| Hotline: 0983.970.780

Cụ bà 90 tuổi kiện con nuôi 'đòi' lại đất

Thứ Sáu 08/01/2016 , 07:20 (GMT+7)

Thời gian qua, dư luận huyện Thường Tín (Hà Nội) bàn tán xôn xao về hành trình đi đòi lại phần đất hương hỏa tổ tiên của cụ Nguyễn Thị Đang, 90 tuổi, trú tại xã Thắng Lợi.

09-50-30_cu-dng
Cụ Đang rất buồn khi người con nuôi tìm mọi cách chiếm đất

Trước đó, người con nuôi của cụ là anh Nguyễn Văn Thược đã “biến” toàn bộ đất tổ tiên của gia đình cụ Đang thành tài sản của mình.

Mặc dù tòa cấp sơ thẩm đã tuyên hủy sổ đỏ, buộc anh Thược phải trả lại 1 phần đất cho cụ Đang nhưng anh Thược vẫn "cố đấm ăn xôi" kháng cáo và phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra sáng nay (8/1) tại TAND TP Hà Nội.

Tuyên hủy sổ đỏ cấp sai quy định

Đơn thư của cụ Nguyễn Thị Đang, trú tại thôn Đào Xá, xã Thắng Lợi phản ánh: Vợ chồng cụ được thừa hưởng tài sản từ ông cha để lại gồm thửa đất số địa bạ 325, số bản đồ 1165 và 1/2 thửa đất địa bạ 402 số bản đồ 1164 (tổng diện tích gần 600m2).

Năm 1987, chồng cụ Đang qua đời, từ thời điểm đó, toàn bộ diện tích và tài sản trên đất thuộc quyền sở hữu và sử dụng của cụ Đang. Năm 1991, cụ Đang cắt một phần diện tích đất là 140m2 bán lại cho một hộ dân tại thôn Đào Xá.

Ngày 16/11/2002, khi gần 80 tuổi, cụ Đang đã viết giấy tạm giao nhà ở và diện tích đất tổ tiên mà cha ông để lại cho người con nuôi là Nguyễn Văn Thược. Theo đó, anh Thược được quyền sử dụng với điều kiện phải chăm sóc, phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già, ốm đau và làm tròn trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.

Sau khi có giấy tạm giao quyền sử dụng của cụ Đang, anh Thược đã chủ động đi làm các thủ tục xin cấp sổ đỏ, ngày 25/12/2004, anh Thược được UBND huyện Thường Tín cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 415m2, là phần đất hương hỏa của cụ Đang.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Tịnh, cán bộ xây dựng - địa chính xã Thắng Lợi thừa nhận, việc anh Thược chỉ căn cứ vào giấy tạm giao của cụ Đang, không có xác nhận của UBND xã nhưng đã đăng ký và đề nghị cấp sổ đỏ là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Đây cũng là thiếu sót của UBND xã Thắng Lợi trong việc kiểm tra hồ sơ, tuy nhiên bấy giờ có rất nhiều trường hợp như cụ Đang nên có thể hồ sơ đã nhanh chóng được xét duyệt.

Trước việc làm của anh Thược, cụ Đang buộc phải khởi kiện ra TAND huyện Thường Tín đòi lại phần đất để làm nơi hương hỏa thờ cúng tổ tiên.

"Vụ việc này có lẽ là lần đầu xảy ra ở huyện khi mẹ buộc phải kiện con để đòi lại tài sản chính đáng của mình. Việc anh Thược kháng cáo là quyền của anh ấy. Tôi cảm thấy rất đau lòng cho cụ Đang. Tôi tin tưởng tòa phúc thẩm sẽ xét xử vụ việc công tâm theo đúng pháp luật”, bà Hường cho biết.

Sau rất nhiều lần phải hoãn tòa, từ ngày 25 đến 30/9/2015, TAND huyện Thường Tín mới mở được phiên tòa sơ thẩm. Sau khi xem xét đơn khởi kiện của cụ Đang, các tài liệu, chứng cứ liên quan, TAND huyện Thường Tín đã tuyên hủy sổ đỏ số U409411 mà UBND huyện Thường Tín cấp cho anh Thược ngày 25/12/2004. Tòa cũng buộc anh Thược phải trả lại cho cụ Đang 1 phần đất.

Người con nuôi “cố đấm ăn xôi"

Không chấp thuận bản án sơ thẩm, anh Thược đã có đơn kháng cáo lên TAND TP Hà Nội. Trước phiên tòa phúc thẩm, cụ Đang cho biết, năm 1964 vì gia đình neo người nên vợ chồng cụ đã nhận anh Nguyễn Văn Thược làm con nuôi, lúc này anh Thược mới 15 tháng tuổi.

“Anh Thược dù đã là người thành đạt, hiện đang giữ chức hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở địa bàn huyện nhưng không làm tròn trách nhiệm mà anh đã hứa. Cảm thấy phiền lòng, tôi đành về nhà con gái, con rể ở.

Tình cảm mẹ con giữa tôi và anh Thược ngày càng sứt mẻ. Lợi dụng lúc tôi về nhà con gái tại quận Hà Đông để ở, anh Thược đã tự ý kê khai các thủ tục, giấy tờ đăng ký quyền sở hữu đất mà không nói với tôi một câu.

Năm 2013, tôi đòi lại phần đất và nhà mà tôi tạm giao cho anh Thược quản lý, sử dụng, khi hòa giải ở thôn anh Thược nộp bản photo sổ đỏ đứng tên hộ anh Thược, tôi mới biết. Việc này làm tôi rất buồn lòng”, cụ Đang rầu rĩ.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Thanh Tịnh cho biết thêm, việc cụ Đang viết giấy giao quyền sử dụng đất cho anh Thược, về bản chất pháp lý là 1 dạng hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện theo quy định tại điều 470 Bộ luật Dân sự.

Điều kiện tặng cho không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội và anh Thược tự nguyện tiếp nhận khi ký vào văn bản. Tuy vậy, khoản 3 điều 470 nêu rõ: “Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi cho tặng mà bên được tặng không thực hiện thì bên cho có quyền đòi lại và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Thực tế, bản án của tòa sơ thẩm cũng đã tuyên vô hiệu giấy giao quyền sử dụng đất lập ngày 16/11/2002 giữa cụ Đang và anh Thược.

Bà Nguyễn Thị Hường, thẩm phán TAND huyện Thường Tín, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho biết, vụ việc cụ Nguyễn Thị Đang khởi kiện đòi lại tài sản là nhà ở và đất mà tổ tiên cụ để lại bị anh Nguyễn Văn Thược chiếm đã được tòa sơ thẩm thụ lý.

“Hơn 1 năm qua, chúng tôi cũng mệt mỏi với vụ việc này vì phiên tòa phải tạm hoãn rất nhiều lần. Chúng tôi phải cậy nhờ cả cơ quan cấp trên của anh Thược là Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Thường Tín gửi giấy triệu tập anh Thược tham dự phiên tòa", theo thẩm phán Nguyễn Thị Hường.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.