Hữu duyên hai lần gặp... "rồng"
26 năm về trước. Khoảng 8 giờ sáng ngày 26/8/1998 (ngày 5/7 âm lịch) - ngày giỗ vua Lý Anh Tông - vị vua thứ 6 của vương triều nhà Lý được tổ chức long trọng ở đền Đô (Từ Sơn, Bắc Ninh). Giữa lúc trống giong cờ mở, các nghi thức trang trọng đang được các bô lão tiến hành… thì trên bầu trời xuất hiện 11 vầng mây trắng. 11 vầng mây này đậu lại trên đỉnh "Thọ lăng Thiên đức" - nơi đặt 11 lăng tẩm của các đức trị nhà Lý.
Di chuyển qua hồ bán nguyệt, 3 đám rã ra, tụ lại thành 8 vầng mây trắng ngay trên đền Đô, ứng với 8 vị vua nhà Lý. Sự kỳ diệu của tạo hóa làm không khí lễ hội thêm trang nghiêm, và nức lòng những người có mặt.
Trong thời khắc linh thiêng, ông Nguyễn Đức Thìn – một người con của quê hương Đình Bảng chợt giật mình: Đây là thời khắc ngàn năm có một, phải lưu lại để làm kỷ niệm. Với chiếc máy ảnh cũ chụp phim, 36 kiểu, ông Thìn ghi được 10 tấm hình có vầng mây trắng. Thế là bức ảnh "Cổ Pháp tường vân" ra đời.
“8 vầng mây đứng lừng lững trên nền trời thiên thanh, ngay trên đỉnh đền Đô đúng 45 phút, từ lúc khai lễ cho tới khi phần nghi lễ chính được thực hiện. Sự trùng hợp một cách vừa tình cờ, ngẫu nhiên và cũng không kém phần linh thiêng, như một sự hiển linh của tự nhiên, tạo hóa… Đến giờ mình cũng không lý giải được” – ông Nguyễn Đức Thìn tâm sự.
Theo cách lý giải của ông Thìn, "Cổ Pháp tường vân", nghĩa là dải mây tốt lành trên đình Cổ Pháp. Ngay sau đó, bức ảnh được rửa khổ lớn, lồng trong khung kính đặt trang nghiêm bên trong khu di tích, để du khách tới chiêm bái, tưởng nhớ công ơn của các vị vua nhà Lý có cơ hội được ngắm nhìn bức ảnh vân long – đám mây hình rồng.
Còn cuộn phim, ông Thìn lưu giữ như đồ gia bảo.
Gần một tuần sau, ngày 1/9/1998, ông Thìn lại hữu duyên lần thứ hai với đám mây hình rồng, cũng trên đỉnh đền Đô. Khi đó, các cụ bô lão của đền chuẩn bị một đám rước bát hương về Thủ đô để cùng cả nước tổ chức chào mừng một sự kiện văn hóa lớn. 04h45 phút sáng. Nền trời nhá nhem bỗng bừng sáng. Một đám mây vàng từ Thủ đô bay về.
Nhìn đồng hồ, đúng giờ Dần. Ông nhẩm tính: giờ Dần, rồng bay về, thế là "long hổ tương phùng". Là người kỹ tính, cẩn thận, ông vội mang chiếc máy ảnh cũ để chụp lại khoảnh khắc đám mây hình rồng thứ hai. Bức ảnh có tên "Hoàng long vân giáng".
Những đám mây hình rồng vân du trên nền trời, trong với các thời khắc lịch sử của khu di tích đền Đô nhiều người được chứng kiến. Nhưng, những người may mắn và có ý thức ghi lại khoảnh khắc hiếm có như ông Nguyễn Đức Thìn thì sẽ rất ít. Sự tình cờ, ngâu nhiên ấy, có thể hiểu đó là mối lương duyên riêng của mỗi người.
