Bà Nguyễn Thị Dung, thôn 13, xã Tân Long bức xúc, hiện nay diện tích đất vườn ven sông của gia đình bà đã lở 10m kể từ bờ sông vào, nếu cho doanh nghiệp vào khai thác, bà sợ rằng cả mảnh vườn sẽ bị hà bá “nuốt chửng”.
Người dân xóm 13, xã Tân Long, huyện Yên Sơn bức xúc phản đối việc cấp phép cho doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên địa bàn |
Cũng giống gia đình bà Dung, bà Đỗ Thị Thông, thôn 13, xã Tân Long thông cho biết, từ khi công ty cổ phần công nghiệp Tân Hà thực hiện khai thác thăm dò đến nay bà và các hộ dân đã làm 5 lá đơn kêu cứu, thế nhưng vẫn vô vọng. Các hộ dân làm nông nghiệp quanh năm chỉ trông chờ vào đồng đất, nhưng nếu mất đất không biết người dân lấy gì làm kế sinh nhai. Bà cùng các hộ dân ven sông tại 3 xã Tân Long, Thắng Quân và Phúc Ninh mong muốn chính quyền địa phương không thực hiện cấp phép cho doanh nghiệp khai thác tại khu vực ngã 3 sông này nữa.
Dọc trên tuyến sông khu vực được cấp mỏ có HTX nông nghiệp thủy sản sông Gâm. Việc phát triển thủy sản đang được chính quyền huyện Yên Sơn khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn. Thế nhưng theo những hộ nuôi cá lồng nơi đây thì nếu doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên dòng sông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi cá của họ.
Diện tích đất vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Dung bị sạt lở hơn 10m |
Ông Phạm Minh Tân, giám đốc HTX cho biết, HTX hiện có 10 xã viên, với 20 lồng cá chiên, bỗng. Các hộ đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng với hi vọng sẽ có cuộc sống ấm no từ nghề cá. Nếu doanh nghiệp khai thác cát, sỏi hoạt động nguồn nước sẽ bị đục, tiếng động, dầu mỡ… sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của cá.
Trước bức xúc của dân, ngày 1/3/2018, chính quyền xã Tân Long đã có buổi làm việc với những hộ dân thôn 13 xã Tân Long và đã có biên bản xác nhận: Nhiều diện tích đất ven sông của các hộ gia đình nơi đây bị sạt lở từ 5 đến 10m đất kể từ mép sông. Dù đã có xác minh sạt lở của chính quyền địa phương và sự bức xúc kêu cứu khắp nơi của nhân dân nhưng không hiểu sao ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn ra quyết định cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty cổ phần công nghiệp Tân Hà, với diện tích được khai thác là 19 ha, chia làm 3 khu vực, thời hạn cấp phép là 25 năm.
Ngã 3 sông, khu vực được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty cổ phần công nghiệp Tân Hà |
Trao đổi với PV Báo NNVN ông Trịnh Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Yên Sơn cho biết, người dân trên địa bàn xã đã phản ánh rất nhiều lần đến UBND xã. Vì họ sợ mỏ khai thác cát được cấp sẽ làm sạt lở đất canh tác. Tuy nhiên sau khi các cơ quan chuyên môn về điều tra thực tế, UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn quyết định cấp phép cho khai thác.
Sau quyết định này, nhiều hộ dân tiếp tục phản đối, nhưng những vấn đề liên quan đến môi trường, điều kiện sản xuất đất đai và các điều kiện xã hội khác vượt quá thẩm quyền cấp xã. Cấp xã chỉ biết tiếp thu ý kiến của nhân dân phản ánh đến các cơ quan chức năng. Còn việc cấp như thế nào và giải quyết ra sao là do quyết định của cơ quan cấp trên.
Điểm di tích lịch sử Khe Lau đang có nguy cơ bị hà bá “nuốt chửng” |
Khi PV liên hệ làm việc với lãnh đạo Sở TNMT tỉnh Tuyên Quang thì được trả lời, cần liên hệ nội dung công việc qua Văn phòng Sở. Tuy nhiên, dù đăng ký nội dung công việc được gần 1 tháng nhưng sở này vẫn chưa bố trí được thời gian làm việc. Vậy do lãnh đạo sở bận hay có vấn đề khuất tất vướng mắc trong vụ việc này?
Được biết, ngoài diện tích hoa màu của dân thì gần khu vực cấp phép mỏ, tại xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn có điểm di tích lịch sử Khe Lau – Nơi diễn ra trận chiến thắng Khe lau lịch sử trong chiến dịch Việt Bắc Thu đông năm 1947. Nếu không thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, rất có thể bia di tích này sẽ bị trôi theo dòng nước.
Dù dân phản đối, nhưng ngày 31/1/2019, UBND tỉnh Tuyên Quang vẫn cấp phép khai thác cát sỏi cho doanh nghiệp |