Tờ Thời báo Hoàn cầu hôm qua dẫn lời ông Jin Weigang, chủ tịch Viện Khoa học Lao động và An sinh Xã hội Trung Quốc cho biết, chính phủ đang xem xét một lộ trình "mới, linh hoạt và khác biệt để tăng tuổi nghỉ hưu". Theo đó, chính sách này có thể hiểu là thời gian đầu nó sẽ bị tính thêm vài tháng, rồi sau đó sẽ tăng dần dần.
"Những người gần đến tuổi nghỉ hưu sẽ chỉ phải lùi thời điểm nhận sổ hưu thêm vài tháng", Global Times dẫn lời ông Jin cho biết, những người trẻ hơn có thể phải tiếp tục làm việc thêm vài năm nữa nhưng sau đó sẽ có một giai đoạn thích ứng và chuyển tiếp dài hơn.
"Đặc điểm quan trọng nhất của chính sách cải cách tăng tuổi nghỉ hưu là cho phép mọi người lựa chọn thời điểm nghỉ hưu tùy theo hoàn cảnh và điều kiện của họ", theo ông Jin.
Hiện chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có thông báo chính thức về việc thay đổi tăng tuổi nghỉ hưu, vốn đang thuộc hàng thấp nhất thế giới với 60 tuổi đối với nam giới, 55 tuổi đối với nữ giới làm việc tại các công sở, văn phòng và 50 tuổi đối với phụ nữ làm việc trong các nhà máy.
Ông Lý Cường, tân Thủ tướng Trung Quốc đầu tuần này cho biết, chính phủ sẽ tiến hành các nghiên cứu và phân tích sâu rộng nhằm ban hành chính sách hưu trí một cách thận trọng.
Động thái mới diễn ra trong bối cảnh dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc đang trên đà sụt giảm và già đi. Nguyên nhân một phần do chính sách hạn chế các cặp vợ chồng chỉ được sinh một con từ năm 1980 đến năm 2015, gây áp lực lên ngân sách hưu trí ngày càng leo thang, khiến các nhà hoạch định chính sách càng phải khẩn trương giải quyết tình hình.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc dự đoán, nhóm người từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng từ 280 triệu lên hơn 400 triệu vào năm 2035, tức ngang bằng toàn bộ dân số hiện nay của Anh và Mỹ cộng lại. Tuổi thọ của người dân Trung Quốc đã tăng từ khoảng 44 tuổi vào năm 1960 lên 78 tuổi vào năm 2021, cao hơn ở Mỹ và dự kiến sẽ vượt mốc 80 tuổi vào năm 2050.
Hiện tại, mỗi người về hưu ở Trung Quốc đang được hỗ trợ bởi sự đóng góp của năm người lao động. Tỷ lệ này chỉ bằng một nửa so với cách nay một thập kỷ và đang có xu hướng tiến đến mức “4 trên 1” vào năm 2030 và “2 trên 1” vào năm 2050.
Các chuyên gia phân tích nhân khẩu học và kinh tế nói rằng, hệ thống lương hưu hiện tại, vốn dựa vào lực lượng lao động sung sức ngày càng eo hẹp để gồng gánh trả lương hưu cho số lượng người về hưu ngày càng tăng trong nước, là không bền vững và cần được đổi mới.
Dữ liệu của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy, hiện 11 trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của đất nước đang bị thâm hụt ngân sách lương hưu. Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc dự báo, hệ thống lương hưu quốc gia sẽ cạn tiền vào năm 2035.
Sau gần 40 năm áp dụng chính sách một con nghiêm khắc, đến năm 2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng đẻ 3 con để khuyến khích tăng trưởng dân số, thậm chí kèm theo các chính sách giảm học phí, vay vốn lãi suất thấp ưu tiên mua nhà, tặng tiền cho gia đình sinh 3 con. Tuy nhiên số ca sinh mới ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm kỷ lục vào năm 2022 và hiện tỷ lệ sinh bình quân của phụ nữ Trung Quốc đang thuộc hàng thấp nhất thế giới.