| Hotline: 0983.970.780

Đi Nhật học trồng rau hữu cơ

Thứ Năm 03/09/2020 , 08:30 (GMT+7)

Anh đã “bén duyên” với rau lúc còn trong quân ngũ. Ra quân, anh chọn nghề trồng rau để khởi nghiệp. Để trau dồi kiến thức, anh đi Nhật học làm rau hữu cơ.

Chặng đường dài đến với rau hữu cơ

Vừa tốt nghiệp đại học khoa quản trị kinh doanh thì anh trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, vậy là lên đường nhập ngũ. Những năm khoác áo lính, anh được trung đội giao nhiệm vụ trồng rau để cung cấp cho bếp ăn. Sáng tiếp xúc với rau, chiều tiếp xúc với rau, thế là anh “bén duyên” với rau từ lúc nào chẳng biết.

Ra quân, ngoài nỗi nhớ thao trường, nhớ đồng đội, trong anh còn một nỗi nhớ khác, đó là nhớ rau. Về quê, sẵn nhà có 1.000m2 đất vườn, vậy là anh chọn nghề trồng rau để khởi nghiệp. Anh là Trịnh Hưng Công (31 tuổi) ở thôn Thiết Trụ, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn, Bình Định).

Anh Nguyễn Hưng Công chia sẻ với PV chuyện đi Nhật học làm rau hữu cơ của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Hưng Công chia sẻ với PV chuyện đi Nhật học làm rau hữu cơ của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến lúc này thì Công nhận ra trồng rau để nuôi quân khác xa với trồng rau cung ứng cho người tiêu dùng. Anh muốn tạo điều khác biệt để chinh phục thị trường. Vậy là anh đau đáu làm rau hữu cơ. Nhưng ngặt nỗi anh khởi nghiệp trái khoáy với những kiến thức anh học được ở giảng đường, mê làm rau nhưng anh không có kiến thức về nông nghiệp.

Thế là anh quyết định đi Nhật học làm rau hữu cơ. “Khi tôi quyết định điều này, có không ít bạn bè, người thân trong gia đình cho tôi là viển vông, thế nhưng tôi vẫn một mực lấy niềm đam mê của mình làm đích để đi tới. Vậy là tôi lên đường…”, Công tâm sự.

Cũng may, chuyện học ở Nhật không chú trọng đến việc “dán mông” trên ghế học đường cả ngày với những mớ lý thuyết, học nông nghiệp thì càng không, mà chủ yếu là ra đồng thực hành. Vậy nên Công có điều kiện vừa học vừa làm thêm ở 1 trang trại trồng rau hữu cơ nằm cạnh trường. Hóa ra chuyện làm thêm của Công bổ trợ được rất nhiều cho kiến thức học ở trường.

“Trường tôi học nằm trên địa bàn thị trấn Terai Chou, thành phố Takamatsu, tỉnh Tagawa; trang trại Green Farm tôi làm việc nằm gần trường. Chủ trang trại Green Farm là thầy Tsukisda, người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề trồng rau hữu cơ. Ở trường tôi học ngành xử lý đất, làm ở trang trại của thầy tôi được bổ sung thêm kiến thức về làm rau hữu cơ. Thầy cũng có dạy trường tôi học, nên trang trại của thầy thường xuyên có sinh viên đến thực hành. Nhờ đó tôi có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với sinh viên học chuyên ngành trồng trọt để bổ sung kiến thức”, Công chia sẻ.

Anh Nguyễn Hưng Công làm đất chuẩn bị trồng rau. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Hưng Công làm đất chuẩn bị trồng rau. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Công kể thêm: Nhờ quy mô trang trại Green Farm của thầy Tsukisda không lớn, nên anh được động tay động chân từ khâu đầu đến khâu cuối của nghề trồng rau hữu cơ.

