Chị Kiều cho biết, cơ sở chị vẫn tồn tại vì làm ăn uy tín |
Trải qua hàng chục năm phát triển, làng nghề đan thúng chai ở Phú Mỹ có sự thăng hoa rồi dần mai một, bởi sự cạnh tranh khốc liệt giữa thúng đan truyền thống với thúng nhựa hiện đại. Hiện không ít người đã bỏ nghề đi tứ xứ làm ăn, song cũng còn vài hộ vẫn bám nghề, bởi không chỉ mưu sinh, đam mê nghề, mà có cách làm ăn uy tín nên thúng chai bán chạy. Vợ chồng anh Trương Văn Trung và chị Trương Thị Bích Kiều, vừa đan vừa thu mua, đưa thúng chai vươn ra thế giới.
Mai một làng nghề
Thúng chai là vật dụng không thể thiếu trên tàu cá. Nó vừa được xem như thuyền cứu hộ, vừa vận chuyển hàng hóa, thuyền viên, giúp tàu rời bến đi đánh bắt. Đặc biệt, thúng chai còn kiêm nhiệm những công đoạn trong nghề câu bò gù, câu mực và bẫy tôm hùm.
Cơ sở của vợ chồng anh Trung và chị Kiều sản xuất thúng chai quanh năm |
Cách đây hơn 5 năm, làng nghề đan thúng chai bằng tre ở Phú Mỹ nhộn nhịp hẳn lên. Thúng phơi đầy đường từ trên QL1 cho đến xóm Hố Quách vì rất nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài nước. "Khi đó ở thôn có hàng chục hộ làm nghề đan thúng chai, tạo thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng nên xem đây là nghề chính để mưu sinh", anh Mai Văn Tạo, có thâm niên 15 năm trong nghề ở thôn Phú Mỹ mở đầu câu chuyện với chúng tôi về thời hoàng kim của làng nghề.
Thế nhưng bây giờ, làng nghề đang dần mai một dần, chỉ còn vài hộ bám nghề vì ít đơn đặt hàng, trong chi phí đầu tư sản phẩm tăng cao, cộng với sự cạnh tranh khốc liệt với thúng làm bằng nhựa. "Nhiều người đã bỏ nghề đi nơi khác kiếm ăn, chứ bám thúng có khi chết đói", anh Tạo nói, giọng buồn buồn.
Gia đình anh Tạo cũng vậy, chủ yếu sống nhờ trồng rừng và nương rẫy, thỉnh thoảng đan thúng khi có đơn đặt hàng để kiếm thêm thu nhập. Mỗi thúng thành phẩm, anh Tạo chỉ lấy công làm lời kiếm từ 100 - 150 ngàn đồng, đủ sống qua ngày. Trong khi đó, để làm ra một chiếc thúng chai hoàn thiện đến với tay người tiêu dùng, thì phải trải qua nhiều công đoạn cực nhọc. Muốn đang thành thạo từng khâu, phải mất 6 tháng học nghề.
Đầu tiên là chặt tre, phải chọn loại tre mỡ, không già cũng không non. Tre này mọc vùng ven sông trên địa bàn rất nhiều. Gía mỗi cây tre hiện dao động từ 30 - 40 ngàn/cây. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 - 5 nắng. Tiếp đến, đan mê thúng, công việc này đòi hỏi phải rành nghề và khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền mới cao.
Sau khi đan xong, lận vành bằng cách đào hầm đất làm khuôn rồi lận nguyên tấm mê đã đan xong xuống hầm. “Công đoạn lận là khó nhất, quyết định đến chất lượng sản phẩm. Vì vậy người thợ làm sao cho chiếc thúng sau khi lận cả vòng thúng và vành phải tròn đều, cân bằng và thẩm mỹ”, anh Tạo nói.
Sau lận là dùng dây cước nức vành. Tiếp theo là trét phân bò vào từng kẽ nan, rồi phơi khô sau đó quét dầu rái để chống thấm.Thông thường trét dầu rái bên trong ba nước, bên ngoài ba nước thì chiếc thúng mới đạt yêu cầu.
Cũng theo anh Tạo, trước đây mỗi gia đình ở Phú Mỹ làm tất tần tật các công đoạn, rồi bán cho thương lái thu mua. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, người dân ở đây đã phân chia từng công đoạn.
