| Hotline: 0983.970.780

Hành trình từ xứ sở thần tiên trở về Việt Nam thời chiến

Dù phải bỏ vợ vẫn phải trở về Việt Nam

Thứ Ba 08/03/2022 , 12:45 (GMT+7)

Những buổi bà con tập hợp họp hành ở nhà công đoàn ở Tân đảo (New Hebrides-Vanuatu) người lớn thường cho trẻ con đi theo nên chúng tôi cũng biết được chuyện sắp về nước.

Hòn đảo không biết đói rách là gì

“Tiến sĩ nước mắm” Trần Thị Dung kể tiếp: Tôi cảm thấy háo hức vì sự thay đổi. Ông bà ngoại và hai người chị cùng một người em trai của má đã về tỉnh Hải Dương của Việt Nam từ năm 1963 còn nhà tôi vẫn ở lại. Khi những nhà khác về thì gia đình tôi có sự biến động, không ở trong cái nhà cũ mà chuyển đến ngôi nhà của một gia đình Việt kiều đã về nước trước, bỏ không, rộng rãi và đẹp đẽ hơn. Dọn đến ở 1 năm thì đến năm 1964 chúng tôi mới về nước.

Trước đó, chuyện về quê được ba má tôi nói hàng ngày trong nhà. Ba tôi có nói về Việt Nam chắc chắn khổ, nếu như má nó chịu được thì về cùng còn không chịu được khổ thì cứ ở đây, nuôi được đứa nào thì nuôi còn ông sẽ mang về nuôi. Ba tôi sang Tân đảo từ năm 1940 đến năm 1964 đã là 24 năm tha hương nên nguyện ước trở về với quê cha, đất tổ rất mạnh mẽ. Thôi thúc hồi hương trong ông lớn hơn tất cả mọi thứ, lớn hơn cả tình cảm vợ chồng, sẵn sàng chia tay vợ.

Bố của bà Trần Thị Dung (trái) chụp cùng người bạn bên cái ô tô của gia đình dùng để chạy taxi. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Bố của bà Trần Thị Dung (trái) chụp cùng người bạn bên cái ô tô của gia đình dùng để chạy taxi. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Má tôi là người phụ nữ chịu khó tần tảo, chung thủy với chồng, sướng khổ không quan trọng bằng tình cảm vợ chồng nên quyết định về. Ba tôi quê ở huyện Kim Thành còn mẹ tôi quê ở huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương nhưng bà được sinh ra ở ngay Tân Đảo, chưa một lần biết quê, chưa một ngày biết khổ. Lúc đó ba má tôi có 8 chị em chúng tôi và má tôi còn đang mang thai đứa em thứ 9 trong bụng đã 8 tháng…

Ở Tân đảo một mình ba tôi đi làm, lái xe taxi mà nuôi cả nhà. Còn má tôi ở nhà chỉ có ăn và sinh con, cứ “sòn sòn, sòn đô sòn” mỗi năm một đứa, đứa trước ra đời chưa dứt sữa thì đã có đứa sau. Bởi thế nhà tôi luôn luôn có em bé nằm trên xe đẩy còn chúng tôi cứ thế đẩy xe cho em đi chơi chứ chưa bế nổi.

Má tôi ở nhà nhưng rất chăm chỉ, thứ nhất là may vá, ngoài may vá cho chồng con còn may vá cho dân bản xứ da đen ở đó những cái váy ngắn, váy dài với hoa văn, màu sắc rất sặc sỡ. Người Việt mình khi đó nam đã mặc sơ mi quần âu, con gái mặc váy Tây nhưng vẫn giữ truyền thống nên mẹ tôi vẫn may được những cái “quần chân què” và áo bà ba.

Đại gia đình của bà Trần Thị Dung. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Đại gia đình của bà Trần Thị Dung. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Trước khi hồi hương mẹ tôi may cho mỗi người trong nhà một bộ như thế bởi sợ rằng không hòa nhập được với cuộc sống gian khổ của Việt Nam thời chiến. Thời đó phụ nữ Việt Nam ở Tân đảo muốn mặc áo dài phải đo kích cỡ của mình rồi gửi sang Hong Kong hoặc gửi về Sài Gòn để đặt sau đó mới được chuyển lại.

Những lúc rảnh rỗi má tôi còn có thêm nghề tráng bánh đa, kiếm được khá tiền. Khi má tôi thích cái xe đạp Peugeot nhưng ba tôi không mua, bà tự đã tự mua lấy bằng tiền làm thêm của mình. Ban ngày ba tôi chạy xe taxi (xe ô tô tự mua), buổi tối những ngày nghỉ cuối tuần, má tôi lại chở chúng tôi bằng chiếc xe đó đi chơi, thăm thú bạn bè hay đi xem phim. Bà cũng đi học lái, có bằng lái hẳn hoi.

Rạp phim kiểu Pháp không chỉ vào xem mà trong đó còn có những bar uống nước các kiểu. Những buối tối không đi đâu cả mấy mẹ con ở nhà thì ba tôi lại đi giải trí bằng các trò tổ tôm xóc đĩa với chúng bạn, chơi nhỏ thôi, hết món tiền đã định ông lại về. Cứ cuối tuần cả nhà lại lên ô tô đi tắm biển hay sinh hoạt cộng đồng, vui chơi.

Một đám cưới người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Một đám cưới người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Tôi vẫn nhớ những ngày tiệc ở nhà cộng đồng, người lớn nấu bếp nghi ngút khói còn trẻ con chạy ra vào chơi. Đám cưới ngày đó ở đảo đã có bánh gato mấy tầng, trên xếp hình cô dâu chú rể được làm bằng nhựa. Sống với người Pháp, nước Pháp hồi đó có gì thì hầu như dân Tân đảo có cái đấy.

Dân Việt kiều hồi đó là những người phu chứ không phải trí thức nên học tới lớp 6, lớp 7 đã được gọi là có trình độ. Những học sinh được dạy chữ quốc ngữ tới lớp 5 lại quay trở lại dạy ngay lớp 1. Trước khi vào lớp học chính thống ở trong hội quán của Việt kiều, 5 tuổi tôi đã đi học lớp bình dân học vụ do chính ông cậu dạy ở ngay trong lò bánh mì của ông bà ngoại.

Ông bà ngoại tôi là chủ lò bánh mì, kinh tế khá giả, ban đêm làm bánh mì để giao cho khách, còn ban ngày kê những tấm ván làm bánh thành bàn học. Má dắt tôi lũn tũn từ nhà sang lớp học. Ở Tân đảo dùng nhiều ngôn ngữ, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng bản địa của người da đen nhưng người Việt vẫn dùng tiếng Việt. Trẻ con học đến hết lớp 5 bằng tiếng Việt sẽ vào trường Pháp để học bằng tiếng Pháp như mấy bà chị của tôi.

Khi người Pháp đưa phu người Việt sang Tân đảo làm cho các chủ đồn điền dừa, ca cao hay làm mỏ, lúc đầu họ coi người Việt như những con vật nhưng không thấy ba tôi kể lại chuyện đó bao giờ. Còn má tôi được sinh ra ở trên Tân đảo rồi, sướng từ nhỏ nên không biết khổ là thế nào.

Đội bóng nữ của người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Đội bóng nữ của người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Những đặc sản của Tân đảo

Hết thời hạn hợp đồng mộ phu 5 năm, khi được tự do, giải phóng ra khỏi các hợp đồng thì mỗi người một nghề, phần lớn là xoay sang làm tiểu thương. Khi người Việt được tự do thì dân da đen lại đến làm thuê, người Việt trở thành chủ.

Chỗ tôi ở là Port Villa, thủ đô của đảo quốc Vanuatu sau này. Gia đình tôi thuộc vào dạng kinh tế trung bình với ngôi nhà có sàn làm bằng xi măng, tường gỗ, mái tôn nhưng có ô tô, có radio, có máy quay đĩa, có xe đạp, có máy khâu, có đồng hồ treo tường.

Nhà tôi ở vùng ngoại thành, cách trung tâm khoảng 4 - 5km, mỗi lần ra đó đều phải đi ô tô. Nhà bác tôi ở trung tâm sống theo kiểu Tây, có điện, có toa lét tự hoại, còn nhà tôi sống kiểu nông thôn, không có điện, phải dùng đèn bão, hố xí vẫn kiểu tự đào, nhưng giống nhau đều ở chỗ giường đều có đệm, dù độ sang trọng thì khác nhau. Nói chung đời sống vật chất và tinh thần thì không giàu được như ai nhưng không phải lo lắng gì.

