| Hotline: 0983.970.780

Gian nan tìm công lý!

Thứ Năm 21/04/2022 , 08:57 (GMT+7)

Bỏ nhà, bỏ cửa. Vượt hơn 1.243 km, lặn lội từ Đăk Lăk ra Hà Nội, lang thang khắp phố phường Thủ đô, ai bảo đi đâu đi đấy, tất cả chỉ vì “oan”.

Bỗng dưng mất đất

Lang thang tìm quán trà đá xả hơi chiều cuối tuần tại khu vực hồ Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông co ro trên ghế đá với vẻ mặt thất thần, chán nản, đầu còn đội nguyên mũ bảo hiểm.

Anh Cao Ngọc Long khăn gói từ Đăk Lăk ra Hà Nội để kêu 'oan'. 

Anh Cao Ngọc Long khăn gói từ Đăk Lăk ra Hà Nội để kêu "oan". 

Thấy lạ, chúng tôi bắt chuyện thì biết được anh là Cao Ngọc Long, sinh sống tại Đăk Lăk, một mình nhảy xe khách ra Hà Nội để kêu “oan”. Hành trang gồm chăn màn, quần áo và một xấp đơn thư, tài liệu.

Anh Long cho biết, bằng nhiều cách di chuyển, anh đã vượt quãng đường hơn 1.243km từ thôn Bình Minh, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk tìm đến Thủ đô vì mảnh đất cha mẹ để lại với biết bao mồ hôi, nước mắt khai hoang sắp bị cưỡng chế thi hành án một cách khó hiểu.

Trao đổi với chúng tôi, anh Long nghẹn ngào trong nước mắt, sự việc bắt nguồn từ em trai của anh là Cao Thanh Cảnh.

Năm 2009, anh Cảnh vay tiền ngân hàng Thương mại cổ phần Thương Tín (SacomBank) với số tiền 170 triệu đồng, thế chấp một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AK 555289, do UBND huyện Krông Năng cấp ngày 26/5/2008 mang tên Cao Thanh Cảnh gồm 3 thửa đất (92, 93, 95) với diện tích trên 16 ngàn m2 đất trồng cây lâu năm. Nguồn gốc đất được thừa kế từ thời cha mẹ vào khai hoang.

Thế nhưng do làm ăn thua lỗ, anh Cảnh không thể trả được nợ ngân hàng. Trước tình cảnh mảnh đất mà cha mẹ mất bao nhiêu mồ hôi, nước mắt khai hoang sắp bị ngân hàng phát mại tài sản, anh Cảnh đã thỏa thuận để anh Long sẽ đứng ra trả tiền nợ ngân hàng cho mình. Với điều kiện, anh Long được mua lại thửa đất số 92 có diện tích hơn 6 ngàn m2 và trả thêm cho anh Cảnh số tiền 40 triệu đồng. Tổng cộng để mua lại thửa đất trên anh Long phải chi số tiền lên tới 210 triệu đồng.

Do thời điểm trên, quyển sổ đỏ đang được thế chấp tại ngân hàng nên ngày 9/11/2011 giao dịch trên đã được lập bằng giấy viết tay, không qua thủ tục công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỉ có những người làm chứng là ông Cao Ngọc Sinh và ông Cao Tầm là trưởng thôn.

Đến năm 2013, sau khi nhận đủ tiền Ngân hàng Sacombank đã cấp đơn đề nghị xóa thế chấp cho anh Cảnh, tuy nhiên từ khi rút được quyển sổ đỏ nêu trên, anh Cảnh vẫn chưa thực hiện thủ tục xóa thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai. Sổ đỏ khi đó vẫn đứng tên anh Cảnh.

Tại thời điểm nhận chuyển nhượng trên đất đang có 900 cây cà phê kinh doanh. Sau đó, anh Long sử dụng ổn định từ thời điểm trên, đến năm 2015, trồng thêm 50 cây sầu riêng, 2019 trồng thêm 300 cây mắc ca, 2020 trồng thêm 150 cây đàn hương...

Một hôm thấy nhiều người tự xưng là cán bộ thi hành án, địa chính... đến thửa đất số 92 mà gia đình mình đang canh tác bấy lâu nay để đo đạc, anh Long ra hỏi thì được cho biết đây là đất của anh Cảnh và chuẩn bị cưỡng chế vì không trả được nợ.

Quá bất ngờ trước thông báo nêu trên, anh Long đã phải lặn lội đi tìm hiểu thì phát hiện ra thửa đất nêu trên đã được Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Đăk Lăk cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Ngọc Nga. Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất số CV 777732 ngày 19/11/2020, nay được xác định là thửa số 30, tờ bản đồ 44, diện tích 6.431,7m2.

