| Hotline: 0983.970.780

Gập ghềnh đường về quê: Dở dang giấc mộng Nam tiến

Thứ Hai 24/01/2022 , 06:28 (GMT+7)

Cũng như nhiều thanh niên khác ở làng biển Tây Tân An, Phan Thị Thương rời quê vào miền Nam tìm kiếm cơ hội việc làm với mong muốn có cuộc sống tốt hơn.

Sau nhiều năm bôn ba ở miền Nam, nay anh Chung lại trở về với nghề biển để kiếm sống. Ảnh: Công Điền.

Sau nhiều năm bôn ba ở miền Nam, nay anh Chung lại trở về với nghề biển để kiếm sống. Ảnh: Công Điền.

Thế rồi đại dịch Covid-19 ‘quét’ qua buộc cô gái miền biển này hoà vào dòng người chạy dịch trở về quê khi bao ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ vẫn còn ở phía trước.

Bán sức giá "bèo"

Từ lâu, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam được coi là “bến đỗ” của hàng ngàn lao động trẻ của tỉnh Quảng Trị và huyện Hải Lăng.

Vừa học xong cấp 3, Phan Thị Thương ở làng biển Tây Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã rời quê nhà vào tỉnh Bình Dương làm công nhân cho Công ty Giày da Liên Phát. Cuộc sống công nhân dù vất vả nhưng đối với một cô gái đến từ miền quê nghèo như Thương thì vẫn tạm ổn.

Thế rồi đại dịch Covid-19 quét qua, với tâm điểm là ở thành phố Hồ Chí Mình sau đó lan ra các tỉnh thành miền Nam khác, trong đó có Bình Dương. Hoạt động của công ty nơi Thương đang làm công nhân bị ngưng trệ nhiều tháng liền. Thu nhập không có và lo lắng trước viễn cảnh không mấy sáng sủa, Thương đã cùng với một số đồng hương rong ruổi hàng ngàn cây số trên chiếc xe máy để trở về quê sau chưa đầy một năm vào miền Nam.

Từ một người có thu nhập ổn định từ 6-7 triệu đồng/tháng nay về quê thất nghiệp khiến cuộc sống của cô gái quê biển đảo lộn. Khó khăn giờ lại chồng chất khó khăn khi cha mẹ cũng làm công nhân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế với đồng lương bèo bọt.

Nhiều tháng liền thất nghiệp phải sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập của cha mẹ nên đầu tháng 11/2021 vừa qua, khi có một xưởng may về quê tuyển lao động Thương đã nộp đơn ứng tuyển ngay. Tuy được nhận vào làm nhưng với tiền lương được xưởng may trả khoảng 3 triệu/tháng không thấm tháp gì so với nhu cầu hàng ngày.

Dù cuộc sống ở quê được gần cha mẹ nhưng Thương vẫn mong dịch qua nhanh để trở lại miền Nam làm việc. Ảnh: Công Điền.

Dù cuộc sống ở quê được gần cha mẹ nhưng Thương vẫn mong dịch qua nhanh để trở lại miền Nam làm việc. Ảnh: Công Điền.

Những ngày gần đây, dù đi làm ở xưởng may nhưng Thương vẫn hàng ngày lên mạng tìm kiếm thông tin và hỏi thăm bạn bè, người thân ở miền Nam về tình hình dịch Covid-19. “Em chỉ mong dịch qua nhanh để trở vào miền Nam làm việc chứ làm ở quê dù biết gần nhà nhưng lương thấp quá”, Thương bộc bạch.

Theo ông Cáp Xuân Tá, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, nhằm hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm ở các tỉnh, thành phía Nam trở về quê hiện đang gặp khó khăn về việc làm, huyện làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động và giới thiệu, kết nối việc làm cho các lao động có nhu cầu việc làm.

Qua khảo sát, có 2 doanh nghiệp tuyển dụng 300 lao động nghề may. Đến nay, có 320 lao động từ các tỉnh, thành trở về địa phương đã có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Dù chính quyền địa phương đã cố gắng tìm kiếm, kết nối với các doanh nghiệp để tuyển dụng lao động phía Nam trở về quê tránh dịch. Tuy nhiên thực tế người lao động vẫn không mặn mà lắm với công việc ở quê.