Cua dừa - một đặc sản của Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Cua dừa - một đặc sản của Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Bếp nhà tôi có gian trống, mẹ tôi treo đầy chuối và đu đủ chín, ai đi qua cứ việc ăn, ăn không hết thì lại vứt cho gà. Đất ở Tân đảo tốt đến mức trồng khoai, trồng sắn chỉ cần cắm thân xuống là có củ. Dân Việt không làm chủ đất mà là của các chủ đồn điền cũ người Pháp, đất rộng người làm cứ ở, cứ khai phá. Chủ đồn điền người Việt quen gọi là ông Phùa có nhiều vợ trong đó có một vợ người Việt nên tất cả người Việt sống ở trên đất của ông đều được chấp nhận.

Ba gia đình chúng tôi gồm có ông bà ngoại ở với cậu, bà bác và nhà tôi sống trên một khoảnh đất rất rộng. Một bên ông làm lò bánh mì, một bên làm nhà ở, có cái téc nước to như téc đựng xăng dầu bây giờ, chuyên đựng nước mưa để mấy nhà dùng chung. Buổi sáng chúng tôi ăn bánh mì với các món do má tôi chế biến. Bơ sữa là chuyện bình thường. Tôi rất nhớ mấy món má tôi làm như xốt gạch cua dừa.

Những con cua dừa lớn nặng một vài cân, chúng có cái bầu lớn chứa rất nhiều gạch, đem làm xốt phết bánh mì ăn rất tuyệt. Món trưa, tối thỉnh thoảng có thịt dơi nấu cà ri. Sườn cừu là món đắt nhất trong các món thịt, hàng tuần mẹ tôi đều mua về rán cho cả nhà ăn. Chim, cò có rất nhiều loại trong rừng, còn cá thì bơi đặc quanh đảo, má tôi hay mua con thiết lình - loại giống như con nhệch ở sông, suối dài cả mét, ăn rất ngon. Má tôi khéo tay lại hay chế biến. Cứ hôm nào có món thiết lình như thế là có đại tiệc.

Thanh niên người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Thanh niên người Việt ở Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Quả su su vãi ra vườn là tự mọc mầm rồi leo thành cây, quả nhiều ăn không xuể, già lại rụng xuống, bà ngoại tôi thường đi nhặt về nấu cám cho lợn. Bánh mì thừa trong ngày làm mà bán không hết bà cũng cho lợn ăn. Những con lợn nuôi được như thế lại dành cho bữa liên hoan của đại gia đình. Cứ đôi ba tuần ông bà ngoại tôi lại gọi con dâu, con rể cùng các cháu về. Cánh đàn ông thì chọc tiết, cạo lông, xẻ thịt lợn còn cánh đàn bà thì nấu ăn.

Mấy ông anh họ được dịp lại lấy xe Jeep của cậu tôi chở cả lũ trẻ vào các đồn điền, hái hàng bao cam, bao bưởi, bao quýt hay những thứ quả ăn được. Các chủ Pháp trồng, nhưng người Việt vào đó xin được chứ không cần phải mua vì có rất nhiều, ăn không hết.

Quang cảnh một cuộc họp của người Việt tại Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Quang cảnh một cuộc họp của người Việt tại Tân đảo. Ảnh: Tư liệu.

Họ nhà ngoại có 4 gia đình, nhà nào cũng 8 - 9 người con, trừ mỗi cậu tôi có 5 con, tất cả anh em đều tụ họp những dịp như vậy. Bởi thế khi về Việt Nam những người thân thiết nhất chính là những người bên ngoại vì lúc bé tôi cùng vui đùa, cùng lớn lên với họ. Tôi nhớ hồi ấy có một chuyến đi nhổ răng, chúng tôi đi bằng xuồng máy đến bệnh viện “Ăng lê” sáng loáng của người Anh, được bác sĩ chăm sóc rất thân thiện và nhẹ nhàng.

Ngày đó, ở Tân đảo, chế độ vẫn phân cấp, thứ nhất là da trắng, thứ nhì là da vàng tức người Việt, thứ ba là da đen nhưng vẫn có những đàn ông Pháp lấy vợ Việt và đàn bà Pháp lấy đàn ông Việt.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.