| Hotline: 0983.970.780

Đàn vật nuôi ổn định, tết không lo thiếu thịt

Thứ Ba 28/11/2023 , 10:59 (GMT+7)

Bất chấp khó khăn, đàn vật nuôi và sản lượng thịt hơi xuất chuồng của Bình Định trong năm 2023 đều tăng, đảm bảo cung ứng cho thị trường dịp cuối năm.

Đàn vật nuôi tăng đều

Tái đàn vật nuôi trên địa bàn Bình Định được ngành chức năng tỉnh này đẩy mạnh từ đầu năm. Tính đến thời điểm này, số lượng đàn vật nuôi chủ lực và sản lượng thịt hơi xuất chuồng của Bình Định đều tăng so với năm 2022.

Trong đó, đàn bò đạt trên 311.000 con, tăng 2,5% so cùng kỳ; đàn heo đạt gần 750.000 con (không tính heo con theo mẹ), tăng trên 13% so cùng kỳ; đàn gia cầm đạt hơn 10,3 triệu con, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Trong năm, sản lượng thịt bò xuất chuồng ước đạt hơn 41.300 tấn, tăng 9,9% so cùng kỳ, thịt heo ước đạt hơn 133.000 tấn, tăng 2% so với cùng kỳ, thịt gia cầm ước đạt gần 29.600 tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2023, ngành chức năng tỉnh này tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi quy mô trang trại, ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn sinh học.

Riêng chăn nuôi nông hộ được định hướng phát triển phải đảm bảo công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh.

Người chăn nuôi heo nhỏ lẻ và có chuồng trại khép kín theo hướng an toàn sinh học ở huyện Hoài Ân (Bình Định) đang tái đàn kỳ vọng dịp tết sắp tới heo thịt tăng giá. Ảnh: V.Đ.T.

Người chăn nuôi heo nhỏ lẻ và có chuồng trại khép kín theo hướng an toàn sinh học ở huyện Hoài Ân (Bình Định) đang tái đàn kỳ vọng dịp tết sắp tới heo thịt tăng giá. Ảnh: V.Đ.T.

Song song với phát triển đàn vật nuôi, ngành chức năng Bình Định không ngừng dốc lực trong công tác phòng chống dịch bệnh, bám sát địa bàn để phát hiện dịch bệnh kịp thời, tăng cường giám sát các dịch bệnh nguy hiểm với vật nuôi như: Viêm da nổi cục trên bò, dịch tả heo Châu Phi, dịch tả heo tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm...

Để bảo vệ và phát triển ổn định đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT Bình Định chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp an toàn trong tái đàn vật nuôi.

Đồng thời khuyến cáo hộ chăn nuôi thận trọng và có kế hoạch cụ thể khi tổ chức sản xuất, chỉ nên tái đàn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học để phòng dịch bệnh, nhất là đối với các vật nuôi chủ lực như heo, bò, gà.

“Với tổng đàn hiện nay, cộng với tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, hoàn toàn có cơ sở khẳng định sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn cuối năm nay dồi dào, bảo đảm đủ nguồn cung cho người dân trong và ngoài tỉnh”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, khẳng định.

Kỳ vọng dịp cuối năm

Không giấu được vẻ phấn khởi, ông Mai Văn Rõ ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định), cho hay từ tháng 9 đến nay giá gà thịt trên thị trường tăng hơn 10.000đ/kg, nên người chăn nuôi gia cầm vui mừng khôn xiết.

Nếu trước đây giá gà ta xuất chuồng chỉ 44.000đ-46.000đ/kg thì hiện được thương lái thu mua bình quân từ 58.000đ-60.000đ/kg.

“Để chuẩn bị cho thị trường cuối năm, tôi đang nuôi hơn 9.000 con gà thả vườn, trong đó có 3.000 con đã được 1 tháng tuổi, lứa gà bán đúng dịp tết. Hy vọng từ nay đến hết năm giá gà tiếp tục tăng, được vậy người chăn nuôi gia cầm sẽ có cái tết vui vẻ”, ông Rõ kỳ vọng.

Cùng tâm trạng như ông Rõ, ông Trần Cao Đệ ở thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng đang hồ hởi thả nuôi 3.000 con gà ta gần 1 tháng tuổi.

Trước đó, vào giữa tháng 10, ông xuất bán lứa gà gần 3.000 con với giá bình quân 58.000đ/kg. Sau khi trừ chi phí, ông Đệ còn lãi ròng hơn 70 triệu đồng.

Các hộ chăn nuôi heo ở huyện Hoài Ân, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn… cũng đang tập trung tái đàn heo từ đầu tháng 10 đến nay, nhưng do tâm thế còn dè dặt nên số lượng hạn chế.

Tái đàn mạnh chỉ những trang trại nuôi 200-300 con heo có chuồng trại khép kín, nuôi theo hướng an toàn sinh học và những nông hộ nuôi nhỏ lẻ 5-10 con, chủ yếu tận dụng thức ăn từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp để cung ứng cho thị trường dịp tết sắp tới.

Hộ ông Mai Văn Rõ ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang nuôi 9.000 con gà, ông Rõ phấn khởi vì từ tháng 9 đến nay giá gà tăng hơn so những tháng trước đây 10.000đ/kg. Ảnh: V.Đ.T.

Hộ ông Mai Văn Rõ ở thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định) đang nuôi 9.000 con gà, ông Rõ phấn khởi vì từ tháng 9 đến nay giá gà tăng hơn so những tháng trước đây 10.000đ/kg. Ảnh: V.Đ.T.

“Tôi đang nuôi 300 con heo thịt đến nay đã hơn 1 tháng tuổi. Hy vọng từ nay đến cuối năm giá heo hơi sẽ tăng trở lại để người chăn nuôi heo trên địa bàn có cái Tết ấm áp”, anh Nguyễn Phúc Ánh ở thôn Gia Đức, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân, Bình Định), chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định, tại thời điểm này, hầu hết nông hộ, cơ sở, chủ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Bình Định đang tái đàn để có sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm vật nuôi sẽ đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. Bất lợi trước hết là diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa, lạnh cộng với nguồn thức ăn khan hiếm dễ dẫn đến tình trạng đàn vật nuôi giảm sức đề kháng, nhất là ở các địa phương miền núi. Thêm vào đó, bão lũ có thể xảy ra gây thiệt hại lớn đàn vật nuôi.

“Chúng tôi lo nhất là dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ phát sinh do chưa có vacxin tiêm phòng như dịch tả heo Châu Phi. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm cũng rập rình do người chăn nuôi chưa chú tâm tiêm vacxin phòng bệnh. Hiện nay, ngành chăn nuôi, thú y đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét trên vật nuôi. Để chăn nuôi ổn định bền vững, người chăn nuôi cần tham gia các chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Vây bắt đàn chó liên quan bé gái 10 tuổi tử vong nghi do bệnh dại

Bé gái 10 tuổi ở Xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) tử vong với những triệu chứng nghi do bệnh dại sau khi bị chó cắn, cơ quan chức năng đang vây bắt đàn chó để xét nghiệm.

Lấy doanh nghiệp là đầu tàu để phát triển bền vững ngành mía đường

Cơ quan chức năng cần có giải pháp nhằm củng cố và phát triển chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh cây mía đang dần mất vị thế.

'Bắt bệnh, bốc thuốc' cho vườn cam thoái hóa

HÀ TĨNH Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, những vườn cam có 30 - 50% số cây 'ốm yếu', suy kiệt, có nguy cơ phải phá bỏ đã được giữ lại.