Nguồn nước thải, rác thải sinh hoạt đang là mối lo không hề nhỏ đối với hệ thống An Kim Hải |
Kết quả giám sát và phân tích mẫu nước của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường tại 15 vị trí trên hệ thống công trình thủy lợi (CTTL) An Kim Hải qua 10 đợt năm 2018 cho thấy: Trong hệ thống chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ (các hợp chất nito, phốt pho). Rác thải, nước thải từ các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung (nước thải đô thị), khu làng nghề không được xử lý mà xả thẳng ra các kênh dẫn và xâm nhập vào hệ thống.
PGS.TS Nguyễn Tùng Phong – Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cho rằng, trước tình hình như vậy, cần có một số giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm như sau: Đầu tiên là ngoài các văn bản quản lý môi trường nước nói chung tương đối đầy đủ nhưng khi áp dụng vào công trình thủy lợi CTTL gặp nhiều khó khăn do hệ thống An Kim Hải có đặc thù riêng. Vì vậy đối với CTTL An Kim Hải cần bổ sung thêm một số loại văn bản cụ thể như: Văn bản hướng dẫn kiểm soát chất lượng nước trong CTTL, văn bản hướng dẫn quản lý nước thải, chất thải vào CTTL.
Trong đó, văn bản hướng dẫn kiểm soát chất lượng nước trong CTTL cần có đầy đủ các nội dung về kiểm soát chất lượng nước trong hệ thống, phân vùng chất lượng nước và dự báo chất lượng nước; xử lý, khắc phục ô nhiễm trong CTTL… Còn văn bản hướng dẫn quản lý nước thải, chất thải vào CTTL cần có nội dung lên kế hoạch quản lý các nguồn xả thải vào hệ thống, thống kê các nguồn xả thải vào hệ thống bao gồm cả lưu lượng, loại hình, vị trí chất lượng, đánh giá khả năng tiếp nhận nguồn thải của kênh, mương và sông đó để ngăn chăn việc xả thải nước chưa qua xử lý ồ ạt của nhà máy, xí nghiệp xuống hệ thống.
Bên cạnh đó, cần thành lập tổ, đội quản lý về môi trường nước trong Công ty khai thác CTTL gồm các cán bộ có chuyên ngành về môi trường. Giành nguồn tài chính cho công tác giám sát chất lượng nước thường xuyên. Tiến hành mua sắm các trang thiết bị cần thiết như các máy móc về quan trắc chất lượng nước.
Việc thành lập mô hình Quản lý môi trường giữa Công ty TNHH một thành viên khai thác CTTL An Hải phối hợp với xí nghiệp thủy nông huyện Kim Thành cũng là vô cùng cần thiết. Đưa ra các thống nhất về cơ chế quản lý, vận hành hệ thống như quy trình vận hành các cống tưới và tiêu. Tổ chức phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ trong Tổ thực hiện Quản lý Môi trường nước trong hệ thống CTTL An Kim Hải. Cùng đó, thành lập các mô hình quản lý giữa các quận huyện và cấp xã; các tổ chức dùng nước với chức năng bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống.
Ngoài ra, Công ty cần phối hợp với xí nghiệp thủy nông huyện Kim Thành thực hiện một số biện pháp trong điều tiết tưới tiêu để giảm thiểu ô nhiễm nước trong hệ thống thủy lợi như: Mở cống Quảng Đạt và Bằng Lai để lấy nước đầu nguồn nhằm pha loãng nồng độ ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm bị đẩy lùi về phía cuối hệ thống. Mở các cống tiêu cuối hệ thống, tạo dòng chảy để giảm ô nhiễm. Vào những thời điểm nước trên sông Lạch Tray, sông Cấm cao, công ty có thể linh hoạt mở các cống Song Mai và cống Phi Thường để lấy nước bổ sung thau rửa hệ thống.
Công tác điều tra, khảo sát trong thời gian tới cần liên tục hơn |
Công ty cũng cần duy trì hoạt động vớt bèo trên các tuyến kênh cấp I, kênh nhánh và trên sông Rế. Định kỳ hàng tháng tổ chức cho các công nhân thủy nông thực hiện dọn dẹp cỏ rác, phế thải vớt bèo trên kênh, chặt cây phát quang bờ và mái kênh. Thực hiện giám sát tuần tra thường xuyên trên các tuyến kênh, đoạn sông có nguồn xả thải, phân loại nguồn thải, lập danh sách nguồn thải theo tháng bao gồm cả nguồn thải sinh hoạt, nguồn thải chăn nuôi, y tế và nguồn thải công nghiệp.
Cùng đó, tiến hành kè các mái kênh, xây dựng sửa chữa các cống tiêu thoát lắp cửa đóng mở. Cụ thể: kênh Tân Hưng Hồng, kênh Hòa Phong, kênh Hoàng Lâu kênh Đại Hưng cần bổ sung sửa chữa cống tại điểm giao giữa kênh với sông Rế. Đầu tư xây dựng kè bờ sông Rế các đoạn còn lại....
“Cần khẩn trương xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho các trại chăn nuôi lợn, gà, vịt sát ven sông Rế như hầm Bioga... Di chuyển bãi rác tại ngã ba Kim Khê ra khỏi bờ sông Rế. Xây dựng trạm xử lý nước thải tại một số điểm như: Xã Nam Sơn, xã Bắc Sơn huyện An Dương, phường Hùng Vương quận Hồng Bàng” – PGS. TS Nguyễn Tùng Phong đề xuất.
Theo kế hoạch triển khai nghiên cứu của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường những năm tiếp theo, hệ thống thủy lợi An Kim Hải đang có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho toàn bộ TP. Hải Phòng và trong tương lai gần sẽ cấp nước cho cả huyện Cát Hải. Vì vậy, việc giám sát, dự báo chất lượng nước của hệ thống trong thời gian tới phải liên tục và chặt chẽ hơn. Thời gian khảo sát cần phải tăng số lần khảo sát sang cả 12 tháng. Bên cạnh đó, tiếp tục điều tra khảo sát bổ sung các nguồn thải như: Các nguồn thải lớn trong hệ thống gồm nguồn thải của nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư… |