| Hotline: 0983.970.780

Dự kiến số ca F0 trong trường học tăng nhẹ trong những ngày tới

Thứ Năm 17/02/2022 , 20:14 (GMT+7)

TP.HCM Thông tin trên được Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 17/2.

Học sinh mầm non, tiểu học, lớp 6 bắt đầu đi học trực tiếp trở lại từ ngày 14/2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Học sinh mầm non, tiểu học, lớp 6 bắt đầu đi học trực tiếp trở lại từ ngày 14/2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thông tin về tình hình học sinh đến trường, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM cho biết, qua ghi nhận tại các phòng chuyên môn ở khối mầm non, tiểu học cập nhật từ các cơ sở giáo dục, tỷ lệ học sinh đến trường tiếp tục tăng.

Các cơ sở giáo dục cũng tổ chức nhiều hoạt động để chào đón trẻ, học sinh. Hoạt động chăm sóc trẻ, hoạt động giáo dục và công tác phòng chống dịch của các cơ sở giáo dục được triển khai và được quán triệt theo đúng kế hoạch phương án đã xây dựng như chuẩn bị trước đó. Phối hợp chặt chẽ của y tế địa phương khi xuất hiện các tình huống phức tạp, F0 trong nhà trường.

Thông tin về số ca F0 phát hiện trong trường học khi học sinh đi học trở lại, ông Trịnh Duy Trọng cho biết, trong ngày đầu tiên (14/2) phát hiện 27 học sinh F0 ở tất cả các bậc học; ngày 15/2 phát hiện 50 em F0, ngày 16/2 phát hiện 86 học sinh F0. Dự kiến, số ca F0 tiếp tục có sự tăng nhẹ so với những ngày trước đó.

“Nhà trường vẫn đảm bảo duy trì việc dạy và học theo kế hoạch mà Sở GD-ĐT đã trình cho UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức. Các tình huống xảy ra đều được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của y tế địa phương”, ông Trọng nói.

Trong hai tuần qua, các hoạt động giáo dục được thực hiện trực tiếp theo cấp độ dịch là cấp độ 1. Hiện nay, có sự thay đổi về cấp độ dịch ở cấp phường xã, nên trước mắt các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức hoạt động theo quy định chung của cấp độ 1. Tuy nhiên, trong những tình huống phát sinh phức tạp trong công tác phòng chống dịch trong nhà trường ở địa phương sẽ có những điều chỉnh tổ chức dạy học của các cơ sở từ cấp độ 1 cho đến cấp độ 2 hoặc cao hơn.

Liên quan đến việc học sinh lớp 1 phát hiện F0, khiến cho các em là F1 phải cách ly 14 ngày tại nhà, ông Trọng cho biết, hiện nay quy định về cách ly xác định F0, F1 và cách ly ở nhà đối với học sinh lớp 1, ngành giáo dục vẫn thực hiện theo quy định 1038 của Sở Y tế.

“Ở quy định này, đối với học sinh lớp 1, các em chưa được tiêm vacxin phòng Covid-19 thì phải nghỉ ở nhà theo dõi sức khỏe, xét nghiệm nhanh khi có biểu hiện trong 14 ngày. Tuy nhiên, trong tuần qua, hiện quy định mới của Bộ Y tế về xác định F1 cũng có thay đổi. Trên tinh thần đảm bảo việc học của học sinh được liên tục và ít bị xáo trộn nhất khi xuất hiện F0, Sở đã ngồi lại với Sở y tế đã xây dựng dự thảo sớm có thông nhất quy định F1, quy định cách ly trong hệ thống giáo dục”, ông Trọng thông tin.

Ông Trọng thừa nhận, hiện nay có một số cơ sở giáo dục cũng đang rất lúng túng trong việc xác định F1, cách ly. Bởi giữa quy định hiện hành cũng như những quy định mới của Bộ Y tế và đến thực hành có sự vênh nhau.

Một số địa phương, trạm y tế cũng có sự linh hoạt trong việc xác định F1 để làm sao thực hiện theo quy định Bộ Y tế đảm bảo an toàn cho học sinh, đảm bảo duy trì tối đa thời lượng học tập cho học sinh đặc biệt khối tiểu học và mầm non.

“Hiện ngành giáo dục cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với y tế cơ sở, trong việc xác định F0, F1 thực hiện theo chỉ dẫn, xác thực của ngành y tế trong từng trường hợp cụ thể”, ông Trọng nói.

Trước thông tin phản ánh về việc một số cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM không tổ chức bán trú, gây khó khăn cho phụ huynh khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP không cấm các hoạt động này mà còn khuyến khích các cơ sở giáo dục nỗ lực để tổ chức việc học trực tiếp tại trường cho các em học sinh, cũng như đảm bảo thuận lợi nhất cho việc đưa đón, làm việc của phụ huynh học sinh.

Thực tế, Sở GD-ĐT và Sở Y tế đã có hướng dẫn và tập huấn chuyên sâu về việc tổ chức bán trú, bếp ăn an toàn, cũng như có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay, có một số cơ sở giáo dục chưa thể thực hiện ngay các hoạt động này, do điều kiện cơ sở vật chất, quy mô học sinh để tổ chức phục vụ cho các em trong giai đoạn đầu. “Chính vì vậy, một số cơ sở đang trong giai đoạn chuẩn bị kỹ lưỡng để trong thời gian sớm nhất sẽ mở các hoạt động trở lại. Khi thực hiện các hoạt động căn tin, bán trú của cơ sở giáo dục rất đặc thù, trong thời gian rất ngắn phục vụ cho số lượng học sinh đông, cộng với quy định phòng chống dịch Covid-19, thì việc đáp ứng đầy đủ cho các học sinh ngay và luôn ở tất cả các cơ sở giáo dục sẽ rất khó”, ông Trọng nói

Theo thống kê, tỷ lệ trẻ đến trường ở khối mầm non 66,33%; tiểu học 95,99%; THCS 96,89%; THPT: 98,93%. Trong những ngày qua, trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học, học sinh lớp 6 đến trường chiếm tỷ lệ tiếp tục tăng.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.