Diễn biến chất lượng nước trong hệ thống thuỷ lợi (HTTL) Bắc Hưng Hải (BHH) rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, xuất hiện nhiều điểm ô nhiễm mới. Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước trong HTTL BHH, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đề xuất cần có một số biện pháp được đề xuất như sau:
Trước đây HTTL Bắc Hưng Hải được thiết kế với nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, nhưng nay phải nhận thêm khối lượng nước thải gần 500 ngàn m3/ngày đêm nước thải từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư nên cần phải đầu tư, nâng cấp công trình để thực hiện thêm nhiệm vụ này.
Về kiểm soát nguồn thải, trước mắt, các đơn vị khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) cần phải kiểm soát được lưu lượng, chất lượng nguồn thải xả vào HTTL, xác định được các nguồn gây ô nhiễm chính để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và kiến nghị với các bên liên quan trong việc quản lý, xử lý nguồn thải trước khi xả vào HTTL.
Về lâu dài cần phải kiểm soát được tổng tải lượng chất thải tối đa được phép xả vào HTTL BHH theo cách tiếp cận thị trường chất lượng nước (WQT), kiểm soát cả nguồn thải thuộc diện cấp phép và nguồn thải thuộc diện không phải cấp phép.
Việc xử lý nguồn thải trước khi xả vào HTTL thuộc trách nhiệm của ngành Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương và chủ nguồn thải. Tuy nhiên, các đơn vị khai thác CTTL cần kiểm soát được các nguồn thải xả vào HTTL, tình hình cấp phép, xử lý nước thải, các nguồn chính gây ô nhiễm nước để có kiến nghị với các bên liên quan.
Hiện tại, các đơn vị KTCTTL mới chỉ thống kê (chưa đầy đủ) được tên nguồn thải vị trí xả thải nhưng không xác định được lưu lượng nước thải và chất lượng nguồn thải nên không xác định được nguồn gây ô nhiễm chính và các nguồn thải thuộc diện phải cấp phép.
Mặc dù, kết quả quan trắc chất lượng nước trong HTTL BHH đóng góp vai trò quan trọng phục vụ công tác quản lý của ngành và phổ biến cho các địa phương trong hệ thống. Tuy nhiên, mức đầu tư cho công tác quan trắc, dự báo chất lượng nước trong HTTL BHH còn rất thấp, các vị trí quan trắc chủ yếu tập trung trên kênh chính Bắc (sông Kim Sơn).
Toàn bộ sông trục thuộc 3 huyện của tỉnh Bắc Ninh và các sông trục phía Nam hệ thống thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên đều chưa có điểm quan trắc. Do đó, trong thời gian tới cần tăng cường kinh phí để tiếp tục quan trắc, dự báo chất lượng nước và quan trắc, dự báo các nguồn thải xả vào HTTL BHH.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác cấp phép xả nước thải, nghiên cứu bổ sung các qui định kỹ thuật về vận hành hệ thống thủy lợi BHH để giảm thiểu ô nhiễm nước và hạn chế các tác hại do ô nhiễm nước gây ra.
Bổ sung các qui định về bảo vệ chất lượng nước, kiểm soát nguồn thải xả vào trong CTTL vào Tiêu chí Thủy lợi trong Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM cấp xã. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu trong công tác kiểm soát nguồn thải, bảo vệ chất lượng nước trong HTTL BHH.
Cũng theo Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, cần tăng số điểm quan trắc đảm bảo tất cả các kênh chính cả các công trình tiêu nước chính đều có vị trí quan trắc (dự kiến 45 điểm) và tăng số lần quan trắc theo lịch trình vận hành của hệ thống trong cả năm đảm bảo mỗi tháng 01 lần quan trắc (12 lần/năm).
Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cũng có kiến nghị là Tổng cục Thủy lợi phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về xả nước thải vào CTTL BHH; chủ trì, phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến trình cấp phép xả nước thải vào HTTL Bắc Hưng Hải dựa trên các danh mục nguồn thải do nhiệm vụ cung cấp.
Ngoài ra, kiến nghị với Bộ NN-PTNT bố sung các quy định về kiểm soát nguồn thải xả và bảo vệ chất lượng nước trong CTTL vào Tiêu chí Thủy lợi (Tiêu chí số 3) thuộc bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cấp xã.