Chị Vũ Thị Hương Huế, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Sơn, xóm Tân Lập, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) chia sẻ, HTX thành lập năm 2022 với 12 thành viên, tiền thân là tổ hợp tác chăn nuôi của những chị em có hoàn cảnh khó khăn cùng giúp nhau phát triển kinh tế.
Trước đây, các thành viên chủ yếu nuôi theo hình thức nông hộ, nhỏ lẻ nên việc đầu tư, chăm sóc đàn lợn, giữ gìn vệ sinh môi trường chăn nuôi chưa được đảm bảo.
Kể từ khi có được sự hỗ trợ của Công ty TNHH CooPlus, Liên minh HTX tỉnh Hòa Bình thông qua Dự án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi liên kết do Tổ chức Good Neighbors International (GNI) Hàn Quốc hỗ trợ, các thành viên đã từng bước thay đổi thói quen chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tự phối trộn thức ăn, chủ động tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó, trình độ chăn nuôi, chất lượng, giá bán sản phẩm, thu nhập của các thành viên nâng lên rõ rệt. Từ số lượng đầu con khiêm tốn, hiện tổng đàn của HTX luôn duy trì từ 700-800 con/lứa (bao gồm cả liên kết).
Để nâng hiệu quả sản xuất, giống lợn bản địa được HTX chọn lọc kỹ, phối giống cùng đực ngoại Duroc để cải thiện trọng lượng, tỷ lệ nạc nhưng không làm mất đi chất lượng, hương vị riêng có của lợn đen bản địa.
Theo chị Huế, lợn đen bản địa vốn có vóc dáng bé, nếu nuôi trong thời gian dài tỷ lệ mỡ sẽ cao. Mặc dù mỡ lợn rất thơm, ngậy nhưng không phù hợp với thị hiếu của phần đông người tiêu dùng, nhưng khi lai với lợn Duroc đã khắc phục được hạn chế này.
Để đảm bảo dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho đàn lợn, toàn bộ thành viên của HTX áp dụng chung quy chuẩn phối trộn thức ăn do các chuyên gia Hàn Quốc hướng dẫn, với các thành phần nguyên liệu từ bột ngô, sắn, cám gạo, đậu tương, bột cá, trùn quế và các loại dược liệu (cây chè đại, hoàn ngọc, rau máu, khổ sâm…). Bên cạnh đó, áp dụng phương pháp nuôi với thời gian tối thiếu 7 tháng để tạo ra chất lượng thực sự, không dư lượng thuốc kháng sinh, chất tăng trọng nên an toàn cho người sử dụng.
“Sản phẩm lợn đen bản địa của HTX đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường nên phải phát triển chăn nuôi an toàn, khoa học mới có sản phẩm chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Thay vì các thành viên phải đỏ mắt đi tìm người mua như trước đây, bây giờ người mua đã bắt đầu tìm đến chúng tôi. Đấy là minh chứng ro nhất cho việc HTX đã đi đúng hướng”, chị Huế đánh giá.
Gia đình anh Vũ Văn Hợi, xã viên HTX Tân Sơn đang nuôi gần 60 lợn đen bản địa và lợn lai rừng chia sẻ: Khi được trang bị kiến thức về cách quản lý tất cả các khâu trong quá trình chăn nuôi (con giống, thức ăn, kiểm soát dịch bệnh…) giúp anh giảm được rất nhiều chi phí, công chăm sóc, trong khi việc tiêu thụ, giá bán sản phẩm ổn định và cao hơn trước đây rất nhiều.
“Phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo giúp khắc phục được tình trạng giao phối cận huyết ở đàn lợn bản địa, hạn chế dịch bệnh lây lan. Tận dụng được nguồn thức ăn chất lượng sẵn có tại chỗ giúp giảm chi phí đầu vào. Chủ động phòng, chống dịch bệnh giúp giảm tiền mua thuốc, công chăm sóc. Đầu ra có HTX, doanh nghiệp thu mua với giá ổn định không có lý do gì để mình không phát triển chăn nuôi, thoát nghèo, làm giàu bền vững”, anh Hợi vui vẻ nói.
Theo chị Huế, với việc phát triển chăn nuôi an toàn, sản phẩm của HTX được các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội rất tin dùng. Trung bình, mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường hơn 20 lợn đen bản địa, với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg lợn hơi. Bên cạnh đó, HTX cũng chế biến giò, xúc xích, thịt lợn hút chân không… Nhờ đó, thu nhập của các thành viên từng bước được nâng lên. Trong HTX không còn hộ nghèo, thậm chí đã có hộ đã nghĩ tỡi việc làm giàu bằng chăn nuôi giống lợn đặc sản này.