Thốt nốt trở thành cây sinh kế bền vững
Thốt nốt là cây trồng đặc trưng với số lượng lớn ở vùng Bảy Núi, tập trung ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên (An Giang). Trong nhiều năm qua, cây trồng này đã trở thành cây sinh kế bền vững với phần lớn các hộ gia đình Khmer. Hầu hết các bộ phận trên cây thốt nốt đều được bà con nông dân khai thác, tận dụng để tạo ra nhiều sản phẩm hữu dụng khác nhau, mang lại thu nhập khá.
Theo kết quả thống kê, trên địa bàn huyện Tri Tôn có gần 11.000 cây thốt nốt được trồng rải rác khắp các xã. Bà con nông dân Khmer phần lớn khai thác trái thốt nốt tươi và nước mật để tạo ra thực phẩm tiêu dùng hàng ngày bán cho các quán nước giải khát và sản xuất ra đường thốt nốt bán cho người tiêu dùng ở các chợ. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất sản phẩm từ cây thốt nốt của bà con Khmer vẫn theo lối truyền thống thủ công nên sản lượng và chất lượng không đảm bảo yêu cầu của thị trường.
Giảm nghèo bền vững là một trong những chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai rộng rãi trên khắp cả nước, đặc biệt là tại những địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo… Dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đại diện là Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo, tại các địa phương xây dựng mô hình giảm nghèo và khuyến khích các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ tham gia. Tuy vậy, bất kỳ mô hình giảm nghèo nào cũng rất khó nhân rộng mà phải dựa vào đặc thù của địa phương để xây dựng và phát triển.
Bà Ngô Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: Để hỗ trợ bà con Khmer giảm nghèo bền vững tránh tình trạng tái nghèo, dựa vào đặc thù sinh kế trồng cây thốt nốt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trực tiếp là Văn phòng Quốc gia về Giảm nghèo phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM xây dựng dự án mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cây thốt nốt.
Theo đó, bà con nông dân được tập huấn về kiến thức sản xuất và kết nối thị trường theo chuỗi giá trị “từ cung đến cầu” và được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa định hướng sản xuất sạch và nâng cao chất lượng. Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cây thốt nốt giúp bà con đồng bào Khmer phát huy nội lực và gia tăng giá trị từ chính những cây trồng, vật nuôi gắn bó với họ hàng ngày. Đồng thời, khai thác tính đặc thù từ cây thốt nốt để tạo ra sản phẩm đặc trưng mang chỉ dẫn địa lý cho vùng đất Tri Tôn, nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống.
Cùng với tinh thần từ Đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ và Chương trình Một triệu cây xanh - Vì một Việt Nam xanh của Trung ương Đoàn, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong phối hợp bà con nông dân tham gia tập huấn, trồng mới hơn 50 cây thốt nốt tại khoảnh đất quanh chùa. Sự kiện này trước hết đóng góp vào nguồn cây thốt nốt trên địa bàn, tăng cường tính chủ động về nguyên liệu cho bà con nông dân và thể hiện tính bền vững của dự án khi vòng đời sản xuất vẫn tiếp nối; sau đó là cải thiện môi trường cảnh quan nông thôn thêm xanh, sạch, đẹp góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thông qua các sự kiện nêu trên, Trung tâm Phát triển Nông thôn - Saemaul Undong mong muốn hiện thực hóa sứ mệnh phục vụ cộng đồng, góp phần đưa khu vực nông thôn phát triển và tiệm cận với khu vực đô thị, giúp cho đời sống của bà con nông dân thêm sung túc như triết lý hoạt động mà Trung tâm từ khi mới thành lập đã đề ra.
Hình thành vùng thốt nốt hữu cơ
Nói về trồng và phát triển cây thốt nốt ở vùng Bảy Núi, đa phần bà con khmer nơi đây đều phấn khởi. Bởi cây thốt nốt là loại cây trồng đặc hữu ở vùng Bảy Núi, có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khô hạn, thiếu nước nơi đây. Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, có thể hình thành vùng thốt nốt hữu cơ để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm từ thốt nốt, hướng đến xuất khẩu.
Anh Chau Don ở xã Châu Lăng (huyện Tri Tôn) sở hữu 30 cây thốt nốt từ gia đình để lại và bên cạnh đó anh còn đi thuê của người dân địa phương khác, mỗi khi vào mùa lấy đường bắt đầu từ tháng 11 (âm lịch), kéo dài đến tháng 4 - 5 năm sau, bình quân mỗi ngày gia đình anh thu được khoảng 50 - 80 lít nước mật thốt nốt. Với lượng nước thốt nốt lấy được, có thể mang đi nấu cho ra từ 15 - 20kg đường thốt nốt mỗi ngày.
“Từ nhỏ, tôi theo ba, các chú trong xóm đi lấy nước thốt nốt nên quen việc leo trèo. Với những cây thốt nốt cao được gắn thêm thân tre có nhiều nhánh nhỏ để leo dễ dàng hơn, nhất là những lúc trời mưa ít bị trơn trượt. Nghề này giúp gia đình nuôi anh em tôi khôn lớn, giờ tới vợ chồng tôi tiếp tục nối nghề kiếm thu nhập nuôi 2 con ăn học đến nơi đến chốn”, anh Chau Don chia sẻ.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, thốt nốt hiện được trồng tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn với trên 35.000 cây. Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, cây thốt nốt được tỉnh An Giang đánh giá có thể hình thành vùng thốt nốt hữu cơ để từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của An Giang, góp phần cải thiện đời sống và giảm nghèo cho vùng đông đồng bào Khmer.
Theo định hướng phát triển của UBND tỉnh An Giang, đến năm 2025, số lượng cây thốt nốt tại Tri Tôn và Tịnh Biên sẽ được khai thác sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt 200 cây trên 40 năm tuổi, chia đều cho hai địa phương. Tỉnh dự kiến đến năm 2025 sẽ hình thành và phát triển tối thiểu 1 chuỗi sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ thốt nốt hữu cơ được chứng nhận.
An Giang đặt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm thốt nốt hữu cơ đạt 1 - 2% tổng sản phẩm của toàn tỉnh. Lợi nhuận thu được từ thốt nốt, sản phẩm từ thốt nốt hữu cơ bằng hoặc cao hơn so với tập quán thông thường từ 0,5 - 1 lần. Định hướng đến năm 2030, số lượng cây thốt nốt tại An Giang được khai thác sản phẩm hữu cơ đạt 500 cây. Trong đó, huyện Tri Tôn 200 cây và thị xã Tịnh Biên 300 cây.