| Hotline: 0983.970.780

Đào tạo quản lý khai thác công trình thủy lợi

Thứ Tư 24/09/2014 , 08:11 (GMT+7)

Công tác đào tạo, đào tạo lại để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý KTCTTL.

Bài viết dưới đây đánh giá sự cần thiết, mục tiêu, đối tượng đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành quản lý KTCTTL (các nội dung về đào tạo sẽ được đăng trong số báo tiếp theo).

Sự cần thiết

Thuỷ lợi có vai trò quan trọng trong phát triển SX nông nghiệp và phát triển KT-XH.

 Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân, đến nay nước ta đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi to lớn, với 904 hệ thống thủy lợi vừa và lớn, bao gồm hơn 6.000 hồ chứa nước, hàng vạn trạm bơm điện, hàng nghìn cống, đập và hàng vạn km kênh mương, bờ bao và khoảng 26.000 km đê các loại.

Thời gian qua, các tổ chức của ngành, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành đã có nhiều cố gắng trong việc phát huy hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi, đáp ứng yêu cầu phục vụ SX, dân sinh và các ngành KT-XH.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên trong ngành thủy lợi không ngừng được quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực của ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước không ngừng được tăng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác thủy lợi phục vụ SX, dân sinh.

Thực tế đã cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân quản lý KTCTTL có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả KTCTTL. Tuy nhiên, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý vận hành công trình thủy lợi còn bộc lộ những yếu kém cần được cải thiện.

Theo báo cáo của các địa phương, có khoảng 1.300 nhân viên (chiếm 5% số lượng nhân sự) của các DN, đơn vị sự nghiệp quản lý khai thác công trình thủy lợi, khoảng 67.550 nhân viên (83%) của các tổ chức thủy nông cơ sở chưa được đào tạo.

Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên còn hạn chế, nên năng suất lao động chưa cao, hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý KTCTTL còn thấp.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, góp phần phát triển SX nông nghiệp và các ngành kinh tế khác nhưng ngành thủy lợi cũng còn nhiều tồn tại, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý KTCTTL và cần được đổi mới, nâng cao hiệu quả.

Các đánh giá gần đây cho thấy, hiệu quả KTCTTL chưa cao, chậm đổi mới theo cơ chế thị trường, công tác thủy nông cơ sở chưa phát huy được vai trò của người dân, KH-CN trong thuỷ lợi chưa bám sát yêu cầu SX, nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Công tác thủy lợi đang đứng trước những thách thức mới, trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chương trình xây dựng NTM đang được triển khai rộng khắp.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu với sự xuất hiện thường xuyên và cực đoan của lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn làm cho công tác thủy lợi ngày càng trở nên khó khăn.

Quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TƯ và Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, Bộ NN-PTNT xác định nâng cao hiệu quả KTCTTL được là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng nhất hiện nay.

Thực hiện nhiệm vụ Bộ giao về “xây dựng, trình Bộ chương trình/kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực quản lý của Tổng cục” (Đề án Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành NN-PTNT giai đoạn 2014-2020 được phê duyệt kèm theo Quyết định 1323/QĐ-BNN-TCCB ngày 17/06/2014 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) và yêu cầu cấp bách để nâng cao hiệu quả quản lý KTCTTL phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng NTM, việc xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực quản lý KTCTTL trên toàn quốc là rất cần thiết.

Điều này đã được khẳng định thông qua Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý KTCTTL đã được phê duyệt kèm theo Quyết định số 784/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Một trong những giải pháp cơ bản của Đề án này là đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý KTCTTL.

Thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đượccụ thể hóa tại Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi và Đề án nâng cao hiệu quả quản lý KTCTTL, nhiệm vụ của các hệ thống thủy lợi cũng cần phải được điều chỉnh để thích ứng với yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Các hoạt động quản lý KTCTTL cũng cần phải thay đổi theo hướng hiện đại hóa.

Trước nhiệm vụ hiện đại hóa công tác quản lý thủy lợi trong giai đoạn hiện nay, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thủy lợi phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, việc tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp quản lý, vận hành công trình thủy lợi là rất cấp thiết và cần thực hiện ngay.

Để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý KTCTTL đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 40/2011/TT-NNPTNT ngày 27/5/2011 quy định năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý KTCTTL.

Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Thực hiện đào tạo, tập huấn nhằm bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp, kiến thức chuyên môn và năng lực quản lý, vận hành của cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ quản lý KTCTTL đảm bảo đủ năng lực theo quy định hiện hành của Bộ NN-PTNT, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thủy lợi, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và gắn với xây dựng NTM.

b) Mục tiêu cụ thể

- Ban hành Chương trình và bộ tài liệu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành quản lý KTCTTL. Chương trình đào tạo đã được Bộ phê duyệt theo Quyết định số 3874/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/9/2014.

- Mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung về quản lý an toàn đập, quản lý thủy nông cơ sở, đảm bảo đến năm 2020,100% tổ chức, cá nhân quản lý KTCTTL đáp ứng yêu cầu về năng lực trong quản lý KTCTTL theo quy định của Bộ NN-PTNT.

Đối tượng đào tạo

Đối tượng đào tạo nâng cao năng lực trong quản lý KTCTTL bao gồm 4 nhóm chính như sau:

a) Công chức, viên chức có chuyên môn thuộc chuyên ngành thuỷ lợi của Tổng cục Thủy lợi; Sở NN-PTNT, các Chi cục Thuỷ lợi thuộc Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng NN-PTNT thuộc UBND cấp huyện;

b) Công chức, viên chức là cán bộ quản lý (chủ tịch, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên) thuộc các Cty, đơn vị sự nghiệp quản lý KTCTTL.

c) Nhân viên kỹ thuật, người trực tiếp làm công tác vận hành thuộc các Cty, đơn vị sự nghiệp quản lý KTCTTL.

d) Cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp vận hành công trình thủy lợi thuộc các Tổ chức hợp tác dùng nước, cá nhân tham gia quản lý vận hành công trình thủy lợi.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo cho các đối tượng, thời gian tới, cần phải xây dựng kế hoạch đào tạo cụ thể, các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước cần chỉ đạo sát sao và huy động các nguồn lực để thực hiện tốt yêu cầu, mục tiêu đặt ra.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Dịch lở mồm long móng nguy cơ quay trở lại

Tại Bắc Kạn, sau nhiều năm bệnh lở mồm long móng trên gia súc tạm lắng, gần đây dịch bệnh nguy cơ bùng phát trở lại.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).