“Những bạn làm thêm ở những trang trại quy mô lớn, làm khâu nào chỉ chuyên 1 khâu nên không thể có kiến thức tổng hợp. Tôi thì được tham gia ngay từ khâu làm cỏ, xử lý đất, chăm sóc suốt quá trình sinh trưởng đến khi cây rau trưởng thành. Nhờ đó, ngoài chuyên ngành xử lý đất học ở trường, tôi còn học được rất nhiều từ người thầy có đến hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề trồng rau hữu cơ”, Công bộc bạch.

Xử lý đất, công đoạn quyết định năng suất, chất lượng rau

Theo chia sẻ của Công, người Nhật trồng rau hữu cơ họ quan trọng nhất là khâu xử lý đất. Ở Nhật, việc xử lý đất được thực hiện rất công phu. Đất được lên luống, vào phân hữu cơ và được cấy men vào rồi tưới nước vừa đủ ẩm. Sau đó, chủ nhà vườn dùng bạt trong phủ kín luống đất rồi bơm hơi vào. Nhiệt độ của lò hơi là 100oC, khi bơm ra đến luống đất thì nhiệt độ còn 80 - 90oC, đủ để diệt mầm bệnh và nấm trong đất. Thời gian 1 lần xử lý đất kéo dài khoảng 4 tiếng đồng hồ. Thường 1 năm chủ nhà vườn xử lý đất 2 lần.

Trang trại rau hữu cơ của anh Nguyễn Hưng Công đang xuống giống rau đắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trang trại rau hữu cơ của anh Nguyễn Hưng Công đang xuống giống rau đắng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ quy trình xử lý đất của người Nhật, dựa vào ưu thế khí hậu ở vùng quê miền Trung có thời gian nắng ấm kéo dài 9 tháng trong năm, nên Công đưa ra quy trình lý xử đất bằng phương pháp thủ công để đỡ tốn chi phí.

Thay vì lò hơi, Công tận dụng ánh nắng mặt trời. Sau khi cày đất, lên luống, vào phân hữu cơ và cấy men rồi tưới nước tạo độ ẩm cho đất, Công dùng bạt trong 2 lớp tủ kín luống đất để nhiệt độ bên trong lên 80 - 90oC, nhiệt độ này sẽ diệt được mầm bệnh và nấm trong đất chẳng thua kém cách xử lý đất bằng lò hơi như ở Nhật. Tuy xử lý đất theo cách thủ công không tốn chi phí nhiều, nhưng tốn thời gian hơn so với cách xử lý bằng lò hơi.

“Ở trang trại của tôi hiện nay, mỗi năm tôi cũng xử lý 1 lần vào mùa hè để tận dụng ánh nắng mặt trời, thời gian xử lý từ 12 - 15 ngày. Tuy không nhanh như xử lý bằng lò hơi, nhưng không tốn chi phí là mấy.

Xử lý bằng lò hơi đối với nông dân mình là bất khả thi. Bởi, để tậu được lò hơi phải tốn từ 120 - 150 triệu đồng, đường dẫn khí bằng vật liệu Inox để xử lý cho 1ha đất mất khoảng 400 triệu đồng nữa, mức đầu tư này là quá sức với nông dân Việt.

Với cách xử lý đất thủ công thì nông dân nào cũng có thể tiếp cận. Sau khi được xử lý, đất sẽ đủ chất dinh dưỡng giúp cho cây phát triển”, Công phân tích.

Hoa hướng dương trồng trong trang trại của anh Nguyễn Hữu Công. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hoa hướng dương trồng trong trang trại của anh Nguyễn Hữu Công. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Công, trong xử lý đất, phân hữu đóng vai trò quan trọng là cải tạo đất. Để phân gà trở thành chất dinh dưỡng cho đất, cần phải được xử lý để trong phân không còn hàm lượng nitrat; còn phân bò xử lý để không còn giun, có như thế mới giúp cây trồng phát triển tốt.

“Trong thời gian làm việc tại trang trại Green Farm của thầy Tsukisda, tôi phát hiện được chủng mới vi sinh vật khử được mùi hôi của phân. Khi phân được xử lý sạch hết mùi thì lúc đó hàm lượng dinh dưỡng và hàm lượng khoáng trong phân chất hữu cơ rất nhiều”, Công chia sẻ.