Đến lúc này anh Long mới phát hiện ra, ngoài vay ngân hàng, năm 2009 anh Cảnh cũng đã nhiều lần vay tiền của bà Nga và có tín chấp cho bà Nga một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN680007 mang tên Cao Thanh Cảnh với tổng số tiền 68 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng. Bà Nga đã làm đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Krông Năng giải quyết.

Ngày 20/6/2011, Tòa án đã đưa vụ án trên ra xét xử và tuyên yêu cầu bà Nga trả lại quyển sổ đỏ đã nhận tín chấp của anh Cảnh do bà Nga không có thẩm quyền nhận tín chấp tài sản. Đồng thời tuyên buộc anh Cảnh phải trả cho bà Nga số tiền là 83 triệu đồng.

Quy trình cưỡng chế kê biên có phù hợp?

Anh Long bên xấp đơn thư. 

Anh Long bên xấp đơn thư. 

Qua hồ sơ tài liệu anh Long cung cấp, sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, ngày 14/11/2012, Chi cục Thi hành án huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk đã ban hành Quyết định thi hành án về việc anh Cảnh phải trả cho bà Nga số tiền 83 triệu đồng.

Ngày 17/3/2014, Chi cục Thi hành án huyện Krông Năng ra quyết định cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất đối với thửa đất nói trên. (Phần quyết định: Tạm giao cho ông Cảnh quản lý, khai thác đến khi có Quyết định mới của cơ quan THA). Quyết định kê biên này căn cứ vào bản án số 37/2011/DSST và quyết định thi hành án ngày 14/11/2012. Sau nhiều phiên đấu giá tài sản không thành thì Chi cục Thi hành án dân sự đã giao tài sản là Quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 92 nêu trên cho bà Nga.

Giấy mời của UBND xã Tam Giang, tỉnh Đăk Lăk mời anh Long đến thửa đất mình đang canh tác để giao lại cho bà Nga. 

Giấy mời của UBND xã Tam Giang, tỉnh Đăk Lăk mời anh Long đến thửa đất mình đang canh tác để giao lại cho bà Nga. 

Điều đáng nói, tại thời điểm thực hiện thi hành bản án nêu trên, thửa đất số 92 nêu trên đang có tranh chấp. Cụ thể là đang được thế chấp tại ngân hàng Sacombank và có tranh chấp về quyền sở hữu giữa anh Cảnh và anh Long. Như vậy, có phải cơ quan Thi hành án đã bỏ qua quyền lợi của anh Long và không xét đến việc thửa đất trên vẫn đang được thế chấp tại ngân hàng dù thời điểm năm 2013, ngân hàng đã xóa thế chấp cho anh Cảnh nhưng chưa xóa đăng ký giao dịch bảo đảm tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Đồng thời, anh Cảnh ngoài thửa đất số 92 nêu trên, còn có một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác đã tín chấp cho bà Nga và bị Tòa án buộc phải trả lại. Cùng với đó, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị mang thế chấp tại ngân hàng còn có 2 thửa đất khác với diện tích tương đương. Vì sao Chi cục Thi hành án không xem xét đối với các thửa đất trên mà lại quyết định cưỡng chế kê biên đối với thửa đất số 92 đang có nhiều tranh chấp?

Mặt khác theo quy định của pháp luật hiện hành, trước khi mở cuộc bán đấu giá 1 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản. Mức phí tổn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, cơ quan Thi hành án phải thông báo cho anh Cảnh, thế nhưng trên thực tế, có đến 4 lần mở phiên đấu giá nhưng anh Cảnh đều không nhận được thông báo.

...

Anh Long lặn lội ra Hà Nội không một người quen, lang thang giữa Thủ đô gõ cửa cơ quan nọ cơ quan kia. Anh kêu oan, ngơ ngác trước việc mình phải bỏ khoản tiền gom góp gần một đời người để trả nợ thay cho em, giữ lại mảnh đất là công sức của cha mẹ để lại, trồng thêm cây cối, canh tác ổn định suốt 10 năm nay. Nay thì mảnh đất đã đứng tên người khác, chỉ vì sự cưỡng chế không chuẩn xác ngay từ đầu của cơ quan thi hành án huyện Krông Năng.

Ngày 13/4/2022, anh Long đã buộc phải khởi kiện anh Cảnh ra Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk với yêu cầu buộc anh Cảnh phải sang tên thửa đất số 92 nêu trên, hủy giá trị pháp lý đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CV 777732, do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đăk Lăk cấp ngày 19/11/2020 mang tên bà Nguyễn Thị Ngọc Nga.

Thế nhưng những yêu cầu khởi kiện này của anh Long đã không được Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk chấp nhận. Chính bởi quy trình thủ tục thi hành án của Chi cục Thi hành án huyện Krông Năng có nhiều vấn đề gây tranh cãi  khiến “gạo đã nấu thành cơm”, do quá thời hiệu xử lý.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất