Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán, những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã đầu tư phát triển mô hình nuôi gà trống tơ cúng Tết. Hướng đi này cho hiệu quả kinh tế khá cao, giúp nhiều gia đình có khoản thu nhập để chi tiêu trong dịp Tết Nguyên đán.
Đây là năm thứ 3 ông Nguyễn Văn Điển (trú thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc) chuyển từ mô hình nuôi gà thịt sang gà trống tơ cúng Tết. Năm nay, 2 trại của ông Điển dự tính sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 con gà trống với mẫu mã đẹp, đáp ứng được tiêu chuẩn để người tiêu dùng làm mâm cỗ cúng dịp Tết
Theo ông Điển, để lứa gà xuất bán đúng thời điểm dịp Tết, gà giống được mua về và thả nuôi từ tháng 8 âm lịch. Trước khi thả, chuồng trại được tiêu độc, khử trùng, vệ sinh sạch sẽ nhằm hạn chế rủi ro dịch bệnh. Gà giống cũng được lựa chọn từ những cơ sở kinh doanh uy tín, được tiêm phòng vacxin đầy đủ. Tùy điều kiện, diện tích nuôi của mỗi gia đình mà thả nuôi theo các hình thức nhốt chuồng hoặc bán hoang dã.
“Trước đây tôi cũng đã có kinh nghiệm nhiều năm nuôi gà thịt nên khi chuyển qua nuôi gà trống tơ cũng không mấy khó khăn. Gà mùa này thường hay mắc các bệnh cúm và đường ruột nên cần để ý để phòng bệnh. Đối với nuôi gà trống tơ, mỗi năm chỉ nuôi được một vụ Tết này thôi. Tuy nhiên, đầu ra của mặt hàng này rất ổn định, thường được thương lái bao tiêu toàn bộ ngay từ lúc vào giống nên không cần lo lắng, chỉ tập trung để chăm sóc gà phát triển khỏe mạnh, kiểu dáng đẹp là được”, ông Điển chia sẻ.
Cũng theo ông Điển, với 3.000 con gà trống tơ, toàn bộ chi phí từ giống, thức ăn, vacxin phòng bệnh... ông đầu tư hết khoảng 400 triệu đồng. Khi gà đạt trọng lượng từ 2 – 2,5kg là có thể xuất bán. Hiện gà trống tơ cúng Tết đang được thương lái đặt mua với giá trên dưới 90.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông ước lãi ròng gần 150 triệu đồng.
Theo các hộ chăn nuôi, gà trống tơ cúng thường là giống gà Mía với ưu điểm có bộ lông đẹp, chân vàng, mào cao, to và đỏ đậm. Để gà săn chắc, thịt thơm ngon, ngoài sử dụng cám công nghiệp cần bổ sung thêm các loại thức ăn khác như rau, cám, lúa, ngô…
Tại trại nuôi của ông Nguyễn Văn Quang (thôn Đại Quý, xã Tam Lộc), 1.000 con gà trống tơ cũng đã sẵn sàng để cung ứng cho thị trường vào dịp cuối năm. Ông Quang cho biết, gà nuôi ở địa phương những năm qua thường được các thương lái từ TP Đà Nẵng vào thu mua rồi chuyển đi nhiều địa phương khác tiêu thụ. Với số lượng nói trên, tổng khối lượng xuất bán gà dịp Tết này khoảng hơn 2 tấn, doanh thu đạt 180 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Quang ước lãi từ 40 – 50 triệu đồng.
“Gà trống cúng Tết có giá bán cao hơn, lãi hơn so với gà thịt nhưng đòi hỏi người nuôi phải chăm sóc kỹ hơn. Vì đặc điểm toàn bộ gà nuôi là gà trống nên cần phải chú ý bố trí chuồng nuôi, sàn đậu, cung cấp thức ăn đầy đủ, nước uống và giám sát thường xuyên để gà khỏi cắn nhau làm hỏng bộ lông, mào. Đồng thời, phải kiểm soát tốt dịch bệnh vì thời điểm cuối năm thời tiết thường có mưa lạnh thất thường, dễ tạo điều kiện cho các loại virus phát triển”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Văn Lành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Lộc cho biết: “Những năm gần đây, thị trường gà trống cúng trong dịp Tết tăng mạnh, tận dụng lợi thế ở địa phương, một số nông dân đã mạnh dạn thí điểm chuyển đổi mô hình nuôi gà trống tơ bán vào dịp Tết, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn xã có gần 10 hộ nuôi gà trống tơ cúng Tết với tổng đàn hơn 22.000 con. Tới đây, chúng tôi sẽ khảo sát, đánh giá hiệu quả của mô hình này để nhân rộng trên địa bàn xã”.