| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp tình thế để vận dụng phù hợp Luật Trồng trọt

Thứ Hai 26/12/2022 , 06:35 (GMT+7)

Một số ý kiến đóng góp cho giải pháp tình thế, cách hiểu đúng để vận dụng phù hợp Luật Trồng trọt.

Bài liên quan

Những năm qua, công tác xây dựng luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật lĩnh vực trồng trọt đã được ban hành. Trong đó, Luật Trồng trọt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là những văn bản quan trọng.

Các quy định mới phần nào góp phần thuận lợi cho các đối tượng liên quan, song cũng thể hiện quá nhiều bất cập. Trong đó Luật Trồng trọt - một văn bản pháp lý quan trọng, lĩnh vực chuyên môn hẹp song có tác động không hề nhỏ.  

Trong khuôn khổ bài báo có giới hạn, xin nêu một số bất cập, mâu thuẫn giữa các văn bản với thực tiễn, đồng thời có một số ý kiến cá nhân đóng góp cho giải pháp tình thế để chỉnh sửa, cách hiểu đúng để vận dụng phù hợp nhằm góp phần đưa Luật Trồng trọt vào cuộc sống đối với lĩnh vực bảo hộ, sản xuất kinh doanh giống cây trồng.

đang có sự xung đột cơ bản giữa quyền của chủ sở hữu giống được bảo hộ và quyền được lưu hành (tự công bố lưu hành)

Đang có sự xung đột cơ bản giữa quyền của chủ sở hữu giống được bảo hộ và quyền được lưu hành (tự công bố lưu hành).

Một số nhầm lẫn

Bài liên quan

Hiện đang có sự xung đột cơ bản giữa quyền của chủ sở hữu giống được bảo hộ và quyền được lưu hành (tự công bố lưu hành):

- Khoản 1, Điều 31 của Luật Trồng trọt quy định Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng: 1. Tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành giống cây trồng được quyền lưu hành giống cây trồng hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác lưu hành giống cây trồng”.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 về điều kiện tổ chức/cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng phải đáp ứng: a) Có giống cây trồng hoặc được ủy quyền của tổ chức, cá nhân có giống cây trồng được cấp quyết định công nhận lưu hành hoặc đã tự công bố lưu hành giống cây trồng;

Điều kiện để đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng và đăng ký lưu hành là khác nhau. Bảo hộ giống cây trồng là một dạng sở hữu trí tuệ và chỉ áp dụng với các giống cây trồng mới. Quyền sở hữu trí tuệ đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở tự nguyện, chủ sở hữu giống chỉ có quyền độc quyền khai thác khi được cơ quan thẩm quyền cấp quyền. Lưu hành (tự công bố lưu hành) là bắt buộc theo quy định của Luật Trồng trọt.

Bảo hộ giống cây trồng và việc giống có được lưu hành hay không là 2 việc độc lập. Quy định cho chủ sở hữu giống các quyền như tại Điều 31 và 22 có nghĩa chủ sở hữu chỉ cần đăng ký lưu hành mà không cần bảo hộ đã có quyền độc quyền – trái với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và công ước UPOV.

không làm thủ tục gia hạn vì nhiều lý do như kinh doanh không hiệu quả hoặc đơn giản là họ không còn tồn tại

Với quy định hiện hành, khi hết thời hạn lưu hành, sẽ có nhiều giống không được làm thủ tục gia hạn vì nhiều lý do như kinh doanh không hiệu quả hoặc đơn giản là chủ sở hữu giống không còn tồn tại.

- Qua nghiên cứu Luật Trồng trọt, một số quy định mới có thể làm hỗn loạn thị trường sản xuất, kinh doanh giống và thực thi pháp luật:

+ Quy định công nhận đặc cách với một số giống (Khoản 1, Điểm a, Điều 16: a. Là giống cây trồng đặc sản, giống cây trồng bản địa, giống cây trồng đã tồn tại lâu dài trong sản xuất, được địa phương đề nghị;

+ Thời hạn công nhận lưu hành 10 năm đối với cây hàng năm và 20 năm đối với cây lâu năm tại khoản 2 Điều 15 (2. Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hằng năm có thời hạn là 10 năm, giống cây trồng lâu năm có thời hạn là 20 năm và được gia hạn).

Quy định tại Điều 15 và 16 nêu trên của Luật Trồng trọt có nghĩa:

Bài liên quan

Tổ chức cá nhân không phải là tác giả/chủ sở hữu giống sẽ có quyền độc quyền khai thác trong các trường hợp: Đăng ký lưu hành các giống quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 16 nêu trên và gia hạn đối với giống tại Khoản 2, Điều 15 (thực tế sẽ có rất nhiều giống chủ sở hữu sau thời gian khai thác 10 hoặc 20 năm họ sẽ không làm thủ tục gia hạn vì nhiều lý do như kinh doanh không hiệu quả hoặc đơn giản là họ không còn tồn tại).

