghiệp) của tôi. Vừa nói chuyện madam Ngọc vừa mở tủ lấy ra một tờ giấy bảo cô bạn tôi ghi đầy đủ các thông tin cá nhân vào đó.

Trong lúc cô bạn đang hí húi ghi chép, tôi đã có dịp bắt chuyện với một cô gái tên Hương, trong bản thông tin đăng ký lấy chồng Hàn Quốc cho thấy cô sinh năm 1989, đã tốt nghiệp THPT ở xã Phả Lễ, huyện Thuỷ Nguyên. “Em tuyển hai lần rồi mà vẫn chưa được anh ạ! Lần trước em trúng tuyển, nhưng ông ấy già hơn cả bố em mấy tuổi nên em không ưng, lần sau thì được anh chàng trẻ hơn một chút nhưng xấu quá nên em lại thôi, không biết lần này thế nào đây?”.

Câu thở dài của Hương cũng chính là tâm trạng rối bời của những cô gái đang tuyển chồng tại đây, một mặt các cô muốn lấy chồng ngoại để có được một khoản tiền giúp đỡ gia đình nhưng mặt khác họ cũng không muốn phó thác số phận cho những người chồng nhìn đã thấy mịt mờ tương lai.

Trò chuyện với một vài cô gái đang làm thủ tục tại đây họ cho biết, thông thường nếu kết hôn thành công chú rể phải mang biếu bố mẹ vợ và trung tâm môi giới một khoản tiền mấy trục triệu đồng. Cô dâu trúng tuyển cũng phải nộp một khoản lệ phí 30 triệu đồng là chi phí dạy tiếng, dạy nấu ăn nội trợ… trong thời gian được trung tâm đào tạo. Tuy nhiên, do những năm gần đây nguồn cô dâu ngày càng khan hiếm nên các trung tâm môi giới chỉ lấy tiền bên phía “nhà trai”.

Khoảng 2h chiều, một chiếc xe bốn chỗ đen bóng đỗ xịch trước cổng nhà madam Ngọc. Nghe tiếng bíp còi, các cô gái bỗng nháo nhác đứng dậy ra xem mặt. Vài phút sau, ba người đàn ông mặc com - lê bước vào gật đầu ngỏ ý chào các cô gái. “Mấy ông này vừa già vừa xấu thế mà madam Ngọc bảo là trung tuổi, đẹp trai”, một cô gái có mái tóc xoăn tỏ vẻ bực bội bĩu môi nói.

Ngồi túm tụm vào một góc để chờ tới lượt phỏng vấn nhưng các cô gái vẫn bàn tán rì rầm. Sau khi nói tiếng Hàn vanh vách với mấy người đàn ông Hàn Quốc, madam Ngọc quay lại đưa mắt trách: “Các con dại lắm, đẹp trai có đem ra mà ăn được không? Già thì họ mới có nhiều tiền lắm của chẳng hơn à”.

5h chiều cuộc tuyển vợ mới kết thúc, một người đàn ông Hàn Quốc có cái tên Kwon Myung Soo chừng 40 tuổi đã chọn được một cô gái tên Lê Thị Thương bên huyện Kiến Thụy thi trượt đại học năm vừa rồi làm vợ, những người còn lại tiếp tục chờ cơ hội khác.

Buổi tối, lang thang vào nhà một số người phụ nữ đã từng lấy chồng ngoại nay trở về nước để tìm hiểu, hầu hết họ nói đức lang quân của các cô dâu Việt đều ở tầm tuổi từ 40 đến 60. Họ có thể là công nhân, lái xe hay nông dân chứ rất ít người là công chức nhà nước. Ngày xưa các cô gái đi tuyển chồng không được nhìn mặt chú rể trước khi kết hôn nên bị các trung tâm môi giới qua mặt dồn vào thế “chuyện đã rồi”. Họ tự “lăng xê” vị trí xã hội của những chàng rể lên từ một đến vài bậc để đánh trúng vào tâm lý những cô gái nhẹ dạ cả tin.

Cục diện xoay vần

Theo số liệu thống kê của chị Vũ Thị Ngọt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lập Lễ, toàn xã có khoảng hơn 700 người lấy chồng nước ngoài, trong đó hơn 60% lấy chồng Hàn Quốc. Qua tìm hiểu thông tin từ các chị em đi lấy chồng phải bỏ về, hầu như toàn bộ các thông tin về chú rể được các trung tâm môi giới đưa ra như nhà ở, nghề nghiệp... đều sai lệch, chỉ có ngày tháng năm sinh hay đã kết hôn lần nào chưa là chính xác, bởi liên quan đến thủ tục kết hôn.

Sự việc trên là hậu quả của những năm mu muội trước đây, những cô gái Việt lấy chồng ngoại đều có học thức hạn chế, kém hiểu biết nên dễ bị các trung tâm môi giới qua mặt lừa đảo. Ông Trần Văn Khôi, cán bộ tư pháp xã Phả Lễ cho biết, hiện nay xã có khoảng 500 phụ nữ đi lấy chồng Hàn Quốc thông qua mai mối. Nhưng hai năm gần đây cục diện phong trào lấy chồng ngoại đã thay đổi cán cân. Các cô gái lấy chồng ngoại giờ rất hiện đại và có sự hiểu biết nhất định, đa số là những em thi đại học không đỗ nên quay sang lấy chồng.

Từ vị trí “kèo dưới”, phải đứng xếp hàng cho một chàng rể Đài Loan hay Hàn Quốc chọn như món hàng thì nay những cô gái ở Hải Phòng đã chuyển lên trở thành người chọn chồng. Anh nào tuổi tác chênh lệch vừa phải, nghề nghiệp ổn định, không quá hom hem thì các cô mới gật đầu “Ok”, nếu không thì các cô cho “out” (loại) ngay.

Nhờ kiến thức và kinh nghiệm của những người đi trước để lại rồi qua các CLB Chống Buôn bán phụ nữ và trẻ em nên con gái đất Cảng có được cái uy này. Thay vì chỉ được nghe về lai lịch chàng trai qua lời giới thiệu của trung tâm môi giới các cô đã biết qua Sở Tư pháp để tìm hiểu và gặp mặt trực tiếp người chồng tương lai trước khi nhận lời kết hôn. 

Chị Bùi Thu Trâm nhà ở đội 5, xã Tú Sơn lôi tấm ảnh cưới của con ra không ngần ngại khoe, cháu Bùi Thu Huyền con chị giờ đang có một cuộc sống rất sung túc với người chồng bên Đài Loan. Chị kể: “Hôm đến xem mặt chồng tôi cũng theo nó sang bên huyện Thủy Nguyên và thấy nó soi kỹ từng câu từng chữ một trong hồ sơ của anh kia. Nó bảo chồng nó bây giờ làm nghề lái xe container và hơn nó 6 tuổi nên nó chọn”.

Không chỉ được chuyển sang chọn chồng mà các cô gái ở Hải Phòng còn chuyển cả “thị trường” lấy chồng. Xem sổ sách của những địa phương có hàng trăm, hàng nghìn người đi lấy chồng ngoại quốc thì từ những năm 2007 trở về trước con gái Hải Phòng đến 90% lấy chồng Đài Loan. Từ năm 2007 - 2009 tỉ lệ lấy chồng Hàn Quốc lại vượt lên con số 70%. Từ đầu năm 2010 này, những cô gái Việt bắt đầu chuyển vùng sang Nhật Bản và châu Âu, đem con số của các địa phương cộng lại cũng lên tới cả trăm người.

* Một số nhân vật trong bài đã được thay đổi

Xem thêm
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân thi công tuyến đường cao tốc huyết mạch

Thị sát các dự án đường cao tốc, Thủ tướng nhắc nhở các địa phương chú trọng xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có cuộc sống tốt nhất.

Ứng phó khô hạn, Ninh Thuận đề ra nhiều giải pháp đảm bảo nước tưới

Dự báo vụ hè thu 2024 ở Ninh Thuận sẽ gặp khó do nắng nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới, ngành chức đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tặng 1.000 bình nước lọc cho bà con vùng hạn mặn Long An

Long An 1.000 bình nước lọc và 33 m3 nước sạch được Nhóm Thiện nguyện G9 - Vì nụ cười trẻ thơ (TP.HCM) cùng với các Mạnh thường quân tặng bà con vùng hạn mặn Long An

Bình luận mới nhất