Tôi tình cờ được tham dự đêm lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng Bình Phước, ở xã biên giới Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, trong chuyến công tác đầu tiên của năm 2021, trong hương rượu cần nồng nàn, ngây ngất.
Tạ ơn trời đất, thần linh
“Cũng như các dân tộc thiểu số khác, đồng bào S’tiêng có nền văn hóa truyền thống lâu đời, trong một năm có nhiều dịp lễ hội độc đáo như lễ cầu mưa, lễ đâm trâu, lễ mừng cơm mới, lúa mới”, anh bạn đồng nghiệp giới thiệu.
“Trong số các lễ hội của đồng bào S’tiêng, mừng lúa mới là lễ hội lớn nhất trong năm. Thông thường lễ được tổ chức vào dịp cuối năm, khi xuân vừa chớm đến, lúa ngô cũng đã thu hoạch xong, phơi khô, nằm yên trong bồ.
Tại buổi lễ, già làng sẽ thực hiện 2 nghi lễ, phần đầu là lễ tạ ơn thần linh, đất trời đã phù hộ, cho dân làng một mùa bội thu, người dân khỏe mạnh, không dịch bệnh, đau ốm. Phần sau là lễ cầu cho mùa tới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, lúa ngô đầy bồ, heo gà chạy đầy sân, người dân mạnh khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Đặc biệt, đây còn là dịp để mọi người trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thanh niên nam nữ vui chơi, nhảy múa, ca hát và tìm hiểu, giao duyên”, anh bạn nói tiếp.
Anh bạn cho biết, công tác chuẩn bị được bắt đầu từ khi mặt trời chưa lên. Nên buổi chiều, khi chúng tôi đến, bãi đất trống rất rộng ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, hàng trăm người dân đang tất bật hoàn tất những công đoạn cuối cùng.
Họ chia thành từng nhóm 5 - 6 người, mỗi nhóm làm một phần việc, đàn ông làm thịt heo, gà, người già làm cây nêu, trang trí khu vực “sân khấu” chính của buổi lễ, phụ nữ vo gạo, sau đó cho vào lồ ô tươi đặt lên bếp than đỏ rực, nhóm khác đặt từng xiên thịt heo lên bếp than nướng… không khí vô cùng nhộn nhịp.
Khi bóng tối bao trùm, những bếp lửa to được nhóm lên. Khu vực làm lễ cũng đã chuẩn bị xong. Lễ vật cúng gồm đầu heo, gà luộc, cơm lam, canh thụt, thịt nướng, xôi nếp, rơm vàng, rượu cần ủ lâu ngày, trầu cau, tiết gà, gạo nếp…
Lúc này, già làng Điểu Lên tiến về phía cây nêu, cung kính đọc bài khấn, bẩm báo và mời thần linh, tổ tiên, ông bà về cùng mừng lễ cúng cơm mới với dân làng.
Khi già làng dứt lời cúng, ông lấy tiết gà bôi lên cây nêu, sau đó khai rượu cần. Xong, âm thanh từ dàn cồng chiêng bắt đầu vang lên… hàng chục nam thanh nữ tú, và dân làng trong trang phục truyền thống, đồng loạt đứng lên, nối nhau theo vòng tròn quanh sân lễ, dập dìu điệu múa truyền thống theo nhịp cồng chiêng.
Cứ vậy, dân làng vừa truyền tay ống rượu cần, ăn thịt nướng, cơm lam, vừa nhảy múa trong tiếng cồng chiêng réo rắt, bên ánh lửa bập bùng, cho đến khi ai nấy mệt nhoài.
Ông Điểu Cần, Trưởng thôn Thiện Cư cho biết, mừng lúa mới là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời nhất, được mong đợi nhất của đồng bào S’tiêng.
“Năm nay, dù đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dich bệnh Covid-19, rồi giá cả nông sản, vật nuôi bấp bênh, nhưng không vì thế mà không khí lễ hội kém sôi động. Vì đây là một trong những lễ hội quan trọng nhất trong năm của người S’tiêng.
Bà con quan niệm, nếu không tổ chức lễ này, cả năm mọi người sẽ không thể vui, mùa màng vì thế có thể không bội thu, có thể xui xẻo”, ông Điểu Cần nói.
Ngất ngây rượu cần
Bên cạnh những âm thanh rộn rã của cồng chiêng, của những điệu múa truyền thống của đồng bào S’tiêng, một thứ không thể nào thiếu, đó là rượu cần.
Tương truyền, rượu cần của người S’tiêng do thần Lé Lon (thần rừng, chuyên bảo vệ cho người S’tiêng đi rừng) chỉ cho người dân cách làm, nhằm giúp đồng bào có những giây phút thư giãn, niềm vui trọn vẹn sau khi thu hoạch, khi mùa màng bội thu. Và mỗi khi đôi lứa yêu nhau, mọi người sẽ cùng nhau uống rượu cần đến mềm môi, quên cả đất trời.
