| Hotline: 0983.970.780

Giãn cách xã hội thêm gần gũi gia đình

Thứ Bảy 25/04/2020 , 06:10 (GMT+7)

Dịch Covid-19 bùng phát và những ngày giãn cách xã hội vừa qua đã làm thay đổi nhịp sống, thói quen của nhiều người, nhiều gia đình...

Thời gian bên gia đình mọi người đều cảm nhận xích lại gần nhau và chia sẻ yêu thương nhau hơn. Ảnh: MV.

Thời gian bên gia đình mọi người đều cảm nhận xích lại gần nhau và chia sẻ yêu thương nhau hơn. Ảnh: MV.

Chọn việc làm ý nghĩa

Con hẻm nhỏ thường ngày chị Phan Thị Nhàn (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vẫn hay đi qua đã thưa thớt người, không còn cảnh chen chúc mua bán họp chợ chiều như mọi khi.

Chồng và các con chị cũng đang thong thả cùng nhau tưới những chậu cây cảnh trước nhà, điều hiếm thấy của gia đình chị vài tháng trước.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn và nó đã tạo ra cho con người những thách thức buộc chúng ta phải thích nghi và vượt qua. Mỗi người cũng có thể dành thời gian nhiều hơn để thực hiện những dự định mà thường ngày chưa thể thực hiện được; hay quan tâm, hỏi thăm đến những người bạn yêu thương; khám phá chân trời mới từ những trang sách, trải nghiệm những món ăn ngon, những giờ phút sum họp gia đình…

Còn với chị Nhàn, trước đây cũng vào tầm giờ này vợ chồng chị đang tất bật người đón đứa lớn, người đón đứa nhỏ. Nhiều hôm nấu cơm dọn dẹp xong chồng chị lại phải bỏ cơm nhà đi tiếp khách.

Con chị ăn xong lại nhanh chóng ngồi vào bàn cặm cụi học bài, vợ chồng và các con chị nhiều khi không có thời gian trò chuyện, hỏi han nhau. Ấy thế mà, vào mùa dịch như thế này thì cái không khí ấy lại được cải thiện rất nhiều.

“Đúng là những ngày này các thành viên trong ngôi nhà nhỏ của tôi mới cảm nhận rõ hơn tình cảm gia đình, con cái được quan tâm, gần gũi ba mẹ nhiều hơn.

Chồng tôi cũng dành thời gian rảnh để cùng chơi với con. Tôi thì có thời gian chăm chút cho bữa cơm gia đình, cảm nhận mọi người xích lại gần nhau và chia sẻ yêu thương nhau hơn”, chị Nhàn bộc bạch.

Sau khi có thông báo tạm nghỉ học của trường để thực hiện giãn cách xã hội, Nguyễn Thị Thanh Tú (sinh viên Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM) tạm biệt bạn bè, trường lớp để xuôi về miền Tây, nơi quê hương cô và bắt đầu những ngày làm nông dân thứ thiệt phụ giúp cha mẹ.

Ngày mới ở quê, Tú thức dậy sớm hăng hái lo chuẩn bị vật dụng để theo cha mẹ ra đồng thu hoạch nông sản.

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày tháng tư, cô cảm nhận rõ giá trị của những giọt mồ hôi thánh thót nhỏ xuống. Cô càng thấu hiểu sức lao động hằn trên gương mặt sạm nắng của cha mẹ đang thấm đẫm vị mặn.

Tú chia sẻ: “Từ khi nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, lịch sinh hoạt của em đã thay đổi hẳn, sáng dậy sớm ra đồng phụ giúp cha mẹ chăm lúa, thu hái trái cây, chiều lại chở thành quả lao động về nhà. Xong lại vào bếp lo cơm nước cho cả nhà buổi tối quây quần.

Tuy mệt nhưng cảm giác mình thật sự trưởng thành, cảm nhận được giá trị của lao động, của tình thân chia sẻ với cha mẹ”. 

Mùa dịch, mỗi người cũng lại chọn cho mình những việc làm riêng để những ngày ở nhà càng trở nên ý nghĩa. Khi thể chất và đời sống tinh thần khỏe mạnh thì đó cũng là “liều thuốc” để vượt qua tất cả.

Mùa dịch, mỗi người chọn cho mình những việc làm riêng ý nghĩa bên gia đình. Ảnh: MV.

Mùa dịch, mỗi người chọn cho mình những việc làm riêng ý nghĩa bên gia đình. Ảnh: MV.

“Hãy ở nhà” là thông điệp đang được lan tỏa rộng rãi nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh và khi ở nhà cũng là dịp để mỗi chúng ta tìm lại những giá trị của cuộc sống vốn bị cuốn đi bởi nhịp sống hối hả thường ngày.

Thay vì giữ tâm lý lo lắng, hoang mang, buồn chán trong những ngày ở nhà phòng tránh dịch bệnh thì việc hình thành lối sống, suy nghĩ tích cực được xem là một trong những “vũ khí” để đẩy lùi dịch bệnh.

Luyện tư duy tích cực

Là một kỹ sư quanh năm đi làm công trình xa, nhưng trong những ngày sống giãn cách toàn xã hội, anh Đinh Khắc Hùng (Q1.TP.HCM) tranh thủ dành những ngày nghỉ dịch để có thêm khoảng thời gian gần gũi hơn bên vợ con.

Với thói quen hàng ngày, anh Hùng luôn thức dậy sớm, thong thả dành thời gian nhiều hơn để tập thể dục cùng vợ con quanh công viên, không chỉ giúp cơ thể dẻo dai, nâng cao sức đề kháng mà còn hướng đến sự tĩnh tâm, hình thành lối sống tích cực, giảm đi những lo lắng về dịch bệnh.

Anh chia sẻ: “Những ngày này dường như ai cũng sống chậm lại. Sống chậm không phải là lãng phí thời gian mà hãy sống một cách kỹ lưỡng hơn để cảm nhận được những điều tốt đẹp trong cuộc sống”.

Chị Phạm Thị Hương, hiện là nhân viên tại một công ty nước ngoài ở ngoại thành TP.HCM, thời gian nghỉ vì dịch bệnh chính là dịp để chị tự làm tươi mới bản thân. Trong môi trường làm việc năng động, nhiều áp lực, đôi khi khiến chị cảm thấy ngột ngạt, stress.

Nay nhân dịp tạm nghỉ dịch, lại không họp mặt bạn bè nên chị bắt đầu lên kế hoạch để lấy lại cân bằng cuộc sống bằng việc dành thời gian để đọc sách, luyện tiếng Anh trên mạng internet, vừa “giết thời gian” lại giúp ích cho chị rất nhiều khi đi làm trở lại.

Chị Hương bộc bạch: “Nếu tinh thần, tư tưởng bạn buồn chán, cuộc sống bạn sẽ buồn chán, còn bạn vui vẻ, lạc quan thì ngược lại. Cuộc sống muôn màu, quan trọng là bạn lựa chọn cho mình những niềm vui giúp cho đời sống tinh thần phong phú thì dù có phải ở nhà trong thời gian dài, bạn vẫn không cảm thấy buồn chán”. 

Việc hình thành lối sống tích cực được nhiều người đang lựa chọn trong mùa nghỉ dịch. Ảnh: MV.

Việc hình thành lối sống tích cực được nhiều người đang lựa chọn trong mùa nghỉ dịch. Ảnh: MV.

Tương tự, với anh Đặng Văn Dùng (Luật sư ở Q2, TP.HCM) trong thời gian nghỉ dịch, ngoài việc duy trì công việc tự ở nhà nghiên cứu chuyên môn, anh còn dành phần lớn thời gian cập nhật những bài giảng hay để bổ sung kiến thức mới cho các con; thậm chí hàng ngày anh còn ngồi theo dõi học trực tuyến cùng con trong suốt những ngày nghỉ dịch.

Anh cho rằng, ở nhà trong khoảng thời gian dài là điều mà không chỉ trẻ con mà cả người lớn cũng khó để làm quen. Do đó, hình thành lối sống tích cực cũng là cách mà nhiều người đang lựa chọn trong suốt thời gian giãn cách xã hội ở nhà để phòng tránh dịch bệnh. Việc hình thành thói quen sống tích cực trong những ngày nghỉ dịch này là rất quan trọng…

“Sống chậm hiểu theo nghĩa tích cực có thể là chỉ cần ta ngắm một bông hồng vừa nở sau một đêm thức giấc, hay cảm nhận những sợi tóc bạc của cha, mẹ; hay cũng có thể là nghe được tiếng cười của con trẻ…Những điều tưởng chừng đơn giản, bình dị như thế nhưng đôi khi do cuộc sống hối hả chúng ta thường bỏ qua và đánh mất để rồi sẽ có lúc phải hối tiếc, trăn trở”, anh Đinh Khắc Hùng chia sẻ.

(Kiến thức gia đình số 17)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm