* Tại sao có loại cua bấy, không có vỏ cứng bao bọc? Cua bấy nấu món gì là thích hợp nhất?
Lê Nhị Hường, Krông Năng, Đăk Lăk
Khi tôm hoặc cua trong quá trình sinh trưởng theo từng giai đoạn chúng sẽ lớn lên thông qua việc lột xác. Cua bấy, tôm bấy là giai đoạn ngắn sau quá trình lột xác đó. Sau đó thì vỏ của chúng lại cứng lên (quá trình này cũng giống như ở các loài bướm, rắn rết mà thôi, chỉ khác là hình thái của tôm, cua, rắn, rết trong các giai đoạn phát triển thì giống nhau, còn bướm thì thay đổi hình dạng bướm- trứng - tằm -nhộng - bướm).
Cua bấy ăn rất ngon nhưng phải biết cách chế biến. Thường người ta hay làm món cua bấy xào gừng, hành. Tôm bấy nếu không khéo chế biến sẽ có vị tanh, mất mùi vị thơm ngon. Nguyên liệu: 2 con cua bấy, 0,3-0,5 kg/con; trứng gà: 1 quả; hành tây: 1 củ bổ múi cam; hành khô: 2 thìa (muỗng) băm nhỏ; hành hoa cắt khúc, gừng tươi tỉa hoa, thái mỏng. Bột mỳ, tiêu bột, muối, ớt tươi; nước sốt: Hoà một chút nước với một thìa (muỗng) đường, 1 thìa bột gà, 2 thìa dầu hào.
Thực hiện: Cua bấy làm sạch bóc bỏ phổi, mai để ráo, ướp hành khô băm, tiêu bột, muối và một chút đường để ngấm (15 phút), sau đó cho trứng đánh tan vào ướp cùng. Tẩm cua vào bột mỳ khô rồi chiên vàng. Cua to nên cắt đôi còn cua nhỏ để nguyên con. Đun chảo nóng, cho dầu vào phi hành khô thơm, cho hành tây vào đảo nhanh, cho ớt thái lát, cua bấy vào đảo nhanh tay sau đó cho nước sốt, hành hoa cắt khúc đảo đều. Trình bày với rau, củ tỉa hoa. Còn có thể làm món cua bấy sốt me...
* Tại Đăk Lăk tôi thấy những bức tượng rất đắt tiền và rất đẹp nghe nói là làm bằng gỗ Thủy tùng. Loại tượng này có các thớ gỗ nhưng nặng như đá. Xin hỏi đó là gỗ hay đá và vì sao lại có nhiều ở Đăk Lăk?
Đỗ Thị Hiền, Plây Ku, Gia Lai
Thủy tùng (hay Thông nước) có tên khoa học Glyptostrobus pensilis, thuộc ngành Pinophyta, lớp Pinopsida, bộ Pinales, họ Cupressaceae, xuất hiện cách đây khoảng 10 triệu năm, là cây gỗ lớn, thường cao tới 25m, đường kính thân hơn 1,3m. Thủy tùng có tên trong Sách đỏ Việt Nam và theo công bố của Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF), đây là một trong những loài cây bị săn lùng ráo riết nhất. Chi Glyptostrobus đã từng phủ một vùng rộng lớn hầu như khắp bán cầu Bắc. Hóa thạch cổ nhất biết đến là vào kỷ Creta, tìm thấy ở Bắc Mỹ. Chúng đóng góp rất lớn trong việc hình thành các đầm lầy than đá vào đại Tân Sinh.
Vào trước và trong thời kỳ Băng hà, mật độ phân bố của chúng đã thay đổi, chỉ còn lại như ngày nay. Ở Việt Nam, hoá thạch loài này thường gặp ở đầm lầy Lai Châu, Đồng Giao, Đăk Lăk. Riêng ở Đăk Lăk còn 2 quần thể Thủy tùng tự nhiên duy nhất ở Việt Nam và cả trên thế giới là ở huyện là Ea H'leo và Krông Năng với khoảng 250 cây, hiện đã được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt.
Ở Cirencester, Gloucestershire, nước Anh, có một bức tường thành bằng cây Thủy tùng 300 năm tuổi, cao hơn 12 m, bao bọc lâu đài Bathurst Estate của Huân tước Allen Apsley. Mấy năm gần đây Thủy tùng lên cơn sốt khiến người dân ở những vùng có loài cây này sinh sống ráo riết săn tìm, lặn xuống xới tung lòng hồ, quật tung đồng ruộng để tìm gỗ Thủy tùng. Thật ra thì Thủy tùng trước đây đều là gỗ, nhưng sau những đợt phun trào của núi lửa thì chất đá đã len vào từng thớ gỗ và biến gỗ thành đá nhưng vẫn giữ được các đường vân của gỗ. Chính vì vậy phần hóa đá của Thủy tùng là nguyên liệu quý hiếm để làm nên các bức tượng, các vật trang trí tinh xảo và rất sang trọng, đẹp đẽ.