| Hotline: 0983.970.780

Dạy con đối mặt với khó khăn thế nào?

Chủ Nhật 13/05/2018 , 14:50 (GMT+7)

Hãy nói với con rằng luôn có những điều bất toại, bất thành quây kín lấy ta. Và cách tốt nhất mà ta cần đối phó không phải là ngồi đó thở than, chê bai và cố công chứng minh rằng mình đáng được hưởng điều tốt hơn.

Mà cánh cửa này đóng lại sẽ mở ra một cánh cửa khác, điều quan trọng là có dám và đủ dũng cảm để mở cánh cửa tiếp theo.

unnmed-11100031
Trẻ em vùng cao (ảnh: Ngọc Thành)

Khó khăn trong cuộc sống thường đến bất ngờ và không báo trước, nếu cha mẹ dạy trẻ vượt qua khó khăn thách thức theo kiểu phán đoán trước là một điều không khả thi. Ths Tâm lý Nguyễn Hà Thành, giảng viên trường Đại học FPT cho biết, trong quá trình lớn lên, trưởng thành nếu cha mẹ chú ý đến những trải nghiệm hàng ngày trong cuộc sống, sẽ là những kỹ năng để dần dần từng bước giúp trẻ vượt khó, những ý chí vượt khổ sau này.

Ngay từ lúc mới đi học trẻ phải đối diện với việc tập viết. Nhiều bố mẹ cho rằng việc này là không cần thiết, nhưng theo các chuyên gia thì đó cũng là cách dạy trẻ vượt qua khó khăn. Bởi có trẻ hào hứng với việc học nhưng cũng có trẻ mỗi khi ngồi vào bàn, cầm bút là cả cực hình. Vì thế, thay vì nói với trẻ rằng con đang làm việc mất công gò lưng luyện chữ thì bố mẹ hãy lấy đó làm ví dụ về cuộc sống vốn chẳng dễ dàng gì dù ở bất cứ giai đoạn nào đi nữa.

Ths Nguyễn Hà Thành cho rằng, có nhiều cách để dạy trẻ vượt qua khó khăn. Trước hết ở chính cuộc đời của cha mẹ là bài học dễ nhất để trẻ có thể nhìn thấy. Bởi chắc chắn một điều không phải cha mẹ nào suốt cuộc đời bằng phẳng, và cái cách để bố mẹ vượt qua những khó khăn, những sóng gió trong cuộc đời là một trong những bài học tốt nhất cho con cái. Khi mà bố mẹ có cơ hội để trò chuyện với con thì việc họ có thể kể lại lịch sử cá nhân mình, những lần thành công hay những lần thất bại như thế nào… Đấy là một cách truyền tải gần gũi nhất giúp con có được sự chuẩn bị.

Trong trường hợp bố mẹ không gặp quá nhiều thất bại, quá nhiều thử thách thì còn nhiều cách khác nữa giúp trẻ hình thành tính cách để vượt qua từng khó khăn. “Đó là những câu chuyện từ cuộc sống mà bố mẹ có thể quan sát thấy, có thể đọc được ở đâu đó trong sách hay trên mạng - những câu chuyện về những tấm gương vượt khó trong cuộc đời, trong cuộc sống. Từ đó, bố mẹ cùng chia sẻ với con một thực tế trong cuộc sống rằng bên cạnh những người rất thành công thì còn có những con người trong cuộc đời đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí càng những người thành công thì họ càng gặp nhiều khó khăn thách thức”, Ths Hà Thành chia sẻ.

Ths Hà Thành dẫn chứng tấm gương của người phát minh ra bóng đèn điện Thomas Edison. Hồi nhỏ, giáo viên của Thomas Edison nhận định rằng ông "quá chậm để học bất cứ thứ gì" nên mẹ ông đã quyết định cho ông nghỉ học và bà tự dạy con trai của mình. Không chỉ có vậy, ông đã sớm bị sa thải khỏi hai công việc đầu tiên vì “không đủ năng lực”.

Vậy mà, với nỗ lực của mình, ngày nay Thomas Edison được biết đến là một trong những nhà sáng tạo vĩ đại nhất của mọi thời đại. Thành công đã mỉm cười sau hơn 10.000 lần nỗ lực để phát minh ra bóng đèn điện. Đây chính là một ví dụ tuyệt vời cho tính kiên trì, sự vượt khó thực sự.

Vẫn theo vị chuyên gia này thì song song với đó, bố mẹ hãy chỉ ra cho con những người nếu không vượt khó, không vượt qua được những cám dỗ thì cuộc đời cũng sẽ lao dốc không phanh.

“Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh, chẳng có cuộc sống nào đơn giản, dễ dàng. Chẳng có lựa chọn nào không gánh gồng theo những giọt mồ hôi, công sức. Có dũng cảm để đối diện với giải quyết vấn đề mới không bị lạc vào những mớ bi quan, chán nản mới bình tâm mà đón nhận mọi điều. Thay vì cố sức kêu ca về những điều chưa thể thay đổi được thì cha mẹ hãy nắm tay con trẻ, cho chúng sự bình yên để chúng được mỉm cười thanh thản ngay cả sau những cố gắng mà chưa thành công. Hãy nói với con rằng luôn có những điều bất toại, bất thành quây kín lấy ta. Và cách tốt nhất mà ta cần đối phó không phải là ngồi đó thở than, chê bai và cố công chứng minh rằng mình đáng được hưởng điều tốt hơn. Mà cánh cửa này đóng lại sẽ mở ra một cánh cửa khác, điều quan trọng là có dám và đủ dũng cảm để mở cánh cửa tiếp theo.

Chắc chắn như thế tốt hơn việc phải nói với chúng về lòng bất mãn, để rồi chúng mang thói quen ngồi một chỗ cáu kỉnh và phán xét mà không biết đến bao giờ chúng mới có thể vượt qua những vướng mắc, khó chịu trong lòng để bắt tay vào những… thách thức mới”, Ths Hà Thành nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu

Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu là cách nhấn mạnh rằng gia đình chính là nguồn cội của mọi niềm vui và sự bình yên trong cuộc sống.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?