| Hotline: 0983.970.780

Dự án chăn nuôi không phép thách thức sự 'tận tụy' của chính quyền?

Thứ Tư 07/04/2021 , 15:34 (GMT+7)

Tuy không có giấy phép, khu chăn nuôi lợn tại xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) vẫn rầm rộ thi công. Mặc dù, xã đã báo cáo nhưng huyện không xử lý.

Dù chưa được cấp phép nhưng Dự án chăn nuôi vẫn rầm rộ thi công và hoàn thiện. Ảnh: Đào Thanh.

Dù chưa được cấp phép nhưng Dự án chăn nuôi vẫn rầm rộ thi công và hoàn thiện. Ảnh: Đào Thanh.

Chưa có phép nhưng Dự án chăn nuôi vẫn thi công

Theo quan sát của chúng tôi, dự án chăn nuôi lợn tại thôn Điểng, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang do hộ kinh doanh ông Nguyễn Đức Nghĩa, Khu đô thị 2 bên đường Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư có quy mô khá lớn. Các hạng mục như nhà ở cho cán bộ, công nhân viên, các ô chuồng chăn nuôi đã về cơ bản được hoàn tất.

Tại hiện trường xe tải, máy xúc, máy trộn bê tông cùng đông đảo nhân công đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục đường bê tông, đường đất dẫn vào trang trại…

Trao đổi về công trình này, Chủ tịch UBND xã Nhân Lý ông Hoàng Văn Thắng cho biết, công trình do ông Nguyễn Đức Nghĩa, Khu đô thị 2 bên đường Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án chăn nuôi có tổng diện tích khoảng 1,8 ha gồm đất ở, đất trồng cây lâu năm và đất trồng rừng. Công trình được xây dựng chưa có giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Trước vấn đề này, UBND xã đã báo cáo sự việc lên UBND huyện. Đến tháng 1/2021, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đến kiểm tra và yêu cầu tạm dừng công trình tuy nhiên đến nay vẫn diễn ra.

Được biết, Dự án chăn nuôi tại thôn Điểng cũng chưa nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi của xã Nhân Lý. Bởi tại Quyết định số 623 về phê duyệt điều chỉnh Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại xã Lý Nhân, huyện Chiêm Hóa giai đoạn 2021-2025 thì khu vực thôn Điểng mới được đưa vào điều chỉnh quy hoạch bổ sung thêm khu chăn nuôi. Đồng nghĩa với thời điểm xây dựng thì dự án này không nằm trong quy hoạch chăn nuôi của chính quyền địa phương.

Để hiểu rõ hơn về vụ việc này chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa. Khi chúng tôi đưa ra các câu hỏi: Dự án đã được thông qua Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Tuyên Quang chưa? Đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xây dựng chưa? Ông Dũng trả lời tất cả đều chưa có.

UBND huyện Chiêm Hóa đã yêu cầu công trình dừng thi công xây dựng. Thế nhưng khi chúng tôi cung cấp thông tin hình ảnh công trình vẫn đang thi công và sắp hoàn thiện ông Dũng cho biết, sẽ xử lý nghiêm việc giám sát và quản lý địa bàn của chính quyền xã Nhân Lý.

Trách nhiệm của người đứng đầu ở đâu?

Ngày 24/9/2020, UBND huyện Chiêm Hóa có văn bản số 1625 đồng ý về nguyên tắc cho hộ kinh doanh ông Nguyễn Đức Nghĩa, Khu đô thị 2 bên đường Lê Trọng Tấn, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng khu trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm tại thôn Điểng, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang.

Lãnh đạo và các ngành chuyên môn của huyện Chiêm Hóa  đang 'nhẹ tay' với những sai phạm trên địa bàn? Ảnh: Đào Thanh.

Lãnh đạo và các ngành chuyên môn của huyện Chiêm Hóa  đang 'nhẹ tay' với những sai phạm trên địa bàn? Ảnh: Đào Thanh.

Văn bản này nêu rõ: Hộ kinh doanh ông Nguyễn Đức Nghĩa triển khai thực hiện các bước đầu tư xây dựng dự án đảm bảo theo đúng quy định hiện hành; chỉ được tiến hành các hoạt động đầu tư khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Văn bản 1625 của UBND huyện nêu rõ là dự án chăn nuôi, thế nhưng không hiểu sao khi trao đổi với ông Bùi Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chiêm Hóa, ông này lại trả lời có thể là hộ chăn nuôi quy mô nông hộ. Mà quy mô nông hộ không quá 500 đầu lợn thì không cần phải lập dự án. Nhưng trong văn bản số 1625 của UBND huyện Chiêm Hóa thì nơi nhận ngoài Phòng Tài chính – Kế hoạch; Phòng Kinh tế - Hạ tầng; Phòng NN-PTNT; UBND xã Nhân Lý; hộ kinh doanh Nguyễn Đức Nghĩa thì có cả Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Chiêm Hóa.

Vậy có phải ông Hùng chưa làm hết vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận, xem xét các văn bản của UBND huyện gửi đến, hay ông Hùng cố ý trả lời như vậy để chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có?

Cùng với đó, việc ông Nguyễn Đức Nghĩa tự ý san gạt diện tích đất rừng và đất trồng cây lâu năm để xây dựng trang trại khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã vi phạm Điều 57 Luật Đất đai. Việc ông Nghĩa tự ý đào xúc, san gạt, xây dựng như trên đã vi phạm mục 3, điều 3, chương I của Nghị định 91 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của chính phủ.

Tại Nghị định 91 nêu rõ: Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: Thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề…

Dù sai phạm của chủ dự án chăn nuôi rõ ràng như vậy nhưng không hiểu tại sao UBND huyện Chiêm Hóa lại không báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý buộc ông Nghĩa phải khôi phục hiện trạng ban đầu của đất như trước khi vi phạm mà lại đưa ra văn bản số 140, ngày 26/1/2021. Trong đó mục 1 của Văn bản 140 có nêu: Ông Nguyễn Đức Nghĩa, chủ trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm tại thôn Điểng, xã Nhân Lý phải hoàn thiện thủ tục về lập dự án đầu tư, quy hoạch, thủ tục về đất đai, môi trường, xây dựng và thực hiện việc cấp phép trang trại chăn nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Như thế chẳng khác nào tạo điều kiện cho ông Nghĩa có thời gian để hợp thức hóa sai phạm.

Câu hỏi được đặt ra rằng, liệu lãnh đạo huyện Chiêm Hóa có thấy sai phạm mà xử lý nghiêm các hành vi sai phạm không hay cố tình để dự án diễn ra và cho chủ đầu tư hợp thức hóa hồ sơ? Việc xử lý những cán bộ thiếu trách nhiệm và làm chưa hết trách nhiệm của mình như thế nào? Rất mong các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang có câu trả lời thỏa đáng và xử lý vụ việc theo đúng quy định.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.