Doanh thu hơn 4 triệu USD
Đầu năm 2023, Nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt lớn giúp hình thành chuỗi sản xuất tằm tơ ở tỉnh Yên Bái, tạo điểm tựa vững chắc cho hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh, là động lực giúp các địa phương phát triển bền vững nghề dâu tằm.
Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái được thành lập ngày 9/12/2020, đến tháng 2/2021 Công ty được chấp thuận chủ trương đầu tư theo quyết định số 310 ngày 25/2/2021 của UBND tỉnh Yên Bái về đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ với ngành nghề kinh doanh, sản phẩm chính là sản xuất sợi.
Hiện nay, Nhà máy ươm tơ được xây dựng trên diện tích đất được sử dụng gần 23.000m2, trong đó diện tích đã xây dựng nhà xưởng hơn 4.000m2, hệ thống công trình phụ trợ 2.000m2.
Nhà máy thu mua, chế biến sợi tơ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2023 với 4 giàn máy công suất ươm tơ 2.500kg kén/ngày. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Năm 2023, Công ty có doanh thu hơn 4 triệu USD. Hiện nay, Công ty tạo việc làm cho hơn 180 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 6 -12 triệu đồng/người/tháng, 100% số lao động ổn định được tham gia bảo hiểm xã hội và các chế độ theo quy định.
Mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất
Từ khi Nhà máy ươm tơ đi vào hoạt động, người dân trên địa bàn huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung đã thực sự nhìn thấy giá trị của nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu không ngừng được tăng lên, chất lượng kén tằm cũng được nâng cao. Hiện toàn tỉnh Yên Bái có gần 1.200ha dâu tằm, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Trấn Yên với khoảng 1.000ha, còn lại được trồng tại huyện Văn Yên và Văn Chấn. Sản lượng kén tằm toàn tỉnh trong hàng năm đạt gần 1.300 tấn, giá trị thu nhập bình quân đạt từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Tâm, người đã gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm lâu năm ở xã Báo Đáp (huyện Trấn Yên) chia sẻ, gần 20 năm tham gia trồng dâu nuôi tằm, thấy rằng đây là nghề rất phù hợp với người dân nông thôn. Tuy nhiên do tình hình thị trường, dịch bệnh nên giá kén tằm có năm cao, năm thấp. Sản phẩm kén làm ra trước đây chủ yếu do tư thương đến thu mua nên giá không ổn định, nhiều khi còn bị ép giá. Chính vì vậy, khi có nhà máy chế biến kén tằm đặt tại địa phương, bà và hàng trăm hộ dân địa phương rất yên tâm mở rộng diện tích sản xuất.
Bà Tâm và các hộ dân trong xã đã tham gia vào HTX trồng dâu nuôi tằm, HTX cung ứng giống tằm, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao, ổn định để bán cho nhà máy sản xuất.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất tằm tơ, đây là đơn vị kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các HTX và các hộ nuôi tằm trong tỉnh, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén.
Công ty đã ký hợp tác liên kết chuỗi giá trị với các HTX trên địa bàn 2 huyện Văn Yên và Trấn Yên, cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm kén tằm do nhân dân làm ra. Nhờ đó, đến nay nghề trồng dâu nuôi tằm đã trở thành ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương ở tỉnh Yên Bái.
Việc có nhà máy thu mua, chế biến kén ngay tại địa phương chính là điểm tựa đáng tin cậy nhất giúp nông dân yên tâm sản xuất, mỗi năm mở rộng thêm hàng trăm ha dâu tằm.
Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết, để Nhà máy hoạt động bền vững, hiệu quả, Công ty đã đào tạo nghề cho lao động địa phương và khu vực lân cận. Nhà máy có thể thu mua toàn bộ sản lượng kén của các hộ nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua việc ký hợp đồng với các HTX và thương lái với giá cả ổn định.
Hiện nay, Công ty đang tiếp tục phối hợp với các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích trồng dâu, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, đồ dùng nuôi tằm cho các HTX, hộ chăn nuôi để nâng cao sản lượng và chất lượng kém tằm.
Mỗi năm mở rộng 80 - 100ha dâu tằm
Thời gian tới, Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái sẽ lắp đặt thêm 2 giàn máy ươm tơ, đưa tổng số lên 6 giàn máy hoạt động, công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với lượng kén tiêu thụ từ 1.100 đến 1.200 tấn/năm. Dự kiến đến trước năm 2030, Công ty sẽ xây dựng thêm phân xưởng số 2, nâng gấp 2 lần công suất hiện có.
Xu thế tương lai, con người sẽ hướng tới các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, tơ tằm lại là sản phẩm rất thân thiện. Ngày nay, việc dùng các loại sợi công nghiệp để may mặc đang giảm dần, các sợi tự nhiên như tre, bông và nhất là tơ tằm đang chiếm lĩnh phần lớn thị trường thế giới. Hiện tại, sản phẩm tơ tằm của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái chủ yếu để xuất khẩu. Định hướng đến năm 2030, Công ty sẽ hướng tới se tơ và dệt vải từ tơ tằm trong nước nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Các nước có truyền thống sử dụng vải lụa tơ tằm như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Trung Đông, châu Âu, Bắc Mỹ có nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm này, trong khi đó nguồn cung cấp các sản phẩm tơ lụa có xu hướng giảm. Các nước có truyền thống sản xuất dâu tằm như Nhật Bản, Hàn Quốc nay sản xuất rất ít, ngay cả Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về dâu tằm tơ, những năm gần đây sản lượng cũng giảm xuống.
Chính vì vậy, việc hình thành chuỗi sản xuất dâu tằm tơ với vai trò nòng cốt là Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái sẽ là điền đề vững chắc để mở rộng vùng nguyên liệu, đưa nghề dâu tằm tơ phát triển ngày càng bền vững tại tỉnh Yên Bái.
Ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết, huyện đã và đang phối hợp chặt chẽ với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái trong việc chuyển giao khoa học công nghệ, tập huấn kỹ thuật cho nông dân để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng kén tằm. Mỗi năm huyện vận động người dân trồng mới khoảng 80 – 100ha dâu với các giống dâu do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cung ứng. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng thêm các làng nghề, thu hút nhà máy chế biến tơ tằm...