| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc

Thứ Ba 19/11/2019 , 08:51 (GMT+7)

Về miền gang thép Thái Nguyên, du khách không thể không tham quan hồ Núi Cốc và thưởng trà xứ Thái mới coi như trọn vẹn chuyến đi.

11-04-26_hnc1
Đập chính hồ Núi Cốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Niềm tự hào gang thép đang bị phôi phai. Chè Thái đã xứng danh đệ nhất. Giờ đây, người Thái Nguyên đã đang và sẽ bằng mọi cách để công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc mãi là niềm tự hào vốn đã đi vào truyền thuyết, thi ca.
 

Tầm vóc một đại công trình

Công trình hồ Núi Cốc được khởi công xây dựng năm 1972, nằm trong danh mục 6 hồ chứa là công trình thủy lợi quan trọng cấp Quốc gia tại Quyết định số 1848/QĐ - BNN - TL ngày 01/07/2004 của Bộ NN - PTNT. Hồ có diện tích lưu vực 535 km vuông, diện tích mặt nước trung bình là 25 km vuông với dung tích 175 triệu mét khối.

Hồ có nhiệm vụ đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp cho hơn 30.000 ha hoa màu mỗi năm. Nguồn nước từ hồ phục vụ thủy lợi cho tỉnh Bắc Giang với dung lượng 30 triệu mét khối/năm; phục vụ sinh hoạt cho thành phố Thái Nguyên với dung lượng 30.000 mét khối/ngày; cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch Yên Bình với công suất 30.000 - 150.000 mét khối/ngày.

Nguồn nước chảy qua cống hồ được tận dụng để phát điện 10 triệu KW/h/năm. Mặt nước hồ cho phép kết hợp nuôi trồng thủy sản với sản lượng 100 - 400 tấn/năm. Hồ cũng góp phần điều hòa khí hậu, tạo môi trường và cảnh quan thuận lợi cho phát triển khu du lịch trọng điểm quốc gia hồ Núi Cốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với những chức năng đặc biệt như vậy nhưng khi sự cố ngấm nước qua thân đập chính năm 2017 thì mới vỡ lẽ kể từ khi đầu tư xây dựng, việc nâng cấp công trình thủy lợi hồ Núi Cốc chưa được thực hiện. Ngay sau khi xây dựng hoàn thành và đưa vào vận hành thì tháng 10/1978, hồ Núi Cốc đã xuất hiện lũ lớn vượt tần suất thiết kế làm vỡ mang tràn xả lũ khiến hàng chục người chết, gây thiệt hại nhiều nhà cửa và tài sản của nhân dân.

Tháng 07/2013, hồ lại xuất hiện lũ lớn kéo dài gây nguy hiểm, uy hiếp sự an toàn cho đập đất và các công trình đầu mối. Lũ lớn làm ngập một vùng rộng lớn, tiếp tục gây thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của nhân dân khu vực xung quanh hồ và 2 bên bờ sông Công.

11-04-26_nh_2
Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tháng 07/2014, trước diến biến bất thường của thời tiết, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên đã phải xả nước qua tràn xả lũ để phòng lũ và đảm bảo an toàn công trình. Liên tiếp các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 nhiều thời điểm mưa lũ xảy ra dồn dập với cường độ ngày càng mạnh hơn khiến hồ Núi Cốc như “quả bom nước” khổng lồ nơi đầu nguồn TP Thái Nguyên, TP Sông Công và TX Phổ Yên…
 

Quan tâm xứng đáng

Hai năm kể từ sau sự cố nước ngấm qua thân đập chính, tỉnh Thái Nguyên đã sử dụng mọi điều kiện để khắc phục sự cố và duy trì sự an toàn cho công trình. Khi chúng tôi đi tìm hiểu về công tác đảm bảo an toàn đối với hồ Núi Cốc, ông Nguyễn Công Thịnh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Thái Nguyên) cho biết, thông thường, khi kết thúc mùa mưa bão, đơn vị quản lý vận hành tiến hành kiểm tra tổng thể công trình một lần nữa.

Tuy nhiên, với tuổi thọ của đập đất lên tới gần ½ thế kỷ, trước diễn biến bất thường của thời tiết thì phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn tại đây được duy trì thường xuyên, liên tục.

Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình được Xí nghiệp khai thác thủy lợi Núi Cốc thực hiện thường xuyên. Mọi biểu hiện xuống cấp của tràn xả lũ, cống lấy nước, hệ thống kênh và việc bảo quản các thiết bị PCTT & TKCN sẽ được phát hiện để có biện pháp khắc kịp thời.

Đặc biệt, hàng năm trước mùa mưa bão, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định kiện toàn BCH phòng chống lụt bão công trình hồ Núi Cốc nhưng đối với lực lượng cán bộ trực tiếp quản lý vận hành hồ thì các kế hoạch đảm bảo an toàn được coi như kế hoạch năm.