Trường hợp với các giống không gia hạn và không đăng ký như các giống cộng đồng (giống thuộc Khoản 1, Điểm a, Điều 16), người sản xuất các giống thuộc đối tượng này sẽ vi phạm Khoản 1, Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt: “1. Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”.

Empty

Cần phải trân trọng giá trị tài sản trí tuệ của các tác giả, đơn vị nghiên cứu giống.

Bài liên quan

Việc trao quyền cho tổ chức cá nhân công nhận đặc cách các giống thuộc Khoản 1, Điểm a, Điều 16 quyền được ủy quyền hoặc cho phép người khác sản xuất kinh doanh chính là hợp pháp hóa việc lấy tài sản của cộng đồng thành của riêng. Lý do là các giống cây trồng ở nhóm này đang thuộc sở hữu chung, của cộng đồng. Quy định này đi ngược với nội dung 6 của Chiến lược Sở hữu trí tuệ đã được phê duyệt: “6. Hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội”.

Văn hóa sở hữu trí tuệ hiểu đơn giản chỉ là việc biết trân trọng giá trị tài sản trí tuệ, cư xử có văn hóa với tài sản trí tuệ, không sử dụng các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không biến tài sản trí tuệ của người khác thành của mình, cụ thể đối với giống cây trồng là với giống không phải do mình tạo ra thì không được sở hữu quyền độc quyền, không sử dụng các giống vi phạm quyền….

Việc bắt buộc phải gia hạn thời gian lưu hành 10 năm với cây hàng năm và 20 năm với cây lâu năm, cùng với quy định hành vi bị nghiêm cấm sản xuất giống chưa được cấp quyết định công nhận lưu hành ở Khoản 1, Điều 9 sẽ là "thảm họa" cho nông dân khi hết hạn lưu hành giống mà chủ sở hữu giống không gia hạn.

Cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện thực phẩm thiết yếu thời Covid-19 của anh cán bộ phường nào đó ở miền Trung. Đối với giống cây trồng, theo Luật Trồng trọt thì một người nông dân trồng giống đã hết hạn lưu hành, cán bộ địa phương có quyền cấm theo quy định tại Khoản 1, Điều 9. Nếu đó là một vườn cây lâu năm (cà phê chẳng hạn) thì hậu quả là vô cùng tại hại.

Kiến nghị

Để khắc phục các bất cập nêu trên, xin phép đề xuất một vài ý kiến:

- Loại trừ các giống không thuộc đối tượng hành vi bị nghiêm cấm.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm đối với việc sản xuất, buôn bán và nhập khẩu giống chưa có quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, có thể sử dụng cụm từ sau dấu phẩy của khoản này để ban hành một văn bản của cấp có thẩm quyền (…, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép”). Trong trường hợp này, Bộ NN-PTNT (cơ quan có thẩm quyền quản lý lĩnh vực chuyên ngành về trồng trọt) hoàn toàn có thể ra một văn bản để loại trừ. Có nghĩa có thể liệt kê các trường hợp không bị coi là vi phạm hành vi nghiêm cấm khi sản xuất, buôn bán, nhập khẩu các giống…

Empty

Vẫn "còn cửa" để giải quyết những vướng mắc khi triển khai Luật Trồng trọt theo thẩm quyền của Bộ NN-PTNT.

- Bỏ danh mục loài cây trồng chính vì giải thích tại Khoản 7, Điều 2 của Luật Trồng trọt là mơ hồ và không rõ nghĩa (7. Loài cây trồng chính là loài cây được trồng phổ biến, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, cần được quản lý chặt chẽ”). Thực tế, nhiều loài được trồng phổ biến hơn những loài trong danh sách cây trồng chính hiện nay. “Tầm quan trọng trong phát triển kinh tế” trong bối cảnh hiện nay cũng có thể được hiểu nghĩa rộng như: Cây trồng có thể có tác dụng làm bóng mát, chống biến đổi khí hậu, chống xói mòn sụt lở, làm dược liệu…, và như vậy thì bất kể loài cây trồng nào, kể cả cỏ dại cũng có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế.

Trường hợp thấy cần thiết quản lý với cây lúa là cây trồng quan trọng đối với quốc gia trong việc đảm bảo cái ăn cho nhân dân thì sử dụng từ khác thay thế và chỉ quản lý với cây lúa. Đồng thời cũng không nên vì cụm từ “cần được quản lý chặt chẽ” mà đưa ra các biện pháp làm khó khăn cho việc sản xuất kinh doanh giống.

- Xác định phạm vi quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành.

Bài liên quan

Với mục đích thúc đẩy sản xuất ngành, phù hợp với thực tiễn để tác động tích cực tới kinh tế - xã hội, cần xác định phạm vi quản lý từ phía cơ quan nhà nước. Một doanh nghiệp vừa đăng ký tự công bố cho hơn chục giống rau mới (trong tổng số vài trăm giống họ sẽ làm thời gian tới), số tài liệu họ phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước đã gần 20kg (nộp theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành gồm tiêu chuẩn cơ sở, báo cáo khảo nghiệm, công văn giấy tờ khác… theo mẫu của nghị định này, thông tư nọ và cả theo hướng dẫn bằng "văn miệng" của cán bộ thụ lý).