Trong một lễ cúng tế, rượu cần là sợi dây kết nối con người với các vị thần linh, để người dân tỏ lòng biết ơn trời đất, thần linh đã cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Không có rượu cần, buổi tế lễ không thể thành.
Tại lễ mừng lúa mới, tôi có dịp gặp lại già làng Điểu Đố (theo giấy tờ thì năm nay ông bước sang tuổi 101), ở sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, để nghe ông nói về rượu cần của người S'tiêng.
“Người S’tiêng quan niệm, cuộc sống có cay đắng có ngọt ngào, nên rượu cần cũng có 2 loại ngọt và đắng. Cả 2 loại đều tinh khiết, hương thơm nồng nàn, đều có quy trình làm nghiêm ngặt giống nhau, chỉ khác nguyên liệu men để cho ra 2 vị ngọt và đắng.
Làm rượu cần công phu lắm. Men là nguyên liệu quan trọng nhất, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, tay nghề cao. Đồng thời, người càng tốt bụng thì làm rượu càng ngon”, già làng Điểu Đố nói.
Già làng Điểu Đố cho biết, để làm rượu cần đắng, người S’tiêng tìm cây Hmuôl mọc bên bờ suối mang về. Còn rượu cần ngọt, phải tìm cây Kraidăng mọc trong những hẻm núi đá. 2 loại cây này tách lấy vỏ, thái nhỏ, phơi khô, giã thành bột mịn. Sau đó chọn gạo ngon, hạt đều và mẩy, ngâm nước cho mềm, giã nhuyễn, trộn với bột vỏ cây Hmuôl hoặc vỏ cây Kraidăng theo tỷ lệ 1 vỏ 4 gạo cùng nước sôi để nguội cho kết dính.
Hỗn hợp này sau khi nặn thành quả men tròn vừa lòng bàn tay, được xếp vào nia phủ lá chuối, ủ nơi kín gió.
Sau vài ngày, khi thấy quả men lên một lớp phấn trắng, có mùi thơm, thì dùng cỏ tranh phơi khô, đốt nhẹ cho sạch lớp phấn này. Sau đó lấy dây rừng xâu lại treo lên gác bếp, chừng 1 tháng có thể mang ra ủ rượu. Còn nếu quả men không lên lớp phấn trắng, có mùi lạ, vị chua, là men bị hư, phải làm men khác.
Xong khâu làm men đến công đoạn ủ rượu. Với rượu cần đắng dùng lá cây Prareng, rượu cần ngọt dùng lá Mól hoặc lá cây Kra hái từ rừng về thái nhỏ, giã nát trộn chung với gạo (2 cân lá, 1 cân gạo) nấu chín.
Cơm chín đổ ra nong tre để nguội, lấy những quả men rượu giã thành bột rồi trộn đều với cơm (1 quả men, 1 cân cơm), sau đó bỏ vào ché, đổ nước sôi để nguội vào ủ. Miệng ché được bịt kín bằng hỗn hợp tro bếp trộn với nước thành một loại hồ, khi khô khá cứng, hoặc dùng sáp ong.
“Rượu ủ lâu, có màu mật ong mới thơm ngon, vừa ngọt vừa cay, dễ uống nên nếu uống chưa quen, đang uống mà lăn ra sàn say lúc nào không biết đó. Nhưng ngủ một giấc dậy có thể uống tiếp ngay, không nhức đầu đâu”, già làng Điểu Đố nói.
Anh bạn tôi chia sẻ “kinh nghiệm” uống rượu cần với người S’tiêng: “Uống rượu cần là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào S’tiêng ở Bình Phước. Rượu cần thường được uống theo cặp như chủ và khách, già với trẻ, trai với gái… để thể hiện sự gắn kết, thân thiện.
Khi được mời uống rượu cần, để thể hiện tình cảm với người mời, khách phải dùng tay vuốt nhẹ cần từ dưới lên rồi mới xin phép uống.
Trong lúc uống, chủ nhà sẽ nhìn thẳng mặt khách, vừa để tỏ lòng tôn trọng, vừa “thăm dò” xem khách có thật tình không. Cho nên mình phải phải uống thật lòng, sẵn sàng say lăn ra sàn, như vậy chủ nhà mới thích”.
“Bình Phước là địa phương có 40 dân tộc thiểu số với hơn 195.000 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh, tạo sự đa dạng về bản sắc văn hóa, nhất là các lễ hội dân gian.
Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được các cấp, các ngành của tỉnh Bình Phước rất chú trọng, như trong việc phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu, sưu tầm các di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức dạy cồng chiêng, đầu tư nghề thủ công truyền thống…”, ông Ðỗ Minh Trung, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Phước.