Mô hình VAC kiểu mới
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng ở xã Quyết Thắng, Thành phố Thái Nguyên được nhiều người biết đến là tấm gương phát triển kinh tế hộ gia đình đem lại thu nhập cao. Ngoài ra, ông còn là người nhiệt tình trong hoạt động xã hội tại tổ dân phố, tích cực giúp đỡ người khác làm kinh tế và được nhân dân tin yêu.
Mặc dù diện tích đất của gia đình không lớn so với một hộ dân bình thường ở nông thôn, nhưng ông Dũng biết tận dụng quỹ đất để chăn nuôi và trồng trọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Về chăn nuôi ếch, mỗi năm gia đình ông chăn nuôi và xuất bán được gần 3 tấn ếch thương phẩm, còn ếch giống bán được 30 – 40 vạn con (giá 1.200 đ/con). Ếch thương phẩm và ếch giống, ông Dũng xuất đi các nhiều nơi, chủ yếu là cung cấp cho các thị trường Thái Nguyên, Hà Nội và Bắc Ninh. Riêng từ nuôi ếch đã đem lại cho gia đình ông khoảng hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Dũng có 4.800 m2 vườn trồng ổi, bưởi và chuối xen kẽ, đến nay đã được thu hoạch và đạt trên 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông chăn nuôi thêm chim bồ câu thương phẩm; chăn nuôi gà chọi để bán giống; trồng, nhân giống lan rừng, lan ta; nấu rượu… Các mặt hàng này mang tính nhỏ lẻ, nhưng do có uy tín, chất lượng tốt nên sản phẩm làm ra không đủ bán tại địa phương.
Mặc dù chỉ có 2 vợ chồng đã trên dưới 60 tuổi (các con ông đang lập nghiệp tại Sài Gòn và Đồng Nai, có doanh nghiệp riêng), nhưng từ nhiều năm nay, mô hình kinh tế của ông Dũng vẫn đem lại thu nhập ổn định cho gia đình lên đến hơn 300 triệu đồng/năm.
Chịu khó tìm tòi, áp dụng kỹ thuật
Là một cựu chiến binh tham gia chiến tranh biên giới phía bắc, đến năm 1988 xuất ngũ về làm công nhân gang thép tại Thái Nguyên. Đến năm 1992, về làm kinh tế gia đình, làm đủ nghề để kiếm sống.
Đến năm 2006, thấy người bạn nuôi ếch, ông thích quá cũng về học cách nuôi. Mới đầu thất bại, nhưng không nản chí, ông tiếp tục tìm hiểu thêm về kỹ thuật, đi khắp nơi để học hỏi kiến thức. Đến năm 2014, để chủ động nguồn giống, ông đã tự mày mò nhân giống ếch và đã thành công. Không chỉ đảm bảo đầu vào chăn nuôi ổn định, mà còn cung cấp được con giống ra thị trường.
Ông Dũng chia sẻ, nuôi ếch không khó nhưng phải làm đúng kỹ thuật. Để chuồng trại sạch sẽ và đảm bảo tiêu chuẩn thì bể nuôi phải được xây dựng cẩn thận, ốp bằng gạch men. Trước khi nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ, khử trùng bằng vôi và các chất tẩy rửa có xuất xứ rõ ràng được bán trên thị trường để tránh mầm bệnh lây nhiễm cho ếch.
Chuồng nuôi hàng ngày phải được vệ sinh sạch sẽ, xả nước ra vào theo đúng quy định. Nguồn thức ăn phải đảm bảo chất lượng. Ếch phát triển tốt sau 3 tháng có thể xuất bán.
Không chỉ nuôi ếch, việc trồng cây ăn quả ông Dũng cũng chịu khó dày công học hỏi qua sách báo, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, vườn cây ăn quả (bưởi xen kẽ với ổi, chuối) của ông Dũng luôn phát triển tốt, quả to đều, được tư thương mua ngay tại vườn.
Hoa lan cũng vậy, ông Dũng chia sẻ bản thân yêu hoa lan nên phải bố trí thời gian để đi học kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhân giống để trồng. Sau gần 5 năm, ông đã trồng được 1 vườn lan rừng có giá trị hàng trăm triệu đồng. Ngoài để chơi, ông cũng nhân giống lan và bán ra thị trường cho những người cùng sở thích.
Hiện nay, ông Dũng còn có thu nhập thêm từ những lĩnh vực khác như nuôi cá, nuôi chim bồ câu, nhân giống gà chọi, nấu rượu… Ngoài làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, được bà con hết sức tin yêu.