Đến đây thì một người có tư duy rất bình thường cũng đặt câu hỏi: Quý cơ quan quản lý sẽ làm gì với đống tài liệu này, ai sẽ đọc và mất bao lâu để đọc hết, nó có tác dụng gì với sản xuất? Với số giống mới ra đời hàng năm tốc độ như hiện nay thì cơ quan nhà nước sẽ xây thêm bao nhiêu tầng để giữ tài liệu mà sau mấy tháng nữa chắc chỉ để các cháu học sinh nộp kế hoạch nhỏ? Cơ quan quản lý nhà nước xem xét liệu có thể thiết kế một mẫu trên mạng để người tự công bố điền vào chuyển qua mạng. Chúng ta đang là công dân quốc gia số cơ mà?

Cần có thủ tục đơn giản, thực hiện trực tuyến đơn giản, thuận tiện cho việc tự công bố lưu hành giống cây trồng.

Cần có thủ tục thực hiện trực tuyến đơn giản, thuận tiện cho việc tự công bố lưu hành giống cây trồng.

Kinh nghiệm thế giới, với lĩnh vực giống cây trồng, nhà nước chỉ cần quy định hàng hóa lưu hành trên thị trường phải có nhãn mác bao bì rõ ràng, minh bạch và quản lý chất lượng giống theo ghi nhận trên nhãn mác bao bì mà tác giả lưu hành giống trên thị trường, không bao giờ và không thể quản lý theo danh mục giống trong thực tiễn như nước ta hiện nay.

Cần khuyến khích cơ chế tự chịu trách nhiệm với xã hội từ các tác giả và sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Doanh nghiệp còn sợ mất uy tín với người tiêu dùng hơn chúng ta nghĩ nhiều, không bán được hàng là giải tán.

Cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng, giám sát việc thực hiện văn bản pháp lý, tiêu chuẩn quy chuẩn nhưng có cần thiết tới mức phải quản lý danh sách giống đối chứng cho thí nghiệm khảo nghiệm VCU của lúa không (như quy định tại TCVN cây lúa)?

Giống đối chứng là đối tượng luôn thay đổi theo thời gian, mùa vụ, vùng miền… Một nông dân sản xuất khi thấy giới thiệu một giống lúa mới thì họ cũng đã biết mua một lượng vừa phải về trồng thử để so sánh với giống trồng lâu nay để quyết định có thay giống hay không. Giống đối chứng là giống họ đang trồng, được sử dụng để so sánh với giống mới. Thế thôi!

- Kế thừa TCVN, cập nhật và không thể chế hóa các lĩnh vực kỹ thuật chuyên ngành.

Những năm qua, đã có trên dưới 200 tài liệu kỹ thuật về giống cây trồng các loại từ Quy chuẩn kỹ thuật (QCKT), Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về khảo nghiệm VCU, DUS, chất lượng giống… đã được ban hành. Với khối lượng tài liệu như vậy, cho thấy ngân sách đã chi cho việc biên soạn là không hề nhỏ. Cần có sự kế thừa các tài liệu nêu trên khi ban hành các tài liệu mới để giảm chi phí về thời gian cũng như tiền của. Có thể ban hành bổ sung tiêu chuẩn những quy định mới của Luật mà không cần ban hành mới.

nghien-cuu-f1-0943_20210530_552

Cần kế thừa những tiêu chuẩn, quy chuẩn đã ban hành trước đây khi triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Trồng trọt.

Bài liên quan

Văn bản pháp lý cũng như kỹ thuật nên xem xét lựa chọn các nội dung cần được quy định để thời gian tồn tại được lâu dài, đồng thời có thể cập nhật các tiến bộ KH-CN trên thế giới. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước và các nhà khoa học hàng đầu lĩnh vực trồng trọt còn đang thảo luận say sưa về việc quyết định hàng cách hàng, cây cách cây là bao nhiêu cm cho thí nghiệm khảo nghiệm của TCVN về khảo nghiệm cây lúa cho cả 34 điểm trên cả nước thì thế giới đã có nhiều giống cây trồng ra đời bằng phương pháp chuyển gien, chỉnh sửa gen đã được giới thiệu cho sản xuất.

Trên đây là một số ý kiến cá nhân mang tính chất trao đổi nhằm có cách hiểu đúng, vận dụng để thực thi Luật Trồng trọt có hiệu quả nhằm có được một môi trường sản xuất kinh doanh giống cây trồng lành mạnh, tạo lợi ích cho cộng đồng, dù chỉ là biện pháp tình thế trong khi chờ văn bản luật tốt hơn, phù hợp thực tiễn thay thế.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm