| Hotline: 0983.970.780

Cuộc cách mạng 'xanh dương': Cá nuôi nhiều hơn bò

Thứ Tư 02/03/2016 , 07:15 (GMT+7)

Tạp chí National Geographic vừa có bài toàn cảnh về nghề nuôi trồng thủy sản khắp nơi, từ Mỹ tới Nhật Bản, Trung Quốc hay Bangladesh… 

Cá nuôi có vai trò quan trọng trong lúc sản lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên ngày càng giảm sút. Nhưng nghề nuôi cá thế giới cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề.

Trong một nhà kho ẩm thấp, tối tăm ở vùng đồi Blue Ridge thuộc bang Virginia (Mỹ), Bill Martin xách một xô chứa đầy các viên thức ăn màu nâu, quăng từng nắm xuống một bể chứa dài xây bằng bê-tông.

Những con cá rô phi trắng, béo núc to bằng chiếc đĩa trung bình ào ào lao lên mặt nước đớp mồi. Martin, chủ tịch công ty nuôi thủy sản Blue Ridge, một trong những trang trại nuôi cá trong nhà lớn nhất thế giới, mỉm cười trong khi lũ cá ăn điên cuồng. “Đây là cá của thánh Peter, cá mà chúa Jesus mang tới nuôi sống các con chiên”, ông nói, giọng ngân nga như cha cố giảng thánh kinh.

Tuy nhiên, không giống như Jesus, Martin không phân phát cá miễn phí. Mỗi ngày ông bán ra hơn 5 tấn cá rô phi tươi sống tại các chợ của người châu Á, từ thủ đô Washington tới thành phố Toronto của Canada và ông đang lên kế hoạch xây dựng một trang trại nữa ở bờ tây nước Mỹ.

“Mô hình của tôi cũng giống như ngành chăn nuôi gia cầm”, Martin nói. “Khác biệt là ở chỗ, cá của tôi sinh trưởng hoàn toàn thoải mái, hạnh phúc”. Làm sao ông biết chúng hạnh phúc trong khi lũ cá chen chúc trong bể nuôi? “Nói chung là chúng sẽ chết khi không hạnh phúc”, Martin nói. “Tôi chưa mất một bể cá nào từ khi nuôi đến nay”.

Một khu công nghiệp ở Appalachia có thể bị xem là nơi kỳ cục để người ta nuôi vài triệu con cá có nguồn gốc từ sông Nile này. Nhưng một trang trại cá có diện tích ngang với khu công nghiệp lại đang nở rộ ở mọi nơi trên thế giới vào thời điểm này. Ngành nuôi trồng thủy sản thế giới đã tăng quy mô 14 lần kể từ năm 1980 đến nay. Năm 2012, sản lượng thủy sản nuôi trồng toàn cầu, từ loài cá hồi bạc đến loài hải sâm (dưa biển) mà chỉ mấy ông đầu bếp Trung Quốc mới ưa dùng, đạt tới hơn 70 triệu tấn, lần đầu tiên vượt qua sản lượng thịt bò, chiếm gần một nửa số cá tiêu thụ toàn cầu.

Dân số tăng, thu nhập tăng và danh tiếng “tốt cho sức khỏe tim mạch” của hải sản khiến nhu cầu được dự báo tăng 35% hoặc hơn trong vòng 20 năm tới. Các chuyên gia nói, với sản lượng đánh bắt tự nhiên ngày càng giảm, sẽ đến lúc mọi hải sản đều đến từ các lồng bè nuôi.

“Chúng ta không thể trông chờ mọi nguồn protein cần thiết đến từ cá hoang dã”, Rosamond Naylor, chuyên gia về chính sách thực phẩm của Đại học Tổng hợp Stanford, người bỏ công nghiên cứu về các loại hình nuôi trồng thủy sản, nói. “Nhưng người ta cũng rất thận trọng trước khả năng biến đại dương thành một trại chăn nuôi khổng lồ. Vì thế, chúng ta muốn phải làm đúng ngay từ đầu”.

Nhiều lý do để thận trọng

Cuộc “cách mạng xanh dương” mới, cho đến nay đã cung cấp đến bàn ăn của nhiều gia đình những con tôm trong hộp hút chân không giá cả phải chăng, cá hồi, cá rô phi… nhưng đi kèm là những thứ không mấy dễ chịu: môi trường bị hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước, các mối lo về an toàn thực phẩm.

13-44-02_crousel3
Nuôi cá rô phi ở Blue Ridge, Virgnia, Mỹ

Trong những năm 1980, hàng loạt vạt rừng được nhiệt đới bị phá bỏ để lấy chỗ xây dựng các trang trại nuôi tôm, nay chiếm thị phần đáng kể trên thế giới. Hoạt động nuôi trồng thủy sản sản sinh nhiều thứ ô nhiễm: nitơ, phospho, cá chết là ác mộng của nhiều vùng ở châu Á, nơi có 90% trang trại nuôi trồng thủy sản của thế giới.

Để giữ cá sống được trong các lồng nuôi chật chội, nhiều nông dân châu Á phải dùng các loại thuốc kháng sinh và thuốc diệt khuẩn bị cấm ở Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản. Mỹ hiện nhập 90% nhu cầu hải sản và khoảng 2% được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) kiểm tra. Trong năm 2006 và 2007, FDA phát hiện một loạt các chất cấm trong các lô hàng thủy sản nhập từ châu Á.

Nói như thế không có nghĩa là nghề nuôi thủy sản ở các khu vực ngoài châu Á không có vấn đề. Công nghiệp nuôi cá hồi hiện đại trong ba thập kỷ qua đã biến các vùng biển từ Na-uy đến Patagonia, cực nam châu Mỹ thành trang trại nuôi thủy sản khổng lồ với những tấm lưới quây dày đặc cá hồi Đại Tây Dương khiến biển trở nên ô nhiễm, động, thực vật ký sinh phát triển mạnh, bệnh tật tràn lan. Các trại nuôi cá hồi của Scotland mất gần 10% sản lượng năm 2012 vì cá nhiễm trùng amip.

Ở Chile, bệnh thiếu máu đã giết số cá hồi nuôi trị giá 2 tỷ USD tính từ năm 2007. Một đợt dịch bệnh nổ ra ở Mozambique năm 2011 gần như quét sạch ngành công nghiệp nuôi tôm của nước này.

Vấn đề không nằm ở phương thức nuôi thủy sản, vốn rất lâu đời. Sự gia tăng nhanh chóng các hoạt động chăn nuôi thủy sản và mật độ của các trại cá, cung cách nuôi đầy tham lam mới là vấn đề. Nông dân Trung Quốc đã bắt đầu nuôi cá chép trong đồng lúa từ ít nhất 2.500 năm trước. Nhưng khi sản lượng cá nuôi của nước này đạt tới 42 triệu tấn/năm, các lồng cá đan như mắc cửi trên sông, hồ và ven biển. Nông dân thường chọn nuôi những loại cá chép, cá rô phi nhanh lớn, sử dụng thức ăn công nghiệp để gia tăng tốc độ lớn của cá.

“Tôi chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc cách mạng xanh về ngũ cốc và gạo”, Li Sifa, nhà khoa học về gen cá thuộc Đại học Hải dương Thượng Hải  (Trung Quốc) nói. Li được coi là “ông trùm cá rô phi”. Ông đã lai tạo ra giống rô phi lớn nhanh và trở thành giống chính của ngành nuôi rô phi Trung Quốc với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, hầu hết để xuất khẩu. “Giống tốt là điều rất quan trọng”, Li nói. “Một loại giống tốt có thể tạo ra một ngành chăn nuôi phát triển, cung cấp thức ăn cho nhiều người hơn. Đó là nhiệm vụ của tôi”.

Xem thêm
Chăn nuôi nhỏ lẻ chật vật xoay sở trong nắng nóng

Nắng nóng kéo dài, diện tích đồng cỏ tự nhiên thu hẹp cùng với giá bán giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Quảng Trị chưa có địa phương nào thành lập được đội bắt chó thả rông

Bệnh dại đã xuất hiện nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại Quảng Trị vẫn đạt thấp, các đội bắt chó thả rông cũng chưa được thành lập theo kế hoạch.

Gia Lai có thêm 5 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói

Gia Lai vừa có thêm 2 mã số vùng trồng và 3 mã số cơ sở đóng gói, nâng tổng số lên 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói.