Cô Dạ Hương kính quý!
Cháu là công chức cấp huyện, lương bổng ổn định. Cháu có tiếng học giỏi, đã đi du học nước ngoài theo chương trình học bổng của cơ quan. Chồng cháu bố mẹ bỏ nhau, chúng cháu mất 6 năm yêu nhau (trong đó 3 năm cháu du học) rồi mới cưới.
Cháu học giỏi nhưng nhút nhát, sâu xa tự ti vì nhà nghèo, ngoài kiến thức thì chả có kĩ năng gì mấy. Anh thì va đập, nhiều trải nghiệm nên là người đỡ đầu tâm lí, giúp cháu suốt những năm tháng khó khăn đầu tiên đi làm. Lúc cưới, bố mẹ cháu phản đối vì gia đình anh không căn bản (như đã kể), nhưng cháu quyết tâm.
Trong thời gian cháu đi học, anh ở nhà mua đất, làm nhà (mẹ chồng cho tiền và cháu tiết kiệm tiền để thêm), tàm tạm xong xuôi trước khi cưới.
Hai năm đầu, mọi sự suôn sẻ, bà ngoại ở gần trông cháu đến tận năm nó đi mẫu giáo. Nhưng khi ông ngoại làm nhà, bà phải về đỡ ông, cháu điện nhờ bà nội 2 lần, đều bảo bà bận, (bà ở tỉnh khác, cách nhà cháu tầm 600km, nếu đi xe ô tô thì tầm 1 ngày là đến).
Chồng bảo mẹ ở xa, để bà đi kiếm tiền rồi gửi tiền về cho mình, mình cho tiền ông bà ngoại thuê người làm đỡ ông, để bà vẫn trông bé, như thế lợi cả đôi đường. Nhưng ông bà ngoại giữ kẽ, không cầm tiền của con rể, bà nội thì cứ đánh đu không về và tất nhiên là không gửi tiền gì cả, bà ngoại thương cháu không bỏ con bỏ cháu, thế là bi kịch bắt đầu.
Tết năm đó bố chồng về trông nhà cho chúng cháu để cháu đưa con trai lên ăn Tết với bà nội. Kì quái là ông không ra chúc tết thông gia, là vì ngày xưa lúc bố chồng cháu ra nói chuyện, hỏi cưới cháu cho chồng thì gần như bị từ chối, ông ấy chạm tự ái. Thế là nếu có gặp nhau ở nhà cháu thì chỉ chào, ông ngoại đi ra vườn, ra ao, ông nội mời cũng không vào uống nước.
Ông nội nghệ sĩ, mải chơi, ông ngoại yếm thế nhưng hết mực thương con thương cháu. Ông nội mỗi năm về 3 – 5 lần, mỗi lần vào chơi tí, cho cháu mấy đồng rồi đi, thậm chí cơm cũng đặt ở quán, khỏi nấu nướng kích rích, thế là lại bị đánh giá nọ kia.
Bà nội giỏi giang nhưng phổi bò, ra nhà thông gia chơi, nói nhà chúng nó làm bây giờ là của em cho tiền, nếu ông ấy có về đấy ở thì phải trả tiền ấy cho em, (thông gia vốn đã ngại lại thêm bực và ghét).
Năm nay buôn bán khó khăn, từ đầu năm cháu đã phải bơm tiền cho mấy lần, có lần bí hỏi vay em chú (đang ở với ông nội cháu, nhưng nó cũng lông bông, lại không có tiền, lại đến cháu phải lo); có đêm tự dưng điện thoại về, sáng hôm sau cháu phải đi vay hộ 50 triệu để trả ngân hàng, vì sau khi cho tiền chúng cháu làm nhà, bà mua thêm cái nhà nữa trên đó, sau 5 năm năm vẫn chạy tiền suốt.
Bà ngoại chăm cháu vì cẩn thận quá thành ra bao bọc, thằng cháu ngồi xem tivi cả ngày, sáng dậy lờ dờ chậm chạp, chồng cháu nói do ảnh hưởng của ông bà ngoại. Điểm này đúng. Ở lâu mới thấy chồng cháu loại, “ăn rồng cuốn, nói rồng leo, làm mèo mửa”.
Em họ bệnh cấp cứu ở HN, mẹ chồng cháu đi nuôi, thế ông ấy đã lo sốt vó. Đấy, về với con với vợ thì kêu, rồi vay tiền lo tiền chạy chữa em họ cũng là cháu. Anh ấy chê ông ngoại hiền, không có chính kiến, ghét em trai vợ và em dâu vì cho rằng nó ích kỉ; cháu nói thì vợ chồng cãi nhau.
Cháu chán quá, và cũng nhận ra mình dù hi sinh, cho bao nhiêu tiền, làm bao nhiêu việc, động đến mẹ họ là không được dù đúng hay sai.
---------------------
Cháu thân mến!
Lá thư dài, cô giảm chỉ còn 1/3 mà vẫn dài. Đây là lần thứ ba cháu tìm đến cô, như cháu nói. Cảm ơn đã luôn tin tưởng cô. Cô phải ngắn gọn vì khổ của Tư vấn gia đình hẹp. Yêu 6 năm, cưới đã hơn ba năm (con đã đi mẫu giáo), vị chi 10 năm. Cháu du học, có Tây học, cô thấy các cháu, nhất là cháu vẫn rất là bình dân, rất ta trong tư duy.
Nhé: Thứ nhất, vì sao con đã 3 tuổi, đi mẫu giáo rồi mà không để bà ngoại rời ra, để về với ông, khi ông làm nhà? Sao không phương châm tự lực ngay từ đầu, thuê người? Rất ỷ lại nhé.
Chính cháu gọi mẹ chồng đến giúp 2 lần, bà ấy từ chối, vì xa thật, cách cháu tới 600 cây số, xa như Tây Nguyên với Sài Gòn, quá xa. Vì sao phải níu kéo không bà này thì bà kia vậy?
Lại còn lý thuyết của chồng “để bà nội kiếm tiền cho mình, mình sẽ thuê người đỡ ông ngoại, để giữ bà ngoại bên mình, lợi cả đôi đường?” Chao ơi, vợ chồng cháu hợp nhau đấy chứ, hợp cả việc “tróc nã” hai bên nội ngoại, sao vậy?
Thứ hai: khi bố mẹ chồng bỏ nhau, tính cách quá khác như vậy thì cháu, chính cháu phải phiên phiến chuyện họ đến với mình, mình về với họ, cả việc thông gia của hai nhà nữa.
Biết đã từng hục hặc trước cưới, thì đừng bắt bẻ thông gia bình thường. Nên thống nhất ý kiến của hai vợ chồng, rằng, ông và bà thay nhau đến chơi, tính khí ấy, bố mẹ cháu đừng đến nữa, đừng tiếp đón gì (như để mẹ chồng đến rồi tô tô chuyện tiền làm nhà, chuyện ông chồng cũ đến ở, chướng).
Tóm lại, là trí thức, phải hình dung, thấu hiểu và châm chước, đồng thời, đừng để những người bình dân ấy xỏ mũi mình vào những chuyện lặn vặn bực mình, không ra làm sao.
Thứ ba, chồng Việt Nam, luôn thế, bên họ, họ rất trọng, biết vậy thì cứ vậy vậy. Không chạy vạy vay tiền giúp gì cả, quen thói, để họ tự xoay đi. Đừng kiểu sa đà hoặc lấy lòng rồi hận, tức, quay ra chồng vợ cắn đắn và có thể bỏ nhau.
Và, các ông ấy thì chém gió, sa đà, bày ra làm rồi hay thất bại, nổi khùng, đổ thừa… Mười năm đã ngấm và phải sống chung với lũ, ai cũng vậy, lấy ông nào rồi cũng việc này việc kia vậy.
Thế nhé, giãn cách bố mẹ chồng, tiền bạc mình mình giữ vững, ôm con mà dạy và chăm, đừng để nói ngoại làm hư, ngoại kém, nhé. Và đối thoại vợ chồng, mọi việc, điều chỉnh, thống nhất, dần dần, tự cháu cũng phải thấy mình kém và sửa nhé.