11-04-26_hnc3
Kiểm tra công tác đảm bảo an toàn công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nguồn nước hồ Núi Cốc đang được khai thác sử dụng tổng hợp như cấp phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, phát điện và phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội khác. Nhiệm vụ chính của hồ Núi Cốc vẫn là cấp nước chủ động để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đo đó để đảm bảo đáp ứng được nhiệm vụ đó thì việc vận hành điều tiết hồ phải tuân thủ nghiêm túc và thực hiện đúng theo đúng quy trình điều tiết đã được Bộ NN- PTNT duyệt.

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý vận hành khai thác đã nảy sinh một số vấn đề bất cập cần phải giải quyết. Đó là, việc đô thị hóa đã dẫn đến các hình thức lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình, lấn chiếm lòng hồ trái phép thường xuyên xảy ra và ngày càng phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực đến quy trình vận hành tích nước của hồ và gây khó khăn trong công tác quản lý và có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình. Điều đáng quan ngại là nguồn nước thải từ các khu du lịch không qua xử lý được xả thẳng xuống hồ ngày càng tăng đã gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Đó là chưa kể, vấn đề vi phạm, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt là trong khu vực lòng hồ các vụ vi phạm san ủi đát trái phép của một số đơn vị, cá nhân đã làm thu hẹp diện tích mặt nước hồ. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với đơn vị quản lý trong việc giải quyết vi phạm còn hạn chế, do một số vụ vi phạm khi bị phát hiện cũng chỉ dừng lại ở mức độ lập biên bản xử lý hành mà chưa có biện pháp kiên quyết để giải quyết triệt để.

Thời gian gần đây, do nhu cầu dùng nước trong sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, các nhu cầu dùng nước khác tăng cao trong khi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên thời tiết có nhiều diễn biến bất thường. Chính vì thế, dẫn đến tổng lượng mưa hàng năm giảm dần, mưa lũ xảy ra dồn dập với cường độ ngày càng mạnh hơn, hạn hán thường xuyên xảy ra trên diện rộng, công trình ngày càng xuống cấp, diện tích rừng đầu nguồn ngày càng bị thu hẹp, nguồn sinh thủy ngày càng giảm, lượng nước đến hồ giảm nhiều so với những năm trước đây.

Ông Dương Ngọc Oanh (Giám đốc xí nghiệp khai thác thủy lợi Núi Cốc) cho biết, chia sẻ, để tháo gỡ được những khó khăn trong công tác quản lý, các cấp chính quyền cần phải có các giải pháp như tuyên truyền sâu rộng, vận động nhân dân sinh sống quanh khu vực lòng hồ có ý thức giữ gìn môi trường sinh thái, quản lý bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, không xâm lấn vi phạm hành lang công trình trái phép. Cần có các biện pháp và chế tài xử phạt mạnh mang tích chất răn đe để từ đó làm giảm thiếu các vụ vi phạm.

Đặc biệt, việc vận hành điều tiết và tích nước trong hồ phải đảm bảo đúng theo quy trình đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt. Bởi lẽ, hồ Núi Cốc có nhiệm vụ chính là cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cắt lũ, phòng chống úng lụt, giảm nhẹ thiên tai cho vùng hạ du sông Công. Các mục đích sản cuất kinh doanh khác như hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản... chỉ là kết hợp hoặc tận dụng.

Xí nghiệp khai thác thủy lợi Núi Cốc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên với tổng số hơn 40 người. Mỗi người có một nhiệm vụ, vị trí và trong từng trường hợp cụ thể. Xí nghiệp cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có thông tin qua lại, kịp thời ứng phó với các diễn biến mất an toàn.

Ông Trần Văn Khánh (Cụm trưởng cụm đầu mối Hồ Núi Cốc) cho biết, với 27 biên chế, cụm đầu mối có nhiệm vụ điều tiết, bảo vệ mặt nước, thực hiện quy trình vận hành tràn, cống; quản lý bảo vệ đập chính, 7 đập phụ, 20 km kênh, 2 trạm bơm và 1 hồ nhỏ. 

Cụm đã xây dựng lịch trực tại công trình trình trong cả năm, phân công cụ thể cho từng cán bộ kỹ thuật chịu trách nhiệm theo dõi các hạng mục công trình như đập đất, cống lây nước, tràn xả lũ, khu đầu mối hồ chứa được bảo vệ an toàn. Bố trí trực 24/24 giờ.

Theo ông Khánh, trong đợt xảy ra sự cố nước ngấm qua thân đập chính năm 2017, phân tích của các chuyên gia cho thấy, do ở độ cao và với lượng nước tích trữ lên đến 175 triệu m³, nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính tại hồ Núi Cốc thì hậu quả sẽ rất khôn lường đối với vùng hạ lưu là TP Thái Nguyên, TP Sông Công, TX Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần của tỉnh Bắc Giang. 

Chính vì vậy mà nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình đại thủy nông liên tục được thực hiện liên tục. Ông Khánh bộc bạch, hoàn thành trách nhiệm đó, anh em còn có sự tự hào là những người được quản lý vận hành một trong 7 công trình đại thủy nông của Quốc gia.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất