Thiếu nguyên liệu trầm trọng
Tây Ninh hiện có gần 60.000ha sắn với 65 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến tinh bột sắn và các sản phẩm liên quan. Theo các doanh nghiệp, trước đây nguồn nguyên liệu sắn phục vụ chế biến chủ yếu được thu mua từ các nông hộ trong và ngoài tỉnh. Sau khi dịch khảm lá bùng phát gây hại, năng suất củ sắn giảm, khiến việc sản xuất luôn đặt trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.
Nhiều doanh nghiệp phải nhập sắn thô từ Campuchia về để chế biến. Thế nhưng hiện nay, nhiều khu vực tại Campuchia cũng xuất hiện dịch khảm lá sắn, cùng với đó dịch Covid-19 khiến lượng sắn từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam bị hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Khánh Duy, chủ một doanh nghiệp chế biến sản phẩm liên quan tới tinh bột sắn tại huyện Hòa Thành (Tây Ninh), khoảng 5 năm trước, khi dịch khảm lá chưa xuất hiện, không có doanh nghiệp sản xuất tinh bột sắn nào trong tỉnh có thể tưởng tượng được viễn cảnh phải cực khổ, cuống cuồng đi tìm nguồn nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất như hiện nay.
Đặc biệt, vào thời điểm hiện tại, hầu hết các nông hộ trồng sắn đã hoàn tất thu hoạch và bán hết, song vẫn không đáp ứng đủ nguồn dự trữ để các doanh nghiệp duy trì ít nhất trong 3 tháng tới. Trong khi đó, do tác động dịch Covid-19, việc nhập khẩu nguyên liệu sắn từ Campuchia gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán trước mắt, doanh nghiệp phải cử nhân viên sang các tỉnh lân cận để tìm nguồn thay thế nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên chế biến tinh bột sắn tại huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) cho biết thêm, hiện nay tổng công suất chế biến sắn của 65 nhà máy ở tỉnh Tây Ninh vào khoảng 6,4 triệu tấn củ/năm. Trong khi đó, với gần 60 ngàn ha sắn được gieo trồng trong niên vụ 2020 - 2021 thì tổng sản lượng khoai mì (sắn) của tỉnh này chỉ ước khoảng 1,86 triệu tấn. Với sản lượng này, chỉ đáp ứng gần 1/3 công suất các nhà máy nên việc thiếu nguyên liệu là nỗi lo thường trực của các doanh nghiệp trong ngành chế biến tinh bột sắn.
Để có nguyên liệu, doanh nghiệp sẵn sàng thu mua nguyên liệu với giá cao hơn thị trường, song đây chỉ là giải pháp tình thế vì doanh nghiệp này mua được, thì doanh nghiệp khác cũng mua được, trong khi sản lượng thực tế vẫn không biến động nhiều.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian trước, hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành sắn tương đối dễ dàng, đem lại lợi nhuận cao nên các nhà máy không ngừng chạy đua để tăng công suất chế biến các sản phẩm về sắn, trong khi nguồn nguyên liệu tại tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 1/3, thậm chí có thời điểm chỉ 1/4 tư so với nhu cầu sản xuất.
Chính quyền cũng đã cảnh báo vấn đề này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phớt lờ cảnh báo, năm vừa qua không ít nhà máy hoạt động cầm chừng, thậm chí đã xuất hiện doanh nghiệp dừng hoạt động do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do thiếu nguyên liệu cục bộ.
“Hiện địa phương không đặt ra vấn đề quy hoạch cũng như hạn chế về phát triển cây sắn, vì đây là một trong những cây trồng phù hợp khí hậu, thổ thưỡng và tình hình phát triển kinh tế của người dân địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi định hướng và khuyến cáo, bà con nên chọn những vùng đất phù hợp để canh tác, những vùng đất không phù hợp thì tuyệt đối không nên trồng để tránh rủi ro”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Cần những giải pháp đồng bộ cho cây sắn
Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, phục vụ ngành chế biến tinh bột sắn phát triển bền vững, ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đẩy mạnh lai tạo, tìm kiếm các giống sắn mới sạch bệnh, kháng bệnh, năng suất cao, chất lượng củ tốt hơn đưa vào sản xuất đại trà.
Ðồng thời, thực hiện các giải pháp đồng bộ về giống, kỹ thuật thâm canh, xây dựng một số mô hình canh tác cây sắn đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, bền vững để giới thiệu cho bà con nông dân Tây Ninh triển khai thực hiện. Tỉnh cũng triển khai áp dụng kỹ thuật canh tác cây sắn bền vững vào sản xuất; trồng xen, luân canh sắn với các cây họ đậu (đậu phộng, đậu xanh...), tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo đất, tạo điều kiện cho cây sắn phát triển tốt, tăng khả năng đề kháng.
Song song đó, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường thực hiện cơ cấu lại các vùng nguyên liệu theo hướng tăng cường liên kết với các tổ hợp tác, HTX trồng sắn bằng cách trực tiếp ký hợp đồng với các HTX, giảm bớt các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm; đầu tư trang thiết bị để chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm sau tinh bột.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải tìm được tiếng nói chung như thành lập hiệp hội sản xuất, chế biến sắn để ngành nông nghiệp thuận lợi hơn trong việc trao đổi, quản lý, bảo vệ lĩnh vực sản xuất chế biến tinh bột sắn trong tỉnh.
Tây Ninh cũng chủ trương hạn chế cấp phép đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn; bảo đảm quy mô phù hợp với khả năng phát triển nguyên liệu; khuyến khích các nhà máy ứng dụng và chuyển đổi thiết bị, công nghệ chế biến các loại sản phẩm chế biến tinh bột, phụ phẩm chế biến mì, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; tận dụng triệt để các phụ phẩm nhằm giảm giá thành sản xuất.
Sở NN-PTNT cũng đang tích cực rà soát, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời cho doanh nghiệp và người trồng sắn nói riêng và các loại cây trồng chủ lực khác tại địa phương nói chung; khẩn trương tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn, sắn và các sản phẩm từ sắn là một trong số ít mặt hàng nông sản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Theo đó, 11 tháng đầu năm năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,84 triệu tấn tinh bột sắn, trị giá 865,5 triệu USD, giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có vai trò đóng góp không nhỏ của ngành sắn Tây Ninh.
“Tây Ninh có tăng diện tích trồng sắn lên bao nhiêu cũng không ảnh hưởng, bởi công suất chế biến của các nhà máy đang cao hơn gấp 3 - 4 lần so với nguồn cung. Hiện nay các nhà máy trong tỉnh đang chạy được là nhờ nguồn nguyên liệu nhập từ Campuchia và các tỉnh lân cận.
Ngành sắn có một điều thú vị là Việt Nam nhập nguyên liệu thô và xuất tinh bột, dù giá trị để lại không cao lắm nhưng tạo được công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh, và mang ngoại tệ về cho đất nước. Tuy vậy, cây sắn chưa được xem là cây có thu nhập cao vì chỉ trên dưới 100 triệu đồng/ha. Tây Ninh đang phấn đấu đưa mức thu nhập bình quân từ cây sắn lên cao hơn…”, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm.