| Hotline: 0983.970.780

Cuối năm, phập phồng lo lắng vì Covid

Thứ Hai 08/02/2021 , 09:16 (GMT+7)

Cuối năm buồn, tâm sự với chị chuyện phập phồng này cho có tinh thần chị ạ. Mong chúng ta có cái Tết bình an.

Chị Dạ Hương kính mến!

Từ khi nghỉ hưu và có thời giannhiều hơn cho việc đọc báo online, tôi vỡ ra nhiều điều lắm chị. Hai vợ chồng có tuổi, chồng tôi thích vi vu với bạn bè, đi suốt, Bắc Trung Nam, tôi ở nhà, ôm nhà, ôm laptop, ôm smartphone, ôm ti-vi.

Chúng tôi chỉ có hai đứa con, một ở bên kia bờ đại dương, một ở tỉnh, cháu dạy đại học ở đó, cách chúng tôi ba giờ ô tô. Vì thế mà tôi rất rỗi chị ạ.

Con gái tôi ở bên ấy nói nó thở phào rồi, bố mẹ đừng quá lo, báo chí Việt Nam hay nói vống lên chuyện ở bên này, con ổn mà, chúng con vẫn ôm tay lái thay nhau, Lễ Tạ Ơn vẫn đi xuyên các bang, ngủ khách sạn, nhà nghỉ, không có lockdown khủng khiếp gì đâu. Nó còn bảo bên này không làm kiểu Việt Nam được, tự do và nhân quyền đấy mẹ ạ, như mới đây Việt Nam đưa trẻ con đi cách ly, con thấy rất là sao sao.

Tôi đang ở trong Nam, con trai cháu nội tôi vẫn ở trong Nam. Nhưng tôi thấy Hải Dương, rồi Hà Nội rất nguy cơ.

Không hình dung được khi chỉ nghe con gái tôi nói, và cũng không tưởng tượng được nếu dịch lan rộng, cứ trẻ con phải đi cách ly thì sẽ nhốn nháo ra sao? Có cách khác không? Hay là chỉ có một cách là cách ly cách ly? Người dân chúng ta rất đồng lòng nhưng lần này tôi thấy dư luận rất phân hóa chị ạ.

Mới đây con gái và tôi chat rất dài với mẹ, nó nói trong chuyện Covid có yếu tố chính trị, rất chính trị đấy mẹ ạ. Mỗi quốc gia đều có vấn đề chính trị của mình trong giải pháp. Là sao hở chị?

Covid có yếu tố chính trị chi phối là sao hở chị? Trong lúc này, chồng tôi vẫn say mê với cánh cựu chiến binh chiến trường K của ông ấy, còn ở Long An chị ạ. May mà không phải Bình Dương.

Có gọi về cũng ờ ờ nhưng chưa thấy nguy cơ chưa chịu quay đầu đâu chị ạ. Cuối năm buồn, tâm sự với chị chuyện phập phồng này cho có tinh thần chị ạ. Mong chúng ta có cái Tết bình an.

--------------------

Bạn thân mến!

Có nhiều nhận định về đại dịch khi nó liên quan đến mọi quốc gia, đến từng gia đình bạn ạ. Tùy theo tầng nấc hiểu biết hoặc quan điểm cá nhân về mặt xã hội của người đó, hoặc nhóm người đó về vấn đề này.

Không loại trừ thuyết âm mưu mà ngày nay, nó lan truyền nhờ mạng xã hội, nhờ hệ thống báo chí điện tử toàn cầu, nhờ những người thân thiết bạn bè hay gia tộc chat chit với nhau.

Vâng, thuyết âm mưu có ở mọi vấn đề. Ví như về bầu cử Mỹ, ví như về nơi xuất phát dịch cúm này, hoặc ví như chuyện chính sự đang rất nóng ở Nga chẳng hạn.

Bạn quan tâm về yếu tố chính trị của đại dịch ư? Qua con gái bên Mỹ của bạn, cháu nó nói thế là vì không ít người Mỹ nói đại dịch bị phóng đại từ phe chống Tổng thống Trump, không ít người Mỹ lại bảo thực sự quốc gia xoay sở kém, siêu cường mà liêu xiêu, người nhiễm và người chết nhất thế giới.

Cũng từ những người Việt như con gái bạn cho rằng Việt Nam đã tự hào hơi quá với thành công dập dịch, chẳng qua là Việt Nam dùng những biện pháp quá rắn, chẳng qua người Việt Nam quen vâng lời, dễ điều khiển… Vân vân và vân vân.

Theo tôi, mỗi quốc gia đều có điểm mạnh và yếu riêng, không giống nhau. Nước Mỹ chẳng hạn, quá rộng lớn, dân cư đa số ở thưa ra, con người tự lập và tự do hàng mấy trăm năm, họ hoài nghi chính quyền, họ không dễ tuân theo, họ chỉ tuân thủ luật pháp.

Mà đại dịch là bất thường, luật pháp thuần túy không đủ, không kịp, nó đòi các cá nhân tự nguyện, tự giác, rất phải nghĩ cho cộng đồng. Người Mỹ không nghĩ như chúng ta, các khoảng cách giữa cá nhân với nhau rất rộng, họ không quen có chuyện thì nghe ngay.

Chúng ta giỏi vì theo tôi, dân quen với phản xạ chiến tranh, các giác quan mẫn cảm như bầy kiến trước giông bão. Chúng ta đồng lòng nhanh với chủ trương, với mệnh lệnh, với thiệt hại, với tổn thương. Chúng ta chung đường biên với nơi xuất phát dịch bệnh, chúng ta cảnh giác ngay.

Và, chúng ta có thành công thực sự, thế giới kinh ngạc là vì sao nước nhỏ, y tế yếu mà lại mạnh trong chống dịch, dập dịch?

Cho đến lúc này là vậy. Chính trị ở đây là có thể có ai đó, có chính quyền ở địa phương nào đó tự hào hơi thái quá nên thế giới họ khó chịu. Chưa thể nói trước điều gì.

Bởi vì Covid biến thể khôn lường, tự mãn là cầm bằng lơ là, mất cảnh giác. Vậy đó, kệ đi bạn, con gái nói có thể khác với bạn với tôi đang sống trong đất nước này, chúng ta tự biết và có quan điểm riêng.

Cũng như bạn, tôi cầu mong mỗi ngày cho Covid được kiểm soát, cho thế giới thôi chết chóc. Và cho Việt Nam của chúng ta bình an. 

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm