| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn đàn vật nuôi trong mùa mưa bão

Thứ Hai 12/09/2022 , 21:02 (GMT+7)

QUẢNG NINH Hiện nay, thời tiết đang vào mùa mưa bão, đây là thời điểm các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ bùng phát và gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi.

Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn tấn công đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm của các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là sau các đợt bão lụt.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi về công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho đàn vật nuôi nhằm khống chế, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Ninh đã triển khai thực hiện tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành

Chi cục Chăn nuôi Thú y Quảng Ninh đã triển khai thực hiện tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Thành

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có đàn trâu hơn 27.600 con, đàn bò trên 34.000 con, đàn lợn gần 263.000 con, đàn gia cầm hơn 4 triệu con; hơn 21.000ha nuôi trồng thủy sản với 14.506 ô lồng.

Trước mùa mưa bão, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, căn cứ vào số lượng tổng đàn, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành đảm bảo nguồn thuốc tiêm phòng các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng,… để cán bộ phụ trách thú y ở các trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh đã triển khai thực hiện tiêu độc khử trùng ở các khu chăn nuôi với số lượng lớn.

Còn tại các lò giết mổ tập trung, các điểm chợ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách vệ sinh nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Đặc biệt, là tăng cường công tác kiểm dịch động vật, kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, mùa mưa bão khiến độ PH và độ mặn trong nước giảm tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, đặc biệt là các loại bệnh đốm trắng, chân đỏ trên con tôm gây chết hàng loạt. Để đảm bảo các điều kiện nuôi ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích các hộ nuôi trồng trên địa bàn áp dụng công nghệ và các biện pháp ứng phó với thời tiết cực đoan.

Cùng với đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với một số đơn vị thực hiện việc quan trắc và nhắn tin định kỳ 2 lần/tháng về các thông số trong nguồn nước của một số vùng nuôi trọng điểm của tỉnh cho các hộ nuôi, để xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cũng đã khuyến cáo người nuôi thường xuyên kiểm tra, gia cố bờ ao, cống lấy nước để hạn chế hư hỏng, sạt lở do mưa lũ làm thất thoát sản phẩm. Song song với đó, có kế hoạch điều tiết nước để hạn chế thay đổi độ mặn trong ao nuôi do mưa lớn.

Các địa phương đã duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng 10% theo kế hoạch tỉnh giao. Ảnh: Nguyễn Thành

Các địa phương đã duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng 10% theo kế hoạch tỉnh giao. Ảnh: Nguyễn Thành

Các cơ sở nuôi cần có các biện pháp phòng bệnh, nâng cao sức đề kháng bằng cách bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào khẩu phần ăn của tôm. Trong nuôi trồng thủy sản lồng bè, các hộ nuôi cần thu hoạch thủy sản nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm để hạn chế thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra.

Bên cạnh đó, kiểm tra và gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng, khiến cho tài sản bị thất thoát.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có những trận mưa lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân nói chung và hoạt động chăn nuôi nói riêng. Do đó, để chủ động các biện pháp đảm bảo chăn nuôi ổn định trong mùa mưa bão, ngành nông nghiệp đã đưa ra khuyến cáo đối với người chăn nuôi.

Cụ thể, đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, hộ nuôi cần chủ động nâng cao nền chuồng, làm chuồng tránh lũ, làm rèm che chắn để tránh mưa tạt, gió lùa. Đồng thời kiểm tra, khai thông hệ thống thoát nước khu vực chuồng trại như hệ thống thoát nước thải, nước mưa, nơi chứa chất thải rắn, nhằm hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt.

Khi xảy ra ngập lụt khu vực chuồng nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng. Trong trường hợp người nuôi có gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, cần báo chính quyền địa phương để được xem xét hỗ trợ theo quy định, nhằm khắc phục những thiệt hại do mưa bão, thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để đảm bảo phòng dịch cho đàn vật nuôi các địa phương trong tỉnh triển khai tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm 2 đợt/năm, đợt 1 vào tháng 3, 4 và đợt 2 vào tháng 9, 10, đây là thời điểm thích hợp để phòng bệnh cho 2 vụ nuôi chính.

Bên cạnh đó, các địa phương đã duy trì dự trữ lượng vắc-xin dự phòng 10% theo kế hoạch tỉnh giao để phục vụ cho việc tiêm phòng bao vây dập dịch khi tình huống có các ổ dịch xảy ra tại địa phương; đảm bảo có nguồn vắc-xin cung ứng dịch vụ cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu để tiêm phòng bổ sung đối với đàn gia súc, gia cầm mới sinh hoặc nuôi mới. 

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Ninh, đợt tiêm đầu tiên, các địa phương trong tỉnh đã tiêm được trên 1,6 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm; vắc-xin tai xanh lợn trên 21.500 con; vắc-xin lở mồm long móng gia súc được 48.500 con; vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò được 23.042 con. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm trong tỉnh vẫn còn ở mức độ thấp.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.