| Hotline: 0983.970.780

Giáo dục bảo tồn thiên nhiên cho vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát

Thứ Hai 02/10/2023 , 15:06 (GMT+7)

Vườn quốc gia Pù Mát và Save Vietnam’s Wildlife có sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn qua đó góp phần thay đổi tích cực trong việc gìn giữ và phát triển tài nguyên rừng.

Vườn quốc gia Pù Mát là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: Anh Khôi. 

Vườn quốc gia Pù Mát là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An, là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Ảnh: Anh Khôi. 

Ngày 22/9, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) đã phối hợp với Vườn quốc gia Pù Mát, Phòng Giáo dục và Đào tạo 3 huyện Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương tổ chức thành công hội thảo “khởi động chương trình Giáo dục bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát, giai đoạn 2023 - 2025”. Đây là nội dung mở rộng, tiếp nối thành công của giai đoạn 2021-2022.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam chia sẻ: Trong chiến lược và kế hoạch hành động xuyên suốt, SVW vinh dự có được sự tin tưởng của các vườn quốc gia. Chúng tôi đồng hành với Pù Mát từ năm 2018, quá trình phối hợp của đôi bên hết sức chặt chẽ, nhuần nhuyễn và đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Kỳ vọng trong thời gian tới, 2 đơn vị sẽ cùng nhau tạo ra nhiều thành tựu hơn, đồng thời có thêm sự đồng hành của các bên liên quan để cùng nhau hỗ trợ, lan tỏa sâu rộng công tác bảo tồn thiên nhiên”.

Ông Nguyễn Diên Quang, Phó hạt trưởng Vườn quốc gia Pù Mát khẳng định: “SVW là đơn vị hợp tác chiến lược, đã song hành với vườn triển khai nhiều chương trình thiết thực, bao gồm hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng vùng đệm, điểm nhấn là sự tham gia của chính các em học sinh, là thế hệ kế thừa tương lai. Từ kết quả giai đoạn 2021 - 2022, chương trình tiếp tục được triển khai và mở rộng cho cả 3 huyện vùng đệm Anh Sơn, Con Cuông, và Tương Dương, đây thực sự là tín hiệu hết sức lạc quan”.

Sự tham gia của các em học sinh, những thế hệ tương lai sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng mục tiêu của chương trình đề ra. Ảnh: Khôi An.

Sự tham gia của các em học sinh, những thế hệ tương lai sẽ góp phần lan tỏa sâu rộng mục tiêu của chương trình đề ra. Ảnh: Khôi An.

Chương trình giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia Pù Mát đã được triển khai với 5 hợp phần. Chương trình nhận được sự tham gia của hơn 100 giáo viên trực thuộc Phòng Giáo dục - Đạo tạo huyện Con Cuông, từ đó đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và trao cơ hội trải nghiệm cho khoảng 6.200 học sinh của 20 điểm trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện Con Cuông và khu vực vùng đệm của vườn.

Chương trình đã giúp các em sớm nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rừng và động vật hoang dã đối với sự sống của cộng đồng.

Qua tìm hiểu được biết, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (tên tiếng Anh là Save Vietnam’s Wildlife, viết tắt là SVW) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập nhằm mục đích ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các quần thể động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam.

Những năm qua, Trung tâm đã kết hợp với các Vườn quốc gia Cúc Phương, Pù Mát, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Cát Tiên tiến hành các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã từ quá trình buôn bán trái phép, sau đó tái thả chúng về môi trường sống phù hợp.

Về phần Vườn quốc gia Pù Mát, đơn vị này được chuyển hạng từ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Mát theo Quyết định số 174/2001/QĐ-TTg ngày 08/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Pù Mát được biết đến là 1 trong 3 vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An với tổng diện tích rừng đặc dụng 94.715 ha, chưa kể vùng đệm 86.000 ha.

Vườn quốc gia Pù Mát có tầm quan trọng đa dạng sinh học lớn, là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế về tỉnh Gia Lai

Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) đã đề nghị một số địa phương nộp hơn 57 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.