| Hotline: 0983.970.780

Dựa vào dân để phòng cháy chữa cháy rừng

Thứ Tư 04/06/2014 , 09:23 (GMT+7)

Đó là một trong những giải pháp quan trọng của lực lượng bảo vệ rừng (BVR) tỉnh Thanh Hóa nói chung, BQL Rừng phòng hộ Tĩnh Gia nói riêng đã và đang triển khai trong đợt cao điểm nắng nóng này.

BQL RPH Tĩnh Gia được giao quản lý, sử dụng hơn 6.163 ha/17.505 ha rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện; trong đó, đất có rừng 5.690 ha; đất chưa có rừng 473 ha. Những năm trước đây, đặc biệt là năm 2010 Tĩnh Gia được coi là một trong những điểm nóng ở xứ Thanh về cháy rừng với hàng chục vụ xảy ra mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay nhờ chủ động thực hiện các giải pháp nên cháy rừng được hạn chế tối đa.

Ông Nguyễn Hữu Thường, Trưởng BQL RPH Tĩnh Gia nói: “Muốn BVR, PCCCR hiệu quả thì phải dựa vào dân. Bởi chỉ có họ mới hiểu rừng, nắm bắt được các đối tượng phá rừng, đưa vật liệu gây cháy vào rừng để ngăn chặn kịp thời. Ban đã giao khoán 917 ha thông cho các hộ dân quản lý, phát dọn thực bì 2 lần/năm nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập; đồng thời, nâng cao nhận thức, nghĩa vụ BVR cho họ”.

Anh Hồ Sỹ Sơn, thôn Thành Công, xã Nguyên Bình cho biết, gia đình anh nhận khoán bảo vệ, khai thác 7,5 ha thông từ BQL RPH Tĩnh Gia. Mấy năm nay, ngoài thu nhập từ SXNN diện tích rừng trên đã mang lại hàng chục triệu đồng để gia đình anh trang trải cuộc sống, nuôi con cái ăn học.

Ông Lê Thế Long, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa:

Để hạn chế cháy rừng thì phải làm tê liệt “tam giác lửa” gồm: Vật liệu cháy, ôxi và nguồn lửa. Tuy nhiên, yếu tố khó kiểm soát nhất là nguồn lửa bởi cái này hoàn toàn do chủ quan. Nếu một người dân vô tình đi chăn trâu, chăn bò, đốt ong hoặc xử lý thực bì gây cháy rừng thì không đáng ngại nhưng nếu đó là đốt rừng thì không chỉ lực lượng kiểm lâm mà cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc quyết liệt để điều tra, ngăn chặn.

“Với tôi “rừng là vàng” nên việc BVR, PCCCR không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ tôi phải thực hiện để giữ lấy miếng cơm manh áo của gia đình, cũng là góp phần hạn chế biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ”, anh Sơn nói.

Đối với diện tích rừng BQL đang bảo vệ, giải pháp của BQL là huy động lực lượng làm mới 60 km đường băng cản lửa kết hợp đường tuần tra BVR; thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng lực lượng chữa cháy rừng từ xã đến thôn; phối hợp với UBND huyện Tĩnh Gia tổ chức diễn tập PCCCR cho các địa phương;

Đồng thời, cung cấp số điện thoại của ban cho anh em, bạn bè, thậm chí những người bán hàng rong, bán nước, khi phát hiện thấy đối tượng mang lửa vào rừng hoặc cháy rừng thì gọi điện báo ngay cho đơn vị để kịp thời xử lý.

“Quan trọng nhất là phải theo dõi diễn biến thời tiết, xác định thời điểm có nguy cơ cháy để phân công lực lượng trực 24/24h; phối hợp Hạt Kiểm lâm cho anh em tuần tra bằng xe máy; luôn luôn sẵn sàng thiết bị, phương tiện PCCCR”, ông Thường nhấn mạnh.

Từ đầu năm đến nay diện tích do BQL RPH Tĩnh Gia quản lý chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. Tuy nhiên, nguy cơ cháy thời gian tới vẫn đang tiềm ẩn và nếu xảy ra cháy thì sẽ rất nan giải. “Vì vậy chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có dấu hiệu đốt phá rừng nhằm làm gương, răn đe các đối tượng khác”, ông Thường nói.

Giám đốc BQL cũng cho rằng, không chỉ ban mà các cấp chính quyền cũng cần nâng cao cảnh giác, không để tái lập tình trạng đốt rừng như năm 2010, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh môi trường, ANTT trên địa bàn.

Được biết, năm 2010 trên địa bàn Tĩnh Gia xảy ra 22 vụ cháy, thiệt hại hơn 283 ha rừng. Trong đó, nhiều diện tích bị đốt bằng mồi hương, que diêm do những mâu thuẫn lợi ích từ nghề rừng.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).