| Hotline: 0983.970.780

Dừa Bình Định với thị trường tỷ đô: Tự tin với dòng sản phẩm hữu cơ

Thứ Hai 16/09/2024 , 08:00 (GMT+7)

Với khoảng 3.000ha dừa xiêm uống nước hầu hết được canh tác theo hướng hữu cơ, Bình Định tự tin tham gia xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Theo chân ông Võ Đình Trí, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, chúng tôi đến thăm vườn dừa hữu cơ có diện tích 1,5ha của anh Lưu Anh Vũ (33 tuổi) ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát). Tán của hàng trăm cây dừa 8 năm tuổi, buồng sai trĩu quả như những cây dù khổng lồ che hết cái nắng gay gắt trên đầu.

Vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ của anh Lưu Anh Vũ. Ảnh: V.Đ.T.

Vườn dừa canh tác theo hướng hữu cơ của anh Lưu Anh Vũ. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Vũ, trong những năm đầu, vườn dừa của anh được chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, chưa được chăm sóc theo hướng hữu cơ như bây giờ. Những kỹ thuật này anh học được từ lớp tập huấn do Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát tổ chức.

Chủ vườn này cho biết, nói chăm sóc dừa theo hướng hữu cơ nhiều nông dân cứ ngỡ là xa vời lắm, nhưng thật ra cũng rất đơn giản và mang lại lợi nhuận rõ rệt.

“Tôi tận dụng phụ phẩm của chính cây dừa như mụn dừa, vỏ dừa khô, lá dừa khô ủ với phân chuồng để bón cho cây dừa. Mỗi năm tôi bón 2 đợt phân hữu cơ, 1 lần vào đầu mùa mưa và 1 lần sau mùa mưa. Mỗi lần bón phân, 1 gốc dừa tôi bón từ 8-10kg. Mỗi tháng tôi bơm thuốc phòng trừ các loại bọ cho dừa bằng thuốc sinh học 2 lần vào đầu tháng và giữa tháng. Một năm làm bồn cho mỗi gốc dừa 3 lần, bồn có nhiệm vụ giữ phân giữ nước cho cây, đất vét bồn được đắp vun gốc cho cây dừa. Cây dừa cũng được tưới nước mỗi ngày, lượng nước tưới đủ đảm bảo giữ độ ẩm cho đất chứ không để thừa”, anh Vũ cho hay.

Nếu như trước cây 1 cây dừa mỗi năm cho khoảng 80 quả/năm thì nay cho hơn 100 quả/năm. Khi quả dừa đến thời điểm có cơm thì nước dừa rất ngọt, người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Phụ phẩm của cây dừa được nông dân tận dụng ủ với phân bò làm phân hữu cơ. Ảnh: V.Đ.T.

Phụ phẩm của cây dừa được nông dân tận dụng ủ với phân bò làm phân hữu cơ. Ảnh: V.Đ.T.

Có nhiều người dân địa phương đến vườn nhà anh Vũ, chọn mua đứt cây dừa trong thời gian 1 năm với giá 800.000đ/cây. Mỗi năm, 1 cây dừa cho năng suất bình quân 100 quả, mỗi quả dừa có giá 8.000đ. Người có nhu cầu sử dụng trong gia đình thì mua ít cây, người bán lẻ thì mua nhiều cây để có thu hoạch đều đều. Bán dừa xong, tôi chỉ việc lo chăm sóc chứ không lo đầu ra của sản phẩm. Suốt năm, khi dừa cho buồng đúng độ thu hoạch, tôi gọi điện cho người mua đến hái. Bây giờ dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tôi tin giá dừa uống nước sẽ không còn bấp bênh vì phải lệ thuộc vào mùa mưa hay mùa nắng như trước đây”, anh Vũ phấn khởi chia sẻ.

Theo ông Võ Đình Trí, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, hiện nay, hầu hết diện tích 1.200ha dừa xiêm uống nước ở huyện này đều đã được nông dân chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ trên cơ sở quy trình do Sở NN-PTNT Bình Định ban hành.

Ông Trí tự tin cho rằng, dừa xiêm uống nước của huyện Phù Cát nói riêng và của tỉnh Bình Định nói chung đáp ứng được các yêu cầu của nước nhập khẩu là Trung Quốc, vì hầu hết được chăm sóc theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Anh Võ Ngọc Huynh, người mua đứt 1 cây dừa của anh Lưu Anh Vũ trong thời gian 1 năm. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Võ Ngọc Huynh, người mua đứt 1 cây dừa của anh Lưu Anh Vũ trong thời gian 1 năm. Ảnh: V.Đ.T.

“Nhờ tận dụng phụ phẩm từ cây dừa và phân chuồng làm phân hữu cơ để chăm sóc cho cây dừa, nên chi phí đầu tư cho dừa được giảm thấp. Vườn dừa 100 cây của tôi mỗi năm cho thu nhập thấp nhất cũng 80 triệu đồng, trong khi chi phí tiền điện tưới nước và thuốc BVTV sinh học chỉ khoảng 20 triệu đồng, mỗi năm tôi cầm chắc tiền lãi từ 100 cây dừa là 60 triệu đồng”, anh Lưu Anh Vũ ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát), chia sẻ.

“Dải đất cát ven biển Nam Trung bộ có thể phát triển diện tích chuyên canh cây dừa uống nước lên đến 300.000 - 400.000ha”, TS. Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.