Thuốc lá, rượu, tỏi, ớt, gừng, sả, rau răm… là thuốc BVTV

Trong quá trình làm việc tại trang trại Green Farm của thầy Tsukisda, ngoài học được cách làm rau hữu cơ, Công còn học được công thức chế các loại thuốc BVTV sinh học.

Hiện trên gần 1ha đất thuê được của người dân địa phương, Công đang trồng đến 36 loại rau, trong đó có 12 loại rau gia vị, số còn lại là rau ăn lá. Suốt trong quá trình rau sinh trưởng, Công không dùng bất cứ 1 loại thuốc BVTV hóa học nào.

Nếu rau bị sâu bệnh gây hại, Công dùng các loại chế phẩm được chiết xuất ra từ quả thầu đâu (sầu đông), ớt, sả, thuốc lá, tỏi, gừng, rau răm, lá bình bát… và dùng cây mồng tơi và quả đậu bắp làm dung môi pha trộn với các chế phẩm nói trên để trị bệnh cho rau.

Suốt ngày Nguyễn Hưng Công quanh quẩn trong trang trại để theo dõi quá trình rau phát triển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Suốt ngày Nguyễn Hưng Công quanh quẩn trong trang trại để theo dõi quá trình rau phát triển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Công, mỗi chế phẩm có 1 công dụng khác nhau, có loại chuyên trị rầy, có loại chuyên trị các loại sâu, có loại chuyên trị bọ.

“Nếu rau bị các loại sâu gây hại thì dùng các loại chế phẩm được chiết xuất ra từ ớt và tỏi; rau bị các loại bọ tấn công thì tôi dùng chế phẩm kích thần kinh được chiết xuất từ quả thầu đâu, thuốc lá, bình bát. Muốn các loại chế phẩm phát huy hiệu quả, chủ nhà vườn phải nắm bắt quy trình hoạt động của từng loại sâu bệnh hại, biết lúc nào chúng đi ăn để mình tấn công chúng đúng thời điểm.

Thời gian vừa qua tôi kiểm soát bọ nhảy gây hại lá cải cực tốt. Chế phẩm sinh học không giết được bọ nhảy, nhưng kích được thần kinh của chúng khiến chúng bị tê liệt, mất chức năng ăn phá lá cải”, Công lý giải.

Công cho biết thêm là sữa trị rầy cũng rất hiệu quả. “Sữa không giết được rầy, nhưng nó ký sinh vào rầy rồi lên men rất nhanh, lớp men này phá vỡ lớp bọc của rầy khiến chúng chết. Hiện nay sữa có giá 4.800 đồng/bịch, 1 lần chỉ dùng 2 bịch khoảng 10.000 đồng, nhưng có thể diệt rầy trên diện tích 1 sào rau (500m2). Thời gian rầy mới phát phun sữa 2 ngày 1 lần, sau đó kéo giãn ra từ 7-10 ngày/lần. Sau khi cho rau “ăn” sữa rau sẽ phát triển nhanh đến không ngờ”, Công chia sẻ.

Anh Nguyễn Hưng Công với 1 trong 36 loại rau trồng trong trang trại của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Nguyễn Hưng Công với 1 trong 36 loại rau trồng trong trang trại của mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“3 năm rưỡi học và làm việc ở Nhật tôi trau dồi được tính kiên trì, cần cù học hỏi kiến thức. Đặc biệt, người Nhật làm việc gì cũng tỉ mẩn đến từng chi tiết. Thời gian làm việc ở Green Farm, tôi phụ trách chăm sóc 1 đám cải cúc có diện tích khá lớn, vậy mà tôi làm hư chỉ 2 cây cải mà thầy Tsukisda đã biết ngay. Chứng tỏ thầy để hết tâm trí vào vườn rau của mình”, anh Trịnh Hưng Công chia sẻ.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất