Ông Lê Minh Ý, GĐ Sở Nội vụ tỉnh thông tin, trước đây do nguồn cán bộ cơ sở còn hạn chế, nhận thấy nhu cầu chọn nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn về công tác tại xã, phường, thị trấn là cần thiết nên tỉnh đã quyết định xây dựng, ban hành Đề án số 01. Tuy nhiên, từ năm 2015 trở lại đây, về mặt chủ trương, cơ chế chính sách, các quy định của Nhà nước có nhiều thay đổi, nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện đề án.
Ông Lê Minh Ý, GĐ Sở Nội vụ Cà Mau phát biểu tại buổi chi trả trợ cấp cho TTT |
“Nhằm tăng cường sức tham mưu, lãnh đạo, điều hành, cũng như tạo nguồn, bổ sung đội ngũ cán bộ, không chỉ cho xã mà đó là cái chung của cả tỉnh. Trước khi tham gia, các TTT cũng đã nghiên cứu kỹ về các quy định của Đề án”, ông Ý nói. Nhận xét về hiệu quả của Đề án 01, ông Ý cho rằng, đề án đã mang lại hiệu quả khá tốt, như đóng góp của TTT vào việc lãnh đạo, điều hành, về phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh… Phần lớn, các TTT đã hoàn thành từ tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, ông Ý cũng chỉ ra những thiếu sót, do chậm trễ trong việc chấm dứt HĐLĐ đối với TTT. “Chúng tôi rút kinh nghiệm những việc vừa qua do có nhiều khó khăn, vướng mắc, cũng như thông báo chậm trễ, sắp tới chúng tôi sẽ làm tốt hơn”, ông Ý nói.
Tại buổi họp mặt, các TTT đã thể hiện băn khoăn về chế độ chính sách. Đặc biệt, quá trình làm việc của TTT có tuân thủ Bộ luật Lao động không, tại sao lại có sự bất nhất trong cách chi trả trợ cấp giữa Sở Nội vụ và Sở Tài chính, thời điểm kết thúc HĐLĐ là ngày 30/4/2018 thì lương cơ sở là 1,3 triệu đồng. Nhưng đến thời điểm chi trả trợ cấp ngày 29/8/2018, mức lương cơ sở đã tăng lên 1,39 triệu đồng. Như vậy, việc áp dụng mức lương cơ sở cũ để chi trả lúc này có đúng không? Tại sao TTT không được nhận 50% trợ cấp lương theo quy định?
Ông Huỳnh Ngọc Sang, PGĐ Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau thừa nhận, quá trình làm việc của TTT được thực hiện theo Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, theo ông Sang thì Đề án số 01 là chính sách đặc thù của tỉnh, nên việc ký kết HĐLĐ, phân công công việc, công tác tuyển chọn và chi trả các chế độ chính sách phải tuân thủ Đề án số 01 và Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh Cà Mau.
Về cách tính chi trả trợ cấp cho TTT khi chấm dứt HĐLĐ của Sở Tài chính có sự bất nhất hay không, ông Sang nói: “Không có sự bất nhất, đây là sự tham mưu của các cơ quan giúp việc và quyết định cuối là UBND tỉnh Cà Mau. Hiện số tiền chi trả cho các TTT đã được tỉnh vận dụng ở mức cao nhất dành cho người lao động. Theo như một số chính sách khác về nghỉ việc, kể cả tinh giản biên chế thì 25% phụ cấp công vụ sẽ không được áp dụng”.
Riêng việc Sở Tài chính cắt 50% mức trợ cấp lương hằng tháng đối với các TTT thì ông Sang trả lời rằng, 50% là vận dụng riêng của tỉnh Cà Mau cho nên chỉ tri trả trong thời gian thực hiện đề án. Sau khi kết thúc đề án thì khoản này không được vận dụng nữa.
TTT nhận trợ cấp thôi việc |
TTT Nguyễn Văn Me, công tác tại xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển băn khoăn về khoản phụ cấp ở xã nghèo, xã bãi ngang, ven biển của năm 2016, đến nay vẫn chưa được nhận và đến khi nào TTT mới nhận được số tiền này? Trả lời, ông Sang cho biết, theo hướng dẫn của Sở Tài chính ở từng giai đoạn, do chính sách được phê duyệt lại nên có thời gian gián đoạn. “Để nhận được tiền, tôi đề nghị các TTT liên hệ với xã, Phòng Nội vụ và Phòng Tài chính rà soát lại để chi trả kịp thời và đúng theo hướng dẫn”, ông Sang nói.
Tuy nhiên, theo nhiều TTT, trước đây khi còn công tác tại xã mà chưa nhận được số tiền này, nay đã nghỉ việc, thì việc liên hệ nhận tiền càng khó khăn hơn. “Liên hệ với xã thì xã lên hỏi đơn vị tuyển dụng, nhưng nay Sở Nội vụ yêu cầu chúng tôi gặp xã, trong khi số tiền này chưa được chuyển xuống. Chúng tôi gặp nhiều khó khăn và hiện đã nghỉ việc. Trước đây, khi tuyển chúng tôi vào có đầy đủ lãnh đạo tỉnh, báo đài và tổ chức rất hoành tráng. Giờ kết thúc, chẳng có ai quan tâm, ngay cả tấm bảng treo nội dung cuộc họp cũng không có”, một TTT tỏ rõ sự bất bình.
Riêng việc chi trả trợ cấp thôi việc trong thời điểm lương cơ sở đã tăng, nhưng lại áp dụng mức lương cũ, thì ông Sang giải thích: “Việc chi trả 1,3 triệu đồng hay 1,39 triệu thì chúng tôi áp dụng vào thời điểm kết thúc HĐLĐ vào ngày 30/4”.
Ngày 24/7, Báo NNVN có đăng bài: “Đề án trí thức trẻ về công tác tại cơ sở: Về hào hứng, đi tâm tư!” phản ánh việc nhiều TTT đã kết thúc HĐLĐ nhưng vẫn chưa nhận được văn bản về việc chấm dứt HĐLĐ, chưa nhận được trợ cấp, cũng như các chính sách có liên quan. Tại điểm 1, 2 Điều 47 của Bộ luật Lao động 2012 quy định, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ: Ít nhất 15 ngày trước ngày HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt HĐLĐ. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. |