Chúng tôi ước được như lương tối thiểu!
Đời sống của người nông dân còn nhiều khó khăn |
Mấy anh bạn thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, trở về với ruộng đồng, quê hương cày sâu, cuốc bẫm, đã mạnh dạn tâm sự với tôi như vậy. Quả thật, ban đầu tôi không tin! Nhưng sau khi đặt bút kê các khoản thu nhập, gồm:
- Thu nhập từ 1 sào lúa sau khi trừ các khoản đầu tư, phí và lệ phí phải nộp còn lại 90.000 – 100.000 đồng.
- Chăn nuôi con lợn sau 4 – 6 tháng bán được 1 triệu đồng, trừ mọi chi phí như tiền con giống 200 – 300.000 đồng, tiền rau cám mất 400.000 đồng, tiền thuốc tiêm phòng dịch bệnh, tiền thuế sát sinh, tiền chi phí đầu tư chuồng trại… 100 – 150.000 đồng. Tính đúng, tính đủ người nông dân thu được 200 – 250.000 đồng tiền công sau 4 – 6 tháng chăn nuôi.
Cộng với tiền thu từ lúa, họ có trong tay 290 – 350.000 đồng trong 6 tháng vất vả một nắng hai sương. Số tiền trên đem chia cho 6 tháng, họ có thu nhập vỏn vẹn 2.000 đồng/ngày, đấy là chưa kể nắng hạn, dịch bệnh, giá cả bấp bênh đang ngày ngày đe doạ, rình rập!
Đem được hạt thóc củ khoai về nhà sau khi phơi khô, quạt sạch; bán được con lợn cầm tiền trong tay chưa hẳn đã là của mình. Lúc ấy, người nông dân bắt đầu tính toán các khoản phải nộp cho địa phương, như thuỷ lợi phí; tiền bảo vệ; tiền trả lương cán bộ thôn, bản; phí dịch vụ HTX; quỹ quốc phòng; quỹ phòng chống thiên tai; quỹ trẻ thơ; quỹ công ích; quỹ vì người nghèo; quỹ đền ơn đáp nghĩa; quỹ hội phụ huynh, ...
Nghe các anh đọc lên mắt tôi hoa lên, tai ù đặc không còn nghe được thêm gì nữa. Thì ra điều ước của các anh, mong được hưởng chỉ bằng lương tối thiểu của cán bộ, công chức nhà nước nghe ra còn xa vời lắm…
Và các loại phí, lệ phí phải nộp
Như để chứng minh cho các khoản phí và lệ phí phải nộp trong năm, mấy anh bạn mang cho tôi xem quyển sổ ghi tên các danh mục phải đóng góp trong năm bao gồm: Phí vệ sinh môi trường; phí giao thông thôn xóm; quỹ an ninh; quỹ xây dựng hội trường thôn; tiền xây dựng nghĩa trang; quỹ hiếu hỷ; tiền xoá đói giảm nghèo; tiền xoá nhà tạm bợ, dột nát; quỹ xây dựng trường; quỹ khuyến học; phí nước thải sinh hoạt ... tất cả các loại phí và lệ phí thu này đã được địa phương "luật hoá" thông qua nghị quyết của HĐND xã.
UBND xã mở sổ theo dõi các khoản này, để làm căn cứ khi công dân giao dịch với chính quyền. Rồi còn bao khoản không tên như đóng góp xây chùa, mở miếu; ủng hộ thiếu nhi; ủng hộ người cao tuổi; ủng hộ đội bóng đá, bóng chuyền; đóng góp xây dựng họ tộc… đang đè nặng lên hạt thóc củ khoai, đè nặng lên đôi vai gầy của người nông dân hết năm này qua năm khác, buộc họ phải lao động cật lực, có củ lạc tốt, hạt đậu tốt, con gà, con vịt, quả trứng đều phải mang ra chợ bán để may ra đủ đóng góp.
Nhìn các khoản phải nộp này, tôi chợt nhớ câu nói của một nhà nghiên cứu về nông dân rằng: Người nông dân được ăn thịt gà, khi con gà ốm không bán được hoặc khi người nông dân ốm!
Hệ luỵ của việc không đóng nộp đầy đủ
Khi ngồi trao đổi với các bạn, tôi hỏi tại sao các ông không căn cứ vào quy định của nhà nước về các loại thuế, quỹ và các lệ phí theo quy định của pháp luật, đã được báo chí và các phương tiện công bố?
Một anh bạn vội lên tiếng: Ngày xưa ông thông minh là vậy, mà bây giờ chẳng hiểu gì thực tế cơ sở cả. Tất cả các khoản đóng góp đã được thông qua thành “luật làng” rồi, có nghị quyết HĐND ban hành hẳn hoi, ai không chấp hành nghị quyết coi như vi phạm, sẽ dễ mất quyền... công dân.
Bọn tôi khổ lắm ông ơi! Muốn đi công chứng hay xin chứng nhận lý lịch, cắt chuyển hộ khẩu, giấy tờ cho con đi học, đi làm, chứng thực vay vốn ngân hàng… khi đi nhớ mang theo cuốn "sổ đinh”. Nếu đã được ghi trong sổ là đã nộp đầy đủ các khoản, mới được giao dịch, được chứng nhận, còn nếu còn thiếu dù chỉ một khoản, mời về nộp cho đủ rồi họ mới chứng nhận cho.
Tôi nhớ cách đây không lâu, trời mưa tầm tã, có anh bạn lính đội mưa ướt hết từ đầu đến chân, tay cầm một túi ni lon, bên trong đựng giấy tờ, anh đến tìm tôi, nhờ công chứng hộ tấm giấy khai sinh và mấy tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và bằng chuyên nghiệp.
Tôi hỏi có bằng gốc rõ ràng, sao ông không đến huyện mình cho gần, lại mất công lặn lội lên đây cho khổ? Anh bạn tôi thật thà: Mình chưa đồng tình với mấy khoản đóng góp vô lý, nên họ không công chứng cho, hơn nữa mai cháu phải đi rồi, đánh bạo nhờ ông may ra còn kịp!
Tôi đội mưa đi công chứng cho bạn mà lòng quặn thắt. Một anh bạn xin chứng nhận lý lịch cho con, cơ sở không cho, hắn đòi xã ghi vào lý do không cho, để mang lên tỉnh hỏi. Thì ra hạt thóc, củ khoai của bà con làm ra không chỉ mặn chát mồ hôi mà còn đẫm cả nước mắt cay đắng vì những “lệ làng” như trên.
Xin đừng bắt hạt thóc, củ khoai “cõng” phí Nếu hỏi rằng trong xã hội ta hiện nay, ai là người khó nhọc nhất, thu nhập thấp nhất, chắc chắn rằng cả ngàn người được hỏi đều trả lời ngay không cần suy nghĩ, đó là nông dân. Nông dân là lực lượng chiếm đa phần xã hội hiện nay! Nông dân là lực lượng lao động hùng hậu, nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH đất nước! Nông dân sản xuất ra lúa gạo nuôi sống xã hội, nơi cung cấp nguồn nguyên liệu cho công nghiệp. Đất nước ta đi lên từ nông nghiệp, vẫn biết rằng; “Phi thương bất phú, Phi trí bất hoạt”. Nhưng nếu “Phi nông sẽ bất ổn”. Lịch sử Việt Nam từ ngàn đời nay luôn lấy dân làm gốc, khi dân còn nghèo khó, thì khoan thư sức dân, là kế sâu rễ, bền gốc. Hãy xin đừng bắt hạt thóc, củ khoai nhọc nhằn “cõng” thêm nhiều loại phí. |