| Hotline: 0983.970.780

Gặp ông "bẩy vàng một bạc"

Thứ Sáu 31/01/2014 , 06:40 (GMT+7)

Cho đến nay, sau gần 40 năm gắn bó với màn nhung và ánh đèn sân khấu, nhưng NSƯT Huy Tầm vẫn bảo, chỉ có thể dùng bốn chữ "Kỳ ngộ thiên duyên" để nói về cái sự đã đưa ông đến với nghiệp diễn...

Cho đến nay, sau gần 40 năm gắn bó với màn nhung và ánh đèn sân khấu, nhưng NSƯT Huy Tầm vẫn bảo, chỉ có thể dùng bốn chữ "Kỳ ngộ thiên duyên" để nói về cái sự đã đưa ông đến với nghiệp diễn, như là cuộc gặp gỡ ở Nghinh Hương quán của Châu Long - Lưu Bình vậy.

Chỉ có điều cuộc gặp gỡ Châu Long - Lưu Bình diễn ra dưới bàn tay đạo diễn của anh Dương Lễ, còn Tầm vào nghiệp diễn hoàn toàn ngẫu nhiên.

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Liên Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) mà "5 đời chẳng ai theo con đường nghệ thuật". Học xong PTTH (1972), anh nhập ngũ, năm 1974 phải giải ngũ do sức yếu. Về làng, cũng định sẵn một con đường là lấy vợ, sinh con rồi bới đất lật cỏ kiếm ăn.

Nhân một lần đến thị trấn, thấy tấm áp phích của Đoàn Ca - múa - kịch Thái Bình ghi "tuyển diễn viên". Tò mò, ông vào xem. Thấy nhiều người ghi tên thì cũng ghi, cũng vào dự tuyển chứ có một tý hiểu biết nào về nghề đâu.


NSƯT Phạm Huy Tầm đời thường...

Người phụ trách xét tuyển lúc đó là diễn viên Đào Mạnh Hùng (hiện là PGS-TS, Vụ trưởng Vụ Đào tạo của Bộ VHTTDL) đặt ra một chủ đề, bảo ông tự sáng tạo những chi tiết, kết cấu chúng thành một tiểu phẩm rồi tự diễn. Diễn xong, được nhận một mảnh giấy.

Mấy hôm sau, theo lời hẹn trong giấy, Tầm đến rạp Vĩnh Trà. Lần này, Ban tổ chức yêu cầu anh đọc một bài thơ, một đoạn truyện ngắn và cũng ra đề là một tiểu phẩm cho anh diễn. Thực hiện xong, Tầm được hướng dẫn làm hồ sơ. Và thế là cái ước mơ một ngôi nhà ở làng với hai vợ chồng cuốc bẫm cày sâu nuôi một đàn con trứng gà trứng vịt lùi tít tắp lại đằng sau, khi chàng trai làng Phạm Huy Tầm chính thức trở thành diễn viên kịch.

Vừa chân ướt chân ráo vào nghề, đầu năm 1975, Huy Tầm theo anh em bộ môn kịch của đoàn gồm 30 người cả cũ lẫn mới đi dự một lớp tập huấn ngắn ngày do Trường Trung cấp Sân khấu mở ở Mai Dịch (Hà Nội). Vừa tập huấn vừa dựng vở luôn. Đây là vở kịch dài đầu tiên của đoàn, vở "Một người mẹ" của tác giả Đào Hồng Cẩm, do đạo diễn Xuân Đàm dàn dựng.

Tuy đã phân vai xong nhưng sau khi thử năng khiếu của Huy Tầm, đạo diễn quyết định phân lại, giao cho Tầm một vai chính, đó là vai trung úy Long, một Phật tử, một sỹ quan quân đội Sài Gòn được đào tạo ở trường võ bị Đà Lạt. Mới 21 tuổi, chỉ được sống trong quân ngũ 2 năm, chưa từng biết Đà Lạt chứ đừng nói đến biết trường võ bị cũng như chuyện ở đó người ta được đào tạo, được học hành ra sao.

Nhưng nhờ nghiên cứu kỹ kịch bản và tận dụng mọi cơ hội để tìm hiểu từ môi trường sống trong trường cho đến xã hội miền Nam thời kỳ đó…, Huy Tầm đã nhập vai rất tốt. Tháng 6/1975, vở "Một người mẹ" của Đoàn Ca - múa - kịch Thái Bình được công diễn hàng trăm suất tại Nhà hát Lớn Hà Nội và các rạp Đại Nam, Hồng Hà ở Hà Nội, rạp thị xã Hà Đông… đã gây được ấn tượng tốt trong lòng khán giả.

Ý thức được sự thiệt thòi của mình là không được qua trường lớp nên Huy Tầm đã bù lại bằng cách miệt mài học tập trong các lớp tập huấn cũng như trong bất kỳ điều kiện nào có thể học. Những năm đó, năm nào Đoàn Ca - múa - kịch Thái Bình cũng mời những đạo diễn nổi tiếng như: Nguyễn Thành, Nguyễn Đọc, Hoàng Quang Thiện, Minh Ngọc, Minh Nhu… về bổ túc, tập huấn cho anh chị em. Với Huy Tầm, thì đó là những cơ hội vàng để cho anh tự nâng cao kiến thức về nghề cũng như khả năng diễn xuất.

- Tấm huy chương đầu tiên ông nhận được là năm nào? Tôi cắt ngang dòng hồi ức của Huy Tầm.

- Đó là năm 1990, trong vở kịch "Đánh mất mùa xuân" của tác giả Tất Đạt, do đạo diễn Phạm Thị Thành dàn dựng. Trong vở đó, tôi đóng vai bố một kẻ nghiện, một kẻ buôn bán cái chết trắng, bị tử hình. Đây cũng là lần đầu tiên Thái Bình tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn được Huy chương Bạc, và tôi cũng được Huy chương Bạc. Năm 1993, anh Lê Hùng, đạo diễn của Nhà hát Tuổi trẻ về Thái Bình dựng vở "Người không cô đơn" do Bùi Vũ Minh chuyển thể từ bút ký cùng tên của Minh Chuyên. Vở này, tôi được phân vai một thương binh tâm thần. Tại Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp miền Duyên hải phía Bắc, vở được Huy chương Vàng. Tôi được Huy chương Vàng cùng với giải "Nam diễn viên xuất sắc nhất".

Cho đến nay, với gần 40 vai chính trong gần 40 vở diễn của các tác giả cả trong lẫn ngoài nước. Với 7 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, cùng hai giải Nam diễn viên xuất sắc nhất và 1 bằng khen "Nghệ sĩ có nghệ thuật diễn ấn tượng nhất" trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp, khán giả cả nước đã rất quen thuộc với cái tên Huy Tầm diễn viên xuất sắc và Huy Tầm NSƯT (được phong năm 1997).

Đặc biệt là vai Bá Kiến trong vở "Chí Phèo" (Sỹ Hanh chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) do Huy Tầm đóng (công diễn năm 1999), đã được giới phê bình sân khấu coi là "Vai diễn để đời". Huy Tầm bảo:


 ...và vào vai Bá Kiến trong vở "Chí Phèo"

- Đây là một vai trái hoàn toàn với "chất" của tôi. Vì trước nay tôi hoàn toàn chỉ đóng vai chính diện. Bá Kiến là vai phản diện duy nhất mà tôi được phân.

Diễn, tức là nghệ thuật hóa thân của người diễn viên vào vai kịch mà anh ta phải đóng. Giữa diễn viên và vai diễn luôn luôn là một khoảng cách mênh mông về đủ các mặt: Trình độ (vai diễn có thể là tiến sĩ, giáo sư…); địa vị xã hội (diễn viên chỉ là người bình thường nhưng vai diễn có thể là lãnh đạo, là quan chức cấp cao); hoàn cảnh xuất thân (diễn viên gốc nông dân trong khi vai diễn xuất thân quý tộc, quan lại hay tư sản) và nhất là khoảng cách về thời gian, có khi tới hàng trăm năm (nhân vật Vũ Như Tô trong vở kịch cùng tên của Nguyễn Huy Tưởng chẳng hạn). Vì vậy, muốn có một vai diễn thành công, người diễn viên luôn luôn phải vượt qua được những khoảng cách đó.

Bá Kiến, ngoài điển hình cho lớp cường hào địa chủ ác bá, sản phẩm của xã hội nửa thực dân nửa phong kiến Việt Nam trước 1945, còn có những cá tính rất riêng đã được nhà văn Nam Cao khắc họa rất thành công trong danh tác "Chí Phèo".

Truyện ngắn "Chí Phèo" cũng đã ngấm sâu vào mọi tầng lớp người Việt Nam. Bá Kiến đã lên phim, lên kịch, được không ít nghệ sĩ tên tuổi thể hiện. Huy Tầm bảo, để nhập vai Bá Kiến, ông chỉ có một thời gian rất ngắn. Nhưng chính trong khoảng thời gian đó, ông đã cùng đạo diễn Lê Hùng bàn đến nát nước, đã "lật tung" từng chữ trong danh tác Chí Phèo cũng như trong kịch bản, đã nghiên cứu rất kỹ về xã hội, về làng xã Việt Nam cũng như bộ máy cai trị làng xã thời kỳ đó…

Và khi "cụ Bá" với cái dáng đi "ba khúc" đặc biệt được Huy Tầm tạo dáng, oai vệ bước ra từ sau cánh gà… thì tiếng vỗ tay lập tức dội lên từ phía khán giả. Vở diễn đã được trao Huy chương Vàng. Và trong 8 Huy chương Vàng được trao cho 8 diễn viên của 20 đoàn kịch toàn quốc tham gia hội diễn lần ấy, thì đoàn Thái Bình chiếm 2. Nghệ sĩ Thanh Bẩy vai Thị Nở dành 1, chiếc còn lại là của Huy Tầm. Và giải Nam diễn viên xuất sắc nhất lại thuộc về ông.

- Từ diễn viên trở thành NSƯT, thành Trưởng đoàn Ca múa kịch và hiện là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Bình, thời kỳ nào khiến ông thoải mái nhất?

- Lời dạy của cụ Nguyễn Du "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài", quả là sâu sắc, quả là chân lý muôn đời. Sống bằng Tâm, diễn bằng Tâm, lãnh đạo bằng Tâm, giữ cho cái tâm trong sáng, thì lúc nào cũng thoải mái…

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng vô địch Billiards châu Âu: Kỳ tích lịch sử

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng xuất sắc giành chức vô địch giải pool 9 bi quốc tế Jacoby Scottish Open 2024, làm nên lịch sử cho bi-a Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.