Dù có một số doanh nghiệp ở Quảng Trị đang tuyển việc làm nhưng vẫn không có sức hút đối với lao động địa phương. Ảnh: Công Điền

Dù có một số doanh nghiệp ở Quảng Trị đang tuyển việc làm nhưng vẫn không có sức hút đối với lao động địa phương. Ảnh: Công Điền

Số liệu thống kê của UBND huyện Hải Lăng cho thấy: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, toàn huyện đã có trên 1.000 lao động đã quay trở lại các tỉnh, thành phố để tiếp tục làm việc; dự kiến có khoảng 70% lao động trở lại các tỉnh, thành phố để làm việc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và tình hình dịch được kiểm soát.

Điều đó cho thấy rằng, miền Nam vẫn là đích đến của nhiều lao động ở huyện Hải Lăng nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

 “Mong dịch qua nhanh để trở vào miền Nam”

Rời làng Tây Tân An, chúng tôi đến làng biển Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng. Cũng như nhiều thanh niên ở làng biển Thâm Khê, với ước mơ thoát khỏi cảnh “hồn treo cột buồm”, anh Trần Văn Chung quyết tâm tìm đường vào Nam lập nghiệp khi vừa rời ghế nhà trường.

Cuộc sống công nhân xa nhà dù khó khăn với bao bộn bề lo âu nhưng đối với chàng trai quê biển này vẫn còn có nhiều cơ hội hơn. Sau khi gặp chị Trần Thị Cẩm Nhung, là người cùng quê. Chung cảnh ngộ tha hương đi làm công nhân xa nhà, 2 người tìm hiểu và trở thành vợ chồng.

Nhiều lao động trẻ ở các làng biển Quảng Trị chọn miền Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm bởi cuộc sống ở quê khó khăn hơn nhiều. Ảnh: Công Điền.

Nhiều lao động trẻ ở các làng biển Quảng Trị chọn miền Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm bởi cuộc sống ở quê khó khăn hơn nhiều. Ảnh: Công Điền.

Sau khi kết hôn, lần lượt 2 đứa con ra đời. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, gia đình nhỏ 4 người thuê trọ trong khu dân cư dành cho công nhân ở thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương để sinh sống. Hàng ngày 2 vợ chồng anh Chung và chị Nhung bán trái cây dạo khắp các địa phương của Bình Dương. Dù không dư giả gì nhiều nhưng vợ chồng anh Chung vẫn cảm thấy hài lòng khi có "đồng ra, đồng vào" so với ở quê nhà.

Cuộc sống tưởng cứ êm đềm trôi qua thì đùng một cái dịch Covid-19 xuất hiện.

Nhiều địa phương ở miền Nam, trong đó có Bình Dương thực hiện giãn cách mấy tháng liền khiến thu nhập sụt giảm. Không những thế, hàng ngày chứng kiến nhiều cái chết thương tâm do dịch Covid-19 khiến người cha có 2 đứa con nhỏ này rùng mình. “Lo sợ cho những đứa con còn quá nhỏ, vợ chồng tôi quyết định chạy xe máy về quê giữa những ngày đỉnh điểm của dịch. Sau 2 ngày 2 đêm với bao vất vả nhọc nhằn cả gia đình cũng về được quê”, anh Chung chia sẻ.

Về quê trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, nhà cửa không có bởi khi vào Nam với dự định sẽ ở lại ổn định trong này, gia đình nhỏ của anh Chung và Nhung phải đành tá túc ở cha mẹ ruột. Để chăm lo cho cả gia đình với 4 miệng ăn, bất đắc dĩ anh Chung phải trở về với nghề đi biển, còn người vợ thì tảo tần buôn bán mớ tôm, con cá do chồng đánh bắt được sau mỗi chuyến biển.

Đó là khi thời tiết tốt. Còn khi biển động thì cả gia đình anh Chung đành “bó gối” nhìn xa xăm về phương Nam và mong dịch qua nhanh để có cơ hội trở lại, như lời tâm sự dí dỏm của người đàn ông quê biển này. "Cuộc sống ở quê chủ yếu là làm biển. Với lại thu nhập từ nghề biển vùng bãi ngang cũng không nhiều nên vất vả so với hồi ở Bình Dương lắm anh à. Đổi lại, về quê giữa thời điểm dịch dã này cũng bớt lo cho con cái hơn vì chúng còn quá nhỏ”, anh Chung tâm sự.

Theo UBND huyện Hải Lăng, toàn huyện hiện có 173 doanh nghiệp, sử dụng trên 2.500 lao động, nhưng phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, sử dụng ít lao động nên việc tiếp nhận số lao động tại các tỉnh, thành trở về quê do đại dịch Covid-19 còn hạn chế so với nhu cầu.

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh, thành phía Nam diễn biến phức tạp, số lượng người dân trở về địa phương lớn tạo sức ép về giải quyết việc làm, và an sinh xã hội trên địa bàn.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.