Anh Trương Văn Trung, cho biết, muốn đan thúng chai đầu tiên phải chịu khó và yêu nghề. Làm thúng chai tuổi nghề không quan trọng nhưng yêu cầu phải nắm kỹ thuật, khéo tay và tỉ mỉ. Khâu lận vành là rất quan trọng, làm sao cho tròn đều. Vì vậy lúc nào anh cũng cẩn thận, kiểm tra kỹ từng chi tiết, để không mất uy tin của cơ sở. |
Cụ thể, phụ nữ thường nhận tre từ các cơ sở gia công phần vót nan, phơi 4 đến 5 nắng rồi lại giao hàng cho người khác nhận đan mê, lận vành. Nhờ vậy, những người thợ thay vì trước đây làm từng công đoạn mất 7 ngày mới hoàn thành 1 sản phẩm, thì nay rút xuống chỉ còn 1 ngày. Để làm ra một sản phẩm phải tốn 10 - 25 cây tre. Có nhiều loại thúng với đường kính dao động 1,2 - 2,5 m; cao 40 - 70cm, với giá 1,3 - 4 triệu/cái.
Giữ nghề
Trong khi nhiều hộ đã bỏ nghề đan thúng chai vì thu nhập không đủ nuôi sống cho gia đình, ngược lại vợ chồng anh Trương Văn Trung và chị Trương Thị Bích Kiều ở Phú Mỹ vẫn mặn mà với nghề. Công việc của đôi vợ chồng dường như làm quanh năm. Hàng ngày, anh Trung lận vành thúng chai, còn chị Kiều trét phân bò và dầu rái. Họ còn đặt thợ làm thêm khi có nhiều đơn đặt hàng và thu mua thúng của bà con trong thôn làm ra.
Tính đến nay, đôi vợ chồng đã sống nhờ nghề này đã hơn 15 năm. Từ buôn bán nhỏ lẻ, hiện họ đã lập cơ sở thúng chai Trung Kiều. Điều vợ chồng này hơn các hộ trong làng là lúc nào cơ sở cũng chứa đầy ắp thúng chai trong nhà, chưa kể thúng vừa làm xong phơi nằm la liệt khắp đường làng.
Nhờ cách làm uy tín và máu “liều” nên cơ sở thúng chai của gia đình vẫn tồn tại và có đầu ra ổn định, không chỉ đáp ứng khách hàng trong nước như các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam, mà còn vươn đưa sản phẩm vươn ra thế giới.
|
Anh Trương Văn Trung miệt mài đan thúng chai |
“Uy tín ở đây là chúng tôi làm sản phẩm luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, không vì lợi ích trước mắt mà làm ẩu, khiến khách hàng phản ánh dẫn đến mất khách. Còn máu liều là chúng tôi lúc nào cũng có hàng sẵn, vì bỏ vốn ra trước cả trăm triệu đồng để làm nên tồn kho rất nhiều. Cho nên khi khách hàng gọi điện thoại cần bao nhiêu thúng là có hàng ngay. Nhờ cách làm này chúng tôi đã ký hợp động với Cty ở TP.HCM chuyên xuất khẩu đồ truyền thống, trong đó có thúng chai, chủ yếu phục vụ cho ngành du lịch sang các nước Hà Lan, Trung Quốc, Singapone, Úc. Trung bình mỗi tháng cơ sở vừa cung cấp cho Cty xuất khẩu, vừa bán khách hàng lẻ trong nước dao động từ 30 - 40 cái, với giá dao động từ 1,3 - 4 triệu đồng/thúng (tùy loại)”, chị Kiều chia sẻ.
Với sự tâm đắc với nghề, nên hiện các Cty du lịch lữ hành trong nước thường xuyên dẫn khách nước ngoài như Thụy Điển, Anh, Pháp, Nga… về cơ sở để giới thiệu, quảng bá. Từ đó tiếng tăm của cơ sở chị ngày càng vang xa và đôi vợ chồng chị rất từ hào, vì giữ được cái nghề truyền thống làm thung chai.
Bà Đào Thị Chiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dân thừa nhận làng nghề đan thúng chai trong xã đang dần mai một đi, bởi sự cạnh tranh khốc liệt với thúng nhựa. Vì vậy, nếu như trước đây, làng nghề thu hút 33 hộ tham gia vừa đan, vừa bán, thì nay chỉ còn 5 - 6 hộ. Ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết thời gian qua để duy trì làng nghề địa phương đã thực hiện 2 dự án cho vay vốn sản xuất. Tuy nhiên để chắp cánh cho làng nghề vươn xa, cần có liên kết chặt chẽ DN và thợ sản xuất thúng chai, cũng như cơ quan nhà nước hỗ trợ tìm đầu ra. Về phía chính quyền xã hiện đang trình huyện xây dựng đề án quảng bá, giới thiệu sản phẩm thúng chai, để tiếp sức làng nghề. |