| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng các kênh tiêu thụ cho vùng cam K4

Thứ Ba 19/10/2021 , 20:40 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Qua kênh online, các siêu thị, trung tâm thương mại..., nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã cùng hỗ trợ tiêu thụ cho vùng cam K4 (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) vượt qua khó khăn.

Vùng cam K4 Hải Phú có sản lượng 430 tấn/vụ. CĐ.

Vùng cam K4 Hải Phú có sản lượng 430 tấn/vụ. CĐ.

Vùng chuyên canh trồng cam K4 Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã bước vào chính vụ thu hoạch từ cách đây hơn 1 tháng. Tuy nhiên khác với mọi năm, việc tiêu thụ sản phẩm của những nông dân trồng cam nơi đây vẫn rất khó khăn.

Theo ông Lương Trung Quốc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, vùng chuyên canh trồng cam tập trung ở vùng gò đồi K4 có diện tích khoảng 34ha. Trong đó diện tích cam cho thu hoạch là 25 ha với sản lượng trên 430 tấn/vụ. Thị trường tiêu thụ chính của vùng cam K4 là trong tỉnh và một số địa phương khác như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và TP. HCM.

Riêng vụ thu hoạch năm nay, 14 hộ trồng cam ở vùng K4 hết sức khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 không tiêu thụ được. Theo ước tính, sản lượng cam niên vụ này trên 430 tấn nhưng hiện chỉ mới tiêu thụ chưa đáng kể.

Gia đình ông Văn Ngọc Tiến có 2ha trồng cam K4 Hải Phú đang thu hoạch, sản lượng khoảng 40 tấn, nhưng số cam bán đi chưa đáng là bao. Ông Tiến cho hay, những năm trước, ngoài bán tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh, cam K4 Hải Phú – sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Trị được các thương lái đổ về thu mua với giá 20.000 đồng/kg để vận chuyển cho khách hàng ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, TP HCM.

Nhiều diện tích cam đã chín tới, chất lượng cao nhưng tiêu thụ kém hơn mọi năm. Ảnh: CĐ.

Nhiều diện tích cam đã chín tới, chất lượng cao nhưng tiêu thụ kém hơn mọi năm. Ảnh: CĐ.

“Những năm trước, cam K4 đi ra thị trường ngoại tỉnh rất nhiều, những mối lẻ tẻ ngoại tỉnh chở xuống đường quốc lộ là có xe khách chở đi, cước cũng rẻ. Còn hiện nay giá bán tại vườn thấp hơn (18.000 đồng/kg), nhưng ra ngoại tỉnh rất khó, đơn hàng ít, cước phí gửi theo xe chở hàng cũng cao hơn. Cước phí trước đây tính bằng thùng carton còn hiện nay họ tính bằng kg, như vào Huế cứ mỗi kg 2 nghìn đồng”, ông Tiến cho hay.

Tương tự, vườn cam của gia đình ông Hồ Văn Ngọc Chúng có diện tích gần 6ha và sản lượng đạt trên 100 tấn, nay chỉ mới tiêu thụ được 10 tấn. Theo ông Chúng, hiện nay cam đang ở giai đoạn chín đại trà, nếu không thu hoạch đúng thời điểm, quả sẽ bị rụng và thiệt hại rất lớn.

“Sức tiêu thụ bị ảnh hưởng nên chúng tôi tranh thủ hái bớt dần và cắt tỉa các chồi non nhú lên. Cỏ giữa các luống trồng cam cũng chưa thể phát dọn vì nếu phát đi chưa thu hoạch kịp mưa xuống sẽ rụng hết trái”, ông Chúng lo lắng.

Ông Tiến và ông Chúng là 2 trong số nhiều hộ dân huyện Hải Lăng tiên phong lên vùng đồi K4, lúc bấy giờ còn rất hoang hoá để khai hoang phát triển kinh tế. Một trong những loại cây trồng được người dân lựa chọn để phát triển kinh tế là cây cam.

Hiện nay, nhờ đẩy mạnh nhiều kênh tiêu thụ, nhất là bán hàng online, cam K4 đã phần nào giải tỏa được khó khăn. Ảnh: CĐ.

Hiện nay, nhờ đẩy mạnh nhiều kênh tiêu thụ, nhất là bán hàng online, cam K4 đã phần nào giải tỏa được khó khăn. Ảnh: CĐ.

Từ diện tích ít ỏi ban đầu, vùng đồi hoang K4 với lau lách, bom đạn chiến tranh hôm nào nay đã được phủ xanh bởi diện tích 34 ha cam. Đây cũng là vùng trồng cam với diện tích lớn nhất tỉnh Quảng Trị, nức tiếng gần xa với thương hiệu cam K4 Hải Phú, rất được thị trường trong, ngoài tỉnh ưa thích

Để nâng cao chất lượng, đồng thời tăng thu nhập từ sản phẩm mang thương hiệu cam K4 Hải Phú, các cơ quan huyện Hải Lăng đã hướng dẫn người dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cam theo chuẩn VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc. Địa phương cũng khuyến khích người dân trồng cam theo mô hình hướng hữu cơ, tạo sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, từng bước nâng cao năng suất, sản lượng và diện tích vùng trồng cam K4.

Trước thực trạng đầu ra của vùng trồng cam K4 gặp khó khăn thời gian qua, ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, UBND huyện, Uỷ ban MTTQVN huyện và xã Hải Phú đã làm việc với các hộ gia đình, HTX Long Hưng.

Ngoài việc các hộ gia đình, tổ hợp tác chủ động phân phối cam qua tiểu thương bán lẻ ở các chợ, các điểm bán sản phẩm OCOP của huyện, phía Uỷ ban MTTQVN huyện và Phòng Kinh tế Hạ tầng kết nối trong nội bộ huyện để tiêu thụ giúp một phần cho bà con, đồng thời, khâu nối với các địa phương trên địa bàn để đẩy nhanh tiêu thụ cam cho bà con.

Sản phẩm cam K4 Hải Phú được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh Quảng Trị ưa thích bởi hương vị đặc trưng. Ảnh: CĐ.

Sản phẩm cam K4 Hải Phú được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh Quảng Trị ưa thích bởi hương vị đặc trưng. Ảnh: CĐ.

Để tránh cam chín rụng, người dân trồng cam K4 đang hái dần về với số lượng ít để bán sỹ cho các kênh tiêu thụ online hoặc bán tại chợ Thị xã Quảng Trị...

UBND huyện Hải Lăng cũng đã có văn bản gửi Sở Công thương để giúp đỡ, hỗ trợ trong việc kết nối tiêu thụ, đặc biệt là qua kênh bán hàng online, các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc kết nối, tiêu thụ cam K4 Hải Phú qua kênh các siêu thị, các trung tâm thương mại, các cửa hàng kinh doanh trong và ngoài tỉnh nhằm giúp bà con vùng chuyên canh trồng cam K4 vượt qua khó khăn và tiếp tục yên tâm sản xuất.

Hiện nay, với giá thu mua cam tại vườn 18.000 đồng/kg, giá shipper theo địa chỉ đăng ký trong huyện 21.000 đồng/kg, ngoài huyện 22.000 đồng/kg, cơ bản đã giúp bà con tránh được thiệt hại, giá cả khá ngang bằng so với mọi năm. 

Mới đây, siêu thị Co.opmart Đông Hà cũng đã kết nối để đưa sản phẩm vào trưng bày và tiêu thụ tại siêu thị với giá phi lợi nhuận (siêu thị chỉ tính công vận chuyển và hóa đơn), thu mua cho bà con với giá 23.900 đồng/kg, góp phần chia sẻ khó khăn với người dân tại vùng chuyên canh cam lớn nhất của tỉnh Quảng Trị.

Ngoài ra, nhiều cá nhân, đơn vị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thông qua mạng xã hội cũng kêu gọi tiêu thụ sản phẩm cam K4 Hải Phú, để với bớt khó khăn cho nông dận dân trồng cam.

Xem thêm
Nuôi chồn hương bằng trái cây hiệu quả cao

Nuôi chồn hương cho ăn mít, chuối mang lại hiệu quả kinh tế cao tại trang trại của anh Nguyễn Văn Tiến ở phường Chi Lăng, TP Pleiku, Gia Lai.

Vacxin Tembusu nhập khẩu chính ngạch đầu tiên về Việt Nam được đánh giá bài bản

Việc cho phép nhập khẩu vacxin Tembusu chính ngạch giúp người chăn nuôi thủy cầm có một công cụ quan trọng để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lúa cỏ có ảnh hưởng đến ngành lúa gạo Việt Nam?

Cần xây dựng một chương trình dài hạn 15 năm (2030 - 2045) về 'Thực trạng và nguy cơ lúa cỏ ảnh hưởng đến sản xuất và kinh doanh lúa gạo tại Việt Nam'.