Sinh năm 1940, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, vẻ tinh anh vẫn hiện hữu trên gương mặt ông Nguyễn Đức Thìn, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động, người chép sử đền Đô, hướng dẫn viên giới thiệu những trang sử của khu di tích quê hương với du khách đến tham quan bằng niềm tự hào, say mê không giấu giếm. Ông là một con người thú vị, càng tìm hiểu sẽ càng không khỏi ngạc nhiên, đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác…
Cuộc đời đi vào tiểu thuyết
Năm 1975, nhà văn Xuân Sách cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”. Cuốn sách nói về những người thật, việc thật của một thế hệ thiếu niên tham gia cách mạng, thực hiện những nhiệm vụ được Đảng phân công, trong đó chủ yếu là thông tin liên lạc. Ông Nguyễn Đức Thìn là đội viên nhỏ tuổi nhất được kết nạp vào năm 1950, khi ông 11 tuổi.
“Thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, làng quê tôi phải sống trong nanh vuốt giặc Pháp. Những người đi tản cư, những người ở lại làng làm ruộng đã bí mật góp tiền ủng hộ kháng chiến, thường xuyên liên lạc với nhau. Một chi tiết khá đặc biệt, đó là trong số du kích bí mật sống lẫn với Tây ở làng có cả các bạn thiếu niên vào lứa tuổi tôi, được du kích làng bí mật kết nạp vào đội Quân báo thiếu niên, hay còn có tên gọi là Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng.
Năm 1950 thầy bu tôi trở về làng thì năm 1951 tôi được kết nạp vào Đội, được giao nhiệm vụ hằng ngày giả vờ chơi quanh đình Đình Bảng để theo dõi di chuyển của quân giặc, mỗi ngày có bao nhiêu xe ô tô đi về, trên mỗi xe có bao nhiêu lính, loại súng gì, loại lính gì… Theo dõi thật kỹ rồi ghi chép bằng ký hiệu mật vào một mảnh giấy nhỏ. Sau mỗi trận đánh trâu ra đồng thì đem mảnh giấy đó bỏ vào hòm thư liên lạc bí mật” – ông Thìn nhớ lại.
Trong tiểu thuyết “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng” của mình, nhà văn Xuân Sách xây dựng hình ảnh nhân vật cậu bé Nguyễn Đức Thìn người nhỏ bé với biệt tài thổi kèn ắc-mô-ni-ca đã dễ dàng tiếp cận, làm quen với bọn lính Tây để dò la tin tức; làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ các cán bộ chiến sỹ đàn anh. Cùng với các bạn bè của mình, ông cùng Đội du kích thiếu niên Đình Bảng mưu trí, dũng cảm lập nên nhiều chiến công, cung cấp thông tin quan trọng cho bộ đội địa phương tiêu diệt các bốt, đồn địch đóng tại quê hương khiến quân Pháp hoang mang, lo sợ.
Sau này, toàn Đội đã được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc tặng lá cờ “Thiếu niên anh dũng”.
“Đội du kích thiếu niên Đình Bảng đã được ghi tên trong lịch sử truyền thống của Đội, đã có ảnh trong Viện Bảo tàng Cách mạng, tên tuổi đã vang xa ra ngoài biên giới. Có nhiều phái đoàn các nước tới thăm, có nhiều thư từ và quà tặng của các bạn nhỏ từ Liên Xô, Trung Quốc, Bun-ga-ri, Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ Đức… gửi tới” – nhà văn Xuân Sách viết.
Hòa bình lập lại, Nguyễn Đức Thìn tiếp tục theo học cấp 2 ở trường Hàn Thuyên và tích cực hưởng ứng các hoạt động thi đua ái quốc. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai 18 tuổi ấy chính thức được xã giao nhiệm vụ phụ trách đội thiếu niên, tổ trưởng tổ giáo viên vỡ lòng của Đình Bảng. Từ đó, anh trở thành thầy giáo làng, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời đầy sáng tạo của một giáo viên tâm huyết.
Năm 1963, được giao nhiệm vụ Phó bí thư đoàn Trường cấp 2 Tam Sơn (Tiên Sơn, Hà Bắc), thầy giáo làng Nguyễn Đức Thìn đề xuất phong trào “Thắp sáng ngọn đèn Ngô Gia Tự”, tiếp đó là phong trào “nghìn việc tốt” trong thiếu niên học sinh lan rộng khắp cả nước. Phong trào “nghìn việc tốt” đã trở thành một nội dung trong khẩu hiệu hành động “Thiếu niên Việt Nam chăm ngoan, học giỏi, làm nghìn việc tốt, tiến bước lên Đoàn”. Điểm sáng Tam Sơn được các địa phương thi đua, học tập và thầy Thìn trở thành tâm điểm của sự ngợi khen với biệt danh “ông nghìn việc tốt”, được mời đi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với các trường bạn…
Những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, tôi về Đình Bảng thăm ông Nguyễn Đức Thìn. Vẫn dáng người nhỏ nhắn, lanh lợi, trí tuệ minh mẫn và bầu nhiệt huyết vẫn căng đầy, ông lão ngoại bát tuần đang bận rộn đón khách là một cán bộ của Nhà xuất bản bên Hà Nội sang, mang theo một chồng sách mới mà ông đặt in. Đó là tập thơ của Câu lạc bộ thơ Thị xã Từ Sơn, và cũng là đầu sách thứ hàng chục mà ông đứng tên, biên tập, chắp bút, xuất bản… Sự kỳ lạ bên trong một con người khiến ông Nguyễn Đức Thìn trở thành một nhân vật đặc biệt, không lẫn vào với số đông, và luôn giữ một tâm nguyện, khát vọng…, đó là được cống hiến.
Ông ngỏ lời bảo tôi đèo ông ra đền Lý Bát Đế, nơi thờ 8 vị vua triều Lý đất Kinh Bắc. Khu di tích được trùng tu, tôn tạo khang trang, trở thành một địa chỉ văn hóa của Bắc Ninh mà giới trẻ xúng xính áo dài, váy đẹp tới chụp ảnh ngày xuân. Qua đình Đình Bảng – công trình lịch sử trải bao thời gian, biến cố dâu bể vẫn sừng sững, uy nghi với vai trò là một chứng nhân lịch sử. Những câu thơ “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng…” của cố thi sỹ Hoàng Cầm, bỗng dưng xôn xao trong những ngày tiết xuân vẫn đang mơn mởn…
“Quê tôi đang phục dựng lại con sông Tiêu Tương năm xưa, để làm sống lại một dòng sông thơ mộng đã đi vào bao trước tác văn học nghệ thuật. Đấy cũng là ước nguyện của dân làng bao nhiêu năm qua. Con sông Tiêu Tương khi xưa còn có tên dòng Tiêu Giang, cửa nguồn là sông Đuống, chảy qua đất kinh Bắc rồi uốn khúc quanh co qua miền đất Đình Bảng. Đến ngã ba Phù Lưu (Từ Sơn), sông xuôi về Lim, chảy qua những làng Xuân, lảng Ổ… và sau cùng nhập vào sông Cầu. Khi đã thành hình, dòng sông thơ mộng, con sông lịch sử, văn hóa ấy… sẽ là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, hát giao duyên Quan họ…” – giọng ông Thìn lấp lánh bao nhiêu niềm tin, khát vọng, niềm tin yêu rạo rực như thứ nắng ấm áp những ngày đầu xuân, đang tiếp sức cho bao chồi non đâm chồi, nảy lộc.
Đến đền Đô, một tốp bạn trẻ đang khăn áo xúng xính chơi xuân, ông vội rảo bước tiến về, giọng sang sảng: “Ông là ông Thìn, hướng dẫn viên du lịch của Khu di tích Đền Đô. Các con đứng gần lại đây, ông nói về lịch sử Đền Đô, lịch sử Đình Bảng cho các con nghe…”. Cứ như thế, đầy tự nhiên đến độ hồn nhiên, ông lão say sưa truyền tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ.
Đối nhân của Hàn Mặc Tử
Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi lấy làm thắc mắc về đôi bàn tay của ông không được lành lặn, những ngón tay choãi ra, có những ngón bị co quắp khiến không khá vất vả để cầm chiếc ấm trà rót mời khách. Dường như nhận biết được điều thắc mắc của tôi, ông cười hiền lành, giải thích: “Đó là di chứng của căn bệnh phong (bệnh hủi) mà tôi mắc phải.
