Xâm phạm quyền lợi người dân
Có thể thấy, ngoài mặt tích cực thì thủy điện có tác động đáng kể đến môi trường cũng như cuộc sống của những người dân bản địa. Với đặc thù của tỉnh miền núi, ở những nơi xây dựng nhà máy thủy điện tại Lào Cai ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số Mông, Dao... sống phụ thuộc vào nông nghiệp, sông suối để nuôi trồng, canh tác.
Tại huyện Bảo Yên của tỉnh này, 2 thủy điện gây ra tác động xấu đến người dân lân cận và bức bối khi những nhà máy này đã đi vào hoạt động song việc hỗ trợ, bồi thường cho người dân hết sức chậm trễ.
Trong đó, thủy điện Bắc Cuông của Công ty Cổ phần năng lượng Phúc Thái đã hòa lưới điện từ năm 2020. Song việc thủy điện dâng nước lòng hồ khiến 28 hộ dân ở bản Đao, xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên, Lào Cai) không thể canh tác như trước kia do sạt lở, ngập úng, thiệt hại về hoa màu... Có nhiều hộ, diện tích đất của họ nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng. Mặt khác, ranh giới thu hồi không rõ ràng (do thủy điện tự mua đất của dân) nên đến huyện cũng không lưu hồ sơ giải phóng mặt bằng.
Thủy điện Phúc Long (Công ty Cổ phần thủy điện Phúc Long) dâng nước gây sạt lở, nứt nhà nhất là những hộ dân ở tổ dân phố 2A thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên, Lào Cai), ảnh hưởng quốc lộ 70... Chủ đầu tư chưa khắc phục xong cho dân, hứa từ năm này qua năm khác.
Cộng đồng người dân đã di dời nhường đất cho việc xây dựng các đập, nhà máy thủy điện. Trong số đó, có những gia đình nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống, tập tục canh tác của họ từ lâu đời nay phụ thuộc con sông, con suối, núi rừng... Sau khi thủy điện đến, ở điều kiện sống mới, có hộ thiếu đất canh tác, thiếu việc làm và thiếu nước nuôi trồng... Và từ đó, phát sinh những xung đột về lợi ích.
Gần nhất, thủy điện Mây Hồ tại thôn Lủ Khẩu, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa, Lào Cai) chậm trễ trong thương lượng, thỏa thuận đền bù cho người dân bản địa khi xây đập chặn nguồn nước nuôi cá hồi của 9 hộ dân tộc thiểu số. Và hậu quả đã xảy ra, gây mất an ninh trật tự địa phương.
Làm hoen ố người lao động chân chính
Sự xung đột giữa phía thủy điện và người dân bản địa không phải lần đầu tiên xảy ra ở Sa Pa (Lào Cai). Cuối tháng 8/2020, xuất hiện khoảng 20 người mặc quần áo công nhân mang theo dao, kiếm, gậy, dao phóng lợn... vào khu vực thuỷ điện Nậm Sài của Công ty Cổ phần công nghiệp Việt Long. Sự việc khiến căng thẳng giữa các bên bị đẩy lên cao, công an, chính quyền địa phương vất vả trong việc xử lý tháo "ngòi nổ", giải tán đám đông.
Chưa đầy 2 năm sau, ngày 14/3/2022, tại thủy điện Mây Hồ do Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ làm chủ đầu tư xuất hiện tình trạng tương tự. Một số người được chính quyền Sa Pa gọi là công nhân, trên tay cầm ống nước để bảo vệ khu vực thi công đập đầu mối của thủy điện. Xô xát xảy ra, nhiều người nhập viện.
Khi xảy ra những vụ việc trên, chính quyền địa phương còn đang... xác minh thì người dân bản địa hết xức bức xúc, "điểm mặt, chỉ tên" rằng đó là những giang hồ, làm hoen ố hình ảnh người công nhân chân chính. Bởi với công cụ, dụng cụ, tư liệu lao động "tự chế" có thể gây sát thương cao mà họ mang theo không thể lý giải sẽ dùng vào khâu nào trong thi công thủy điện?
Liên quan thủy điện Mây Hồ, ông Đinh Huy Cường, Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn xác nhận việc chủ đầu tư thông báo đưa người vào thi công chỉ đáng tính... bằng phút thì xảy ra việc xô xát. Thông báo của Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ có đoạn nêu như một sự thách thức, phó mặc chính quyền địa phương: "Trong quá trình thi công có xảy ra bất kỳ vấn đề gì về việc tranh chấp giữa người dân và công ty, chúng tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm...".
Có ý kiến dư luận cho rằng, những sự vụ nêu trên sẽ là tiền lệ xấu nếu không được xử lý dứt điểm, công khai. Và liệu rằng có lợi ích nhóm trong mỗi cổ phần của thủy điện khiến quyền lợi, sinh kế của người dân bị xem nhẹ? Có hay không sự buông lỏng quản lý đối với các dự án thủy điện tại Lào Cai trong những năm qua? Khi tại đây từng có thủy điện không phép vẫn xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín, hình ảnh của chính quyền địa phương?
HĐND tỉnh Lào Cai đã tiến hành giám sát một số công trình thủy điện tại huyện Bảo Yên và yêu cầu huyện này phối hợp với chủ đầu tư dự án thủy điện sông Chảy tiến hành chi trả giải phóng mặt bằng cho các hộ theo quy định...