Đấy là thời điểm năm 1979, khi đang ở tuổi 40 – lứa tuổi chín nhất của một người đàn ông, đang dẫn dắt, làm thủ lĩnh các phong trào “nghìn việc tốt” của đoàn viên tỉnh Hà Bắc, ông Thìn mắc phải căn bệnh tai quái: bệnh hủi – một trong 4 bệnh thời trước liệt vào nhóm “tứ chứng nan y”. Tạm gác lại những công việc dang dở, ông vào điều trị tại trại phong Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Dẹp bỏ hết những thị phi, miệt thị của người đời, ông giữ cho mình tinh thần lạc quan, tự mình động viên mình phải giữ nghị lực sống. Với chút năng khiếu chữ nghĩa, viết lách trời cho, cùng với những năm tháng trải qua bao dâu bể, từ những ngày tham gia Đội thiếu niên du kích, những năm tháng chiến tranh, giặc dã, những hạnh phúc, hân hoan ngày hòa bình lập lại, náo nức phong trào xây dựng Hợp tác xã của miền Bắc XHCN, những say mê, cống hiến thời kỳ làm thầy giáo làng…, Nguyễn Đức Thìn đã vượt qua những thời khắc kinh khủng nhất của cuộc đời mình.
“Tôi lấy cho mình bút danh Lý Hiếu Nghĩa, Nhiệt Cảm Sinh. Lý Hiếu Nghĩa để nhắc nhớ làm người phải lấy chữ Hiếu, chữ Nghĩa làm đầu, nhất là lại được sinh ra và lớn lên trên quê hương của các vị vua triều Lý của vùng quê Kinh Bắc văn hóa nhất mực. Còn “Nhiệt cảm sinh”, đấy là cái nhiệt huyết không bao giờ được nguội tắt, nó ngược với nghĩa của chữ Hàn – có nghĩa là lạnh”.
Nhấp chén nước, ông Thìn từ tốn giải thích: “Tôi sinh ra đúng vào năm Hàn Mặc Tử qua đời sau 52 ngày điều trị bệnh phong ở trại Quy Hòa. Một chút ngẫu nhiên sinh tử ấy cùng với bệnh tật giống nhau đã khiến tôi nảy ra ý nghĩ: Không thể chết trong đau đớn như thi sĩ họ Hàn. Nếu như Nguyễn Trọng Trí lạnh băng, vô cảm với cái chết, thì tôi, Nguyễn Đức Thìn, phải nhiệt tình, khát khao sự sống. Bởi vậy, tôi đã vượt lên, làm việc ngay trong trại phong, động viên mọi người cùng lạc quan hướng tới tương lai. Có lẽ vì thế mà họ gọi tôi là đối nhân của Hàn Mặc Tử”.
Những ngày tháng điều trị bệnh tại trại phong Quỳnh Lập, lòng khao khát sống, khao khát trở lại với cuộc đời của Nguyễn Đức Thìn đã truyền sang những bệnh nhân khác, tiếp thêm cho họ sức mạnh. Tại trại phong những năm tháng này, ông Thìn xin ý kiến của lãnh đạo Trại và được đồng ý để mở lớp học cho 150 con em những bệnh nhân điều trị tại đây, gieo mầm chữ ở nơi tưởng như sự sống khô cằn nhất…
Cuộc đời của ông Nguyễn Đức Thìn, dài, và ly kỳ hơn cả những thước phim. Năm 2007, vẫn với tài năng câu chữ, viết lách trời phú, ông đã tự mình viết cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” nói về chính cuộc đời mình, từ thuở ấu thơ cho đến những năm tháng đã cống hiến không ngừng, nghỉ hưu trở về quê, tình nguyện làm “người chép sử làng…
Ông cũng là tác giả của cuốn sách giới thiệu về lịch sử đền Đô dày hơn 200 trang đầy ắp những tư liệu ông dày công sưu tầm, cất giữ ngót nghét 18 năm trời. Những tư liệu, hiện vật đó góp phần tạo nên cuộc triển lãm hoành tráng về Đình Bảng tại Hội trường UBND xã ngay từ năm 1989.
“Ông Hàn Mặc Tử có cái tài thơ. Tôi chỉ là một anh giáo làng. Nhưng tôi là người may mắn hơn Hàn Mặc Tử vì đã chữa khỏi bệnh, được sống đến bây giờ”. Năm 1985, ông được Nhà nước tặng Huân chương Anh hùng Lao động. Năm 1988, ông được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Mấy chục năm qua, ông bền bỉ với vai trò “hướng dẫn viên du lịch” giới thiệu với du khách về Đền Đô – công trình thờ 8 vị vua Triều Lý, với những lần mà ông may mắn, hữu duyên được gặp Rồng trên quê mẹ.